Sáng ngày 1/7/2015 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội, Ban Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng đã tổ chức khai mạc trọng thể Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ IX của Bộ Quốc phòng, một trong những Đại hội điểm của cả nước, được tổ chức 5 năm một lần với hơn 700 đại biểu tham dự.
Đến dự Đại hội có các ông: Nguyễn Tấn Dũng (UVBCT, Thủ tướng), Lê Khả Phiêu (nguyên TBT), Đại tướng Phạm Văn Trà, (nguyên UVBCT, nguyên Bộ trưởng QP), Thượng tướng Phạm Thanh Ngân (nguyên UVBCT, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Thượng tướng Ngô Xuân Lịch (Bí thư TU Đảng, UV Thường vụ Quân ủy TU, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (UVTU Đảng, UV Thường vụ Quân ủy TU, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ QP), Thượng tướng Nguyễn Thành Cung (UVTU Đảng, UV Thường vụ Quân ủy TU, Thứ trưởng Bộ QP), Trương Hòa Bình (UVTU Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Thứ trưởng Bộ QP)…
Vắng mặt trong buổi lễ quan trọng này: TBT Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, lãnh đạo Hội đồng Thi đua-Khen thưởng TU và một số chính khách, tướng lãnh khác.
Nhận Xét: Đây là một sinh hoạt rất quan trọng 5 năm một lần của quân đội và do chính Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng đứng ra tổ chức, tức cơ chế Đảng, nhưng lại vắng mặt ông Tổng Bí Thư và ông Bộ Trưởng Quốc Phòng, cho thấy cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội và bắt quân đội phải ưu tiên trung thành với Đảng đã tan rã, nhất là trước một thực tế Việt Nam đang bị xâm lược và lãnh đạo quân đội lâu nay quá quỵ luỵ với kẻ xâm lược.
Với sự thông qua của Quốc Hội hôm 20/6/2015 Điều 28 Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), để bổ sung 2 thẩm quyền cho thủ tướng, cho phép thủ tướng điền khuyết bổ trưởng trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, điều này hổ trợ cho ông Dũng tính chính đáng để ngồi chủ toạ ĐHTĐQT 2015 năm nay. Trong ĐHTĐQT năm 2010, người chủ toạ khai mạc đại hội là Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh.
Sự vắng mặt hai nhân vật nồng cốt nhất, có quyền quyết định tối hậu trong việc vận dụng sức mạnh cơ bắp (Nguyễn Phú Trọng, Phùng Quang Thanh) cho thấy đang có sự chuyển đổi quyền lực, kể cả cấu trúc của quyền lực. Lãnh đạo quân đội lâu nay nằm trong tay Đảng đang chuyển về người đứng đầu cơ quan hành pháp của chính phủ. Vai trò của quân uỷ trung ương (lệ thuộc Đảng) sẽ từ từ nhường chổ cho vai trò của một hội đồng an ninh quốc gia hay tương tự như vậy (lệ thuộc Chính Phủ) để vận dụng sức mạnh quân đội. Đây có thể là cách để thoát ra khỏi nghĩa vụ quốc tế của các đảng cộng sản anh em, tức sự vâng lời của CS đàn em.
Đây cũng là một tín hiệu của sự thay đổi chính sách ngoại giao quốc phòng của VN. Những chỉ dấu cho thấy là sự quỵ luỵ TQ đã đến giới hạn và cần phải có một chính sách mới. Chưa ai biết là chính sách mới sẽ như thế nào, nhưng có thể mường tượng được rằng nó có thể đi vào thời kỳ sử dụng các định chế toà án quốc tế và sự thể hiện cương quyết hơn trong vùng nước chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế. Nó cũng có thể được hiểu là nếu TQ tìm cách sấn tới phong toả Trường Sa để đuổi Phi Luật Tân và VN để ‘một ra không trở lại’ thì chiến tranh có thể xảy ra.
Đa phần là ông Phùng Quang Thanh đang bị khống chế ở một nơi bí mật nào đó. Ông PQT sẽ xuất hiện đứng hay nằm nó lệ thuộc vào việc ông có chấp nhận tương nhượng hay không, vì ở tư thế của kẻ khống chế ông, họ sẽ hưởng lợi chính trị nhiều hơn nếu ông còn sống nhưng vô quyền, ông chết là một trung sách cho họ, hạ sách là ông sống và vẫn nắm thực quyền quân đội.
Ông Putin mất tích 10 ngày hồi tháng Ba 2015, sau khi xuất hiện ông nói “cuộc đời thì nhàm chán nếu không có tin đồn” (life is boring without gossip) nhưng ông đã thay đổi hẳn, không còn hung hăng đe doạ thế giới như trước nữa, nhất là đe doạ dùng bom nguyên tử, làm cho chính những người như Chánh văn phòng điện Cẩm Linh Sergei Ivanov và Chủ tịch Hội đồng An ninh Nicolai Patryushev phải làm một điều gì để kiềm chế ông lại.
Qua những gì đã xảy ra trong hơn 10 ngày qua và huê dạng của Đại hội Thi đua Quyết thắng hôm 1/7, ta có thể nói đây là một cuộc đảo chánh bỏ túi (mini) trong quân đội, nhưng nó lại có một tác động lớn trên cả hai lãnh vực: chính sách ngoại giao quốc phòng và cấu trúc quyền lực của các định chế. Điểm tích cực là VN lâu nay ở trong trạng thái tỉnh (status quo) đã chuyển qua động tính, vấn đề kế tiếp sẽ là các động tính này có hướng VN về phía tốt nhất cho sự vùng lên của dân tộc hay không.
Le Minh Nguyen