Cuối năm 2014, tờ báo Đảng là Sài Gòn Giải Phóng có bài viết “Đô thị Thủ Thiêm – Gần mà… xa” ám chỉ về một đại dự án vượt quá khả năng thực hiện. Bài báo có đoạn… Tuy có sự gần gũi về khoảng cách địa lý như vậy nhưng đối với nhiều cư dân TP.HCM, khu đô thị này dường như vẫn rất xa vời cho dù thành phố đã có nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư vào vùng đất này… Theo qui hoạch phê duyệt cuối năm 2005, bán đảo Thủ Thiêm diện tích gần 7 km2 sẽ trở thành trung tâm thương mại tài chính quan trọng của TP.HCM. Khu vực này sẽ có nhiều nhà chọc trời đáp ứng chỗ ở cho 130.000 người và 1 triệu khách vãng lai mỗi năm.
Trả lãi 2,9 tỷ đồng mỗi ngày
Ngày 10/9/2015, báo điện tử VnExpress đưa tin TP.HCM đang trả lãi 2,9 tỷ đồng mỗi ngày vì Khu đô thị Thủ Thiêm… Chính quyền Thành phố báo cáo Thủ tướng để tìm giải pháp tài chính trước áp lực trả nợ. Theo nội dung văn bản gởi Thủ tướng, cho đến nay Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã sử dụng 29.000 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay. Trong tổng số tiền đầu tư vừa nêu, khoảng 12.000 tỷ đồng là vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng với tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng mỗi ngày. Áp lực trả nợ gốc và lãi vay rất lớn. Năm nay là hơn 902 tỷ đồng; năm tới trả nợ gốc tới hạn là hơn 5.200 tỷ đồng và lãi vay phát sinh là 829 tỷ.
TS kinh tế Phạm Chí Dũng, từng có thời gian làm việc tại Thành ủy TP.HCM nói với chúng tôi là việc Chính quyền trả lãi gần 3 tỷ đồng một ngày là món nợ cũ. Theo ông, trước đây Thành phố đã vay của BIDV Ngân hàng Đầu tư Phát triển của Trung ương 3.000 tỷ dành cho phần đền bù giải tỏa khu đô thị Thủ Thiêm; sau đó đã phải gán một số đất cho BIDV vì TP.HCM không có đủ tiền để trả nợ. Còn cho tới nay phát sinh trả lãi gần 3 tỷ đồng một ngày thì là hậu quả tất yếu. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:
Nhìn lại bộ mặt của Khu đô thị Thủ Thiêm hiện nay nó trống trơ trống hoác. Trước khi đưa lên dự án người ta tuyên truyền là khu này có thể được coi như là khu đô thị sáng giá nhất của vùng Đông Nam Á chứ không chỉ của Việt Nam.
-TS Phạm Chí Dũng
“Vấn đề là nhìn lại bộ mặt của Khu đô thị Thủ Thiêm hiện nay nó trống trơ trống hoác. Trước khi đưa lên dự án người ta tuyên truyền là khu này có thể được coi như là khu đô thị sáng giá nhất của vùng Đông Nam Á chứ không chỉ của Việt Nam. Nhưng đến bây giờ những ai đi trực diện vào khu đô thị Thủ Thiêm mới thấy tất cả chỉ là bãi đất trống mênh mông và hoang tàn. Dân thì bị đuổi đi gần hết rồi, thậm chí những gia đình không chịu nhận tiền đền bù thấp thì bị cưỡng chế. Trở lại tình hình hầu bao ngân sách của TP.HCM nhìn ra toàn cục nợ công quốc gia thì thấy rõ tình hình xấu rồi.”
TS Phạm Chí Dũng đề cập tới Biểu đồ nợ công quốc gia của Bank of America, theo đó Việt Nam xếp thứ 12 trong nhóm các nước rủi ro cao nhất về nợ công. Theo lời ông, chính quyền cho là nợ công trong ngưỡng an toàn tức dưới 65% GDP và vì thế họ tiếp tục vay mượn để đầu tư những dự án rất lớn. Thí dụ như dự án tàu điện ngầm Suối Tiên TP.HCM, tương lai sẽ tới Dự án sân bay Long Thành vốn đầu tư 15 tỷ USD và còn một dự án thảm họa khác là dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam hiện đang được khởi động lại. TS Phạm Chí Dũng cho rằng việc thực hiện tràn lan những dự án quá tốn kém sẽ làm cho nợ công khủng hoảng và đẩy nhanh con tàu Việt nam tới vực thẳm phá sản.
Từ câu chuyện TP.HCM bế tắc tài chính trong dự án Khu đô thị Thủ Thiêm với những khoản nợ khổng lồ, dẫn tới câu chuyện áp lực nợ công của Việt Nam. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, số liệu của chính phủ nói là nợ công của Việt nam chưa tới mức báo động, nhưng thực tế con số của nước ngoài cũng như của chuyên gia thì đã đến mức cần báo động, đến năm 2016 thì nó sẽ tới kịch trần. Gần đây, liên quan đến nợ công Kiểm toán Nhà nước phát hiện có những vấn đề cần phải xem xét lại. Từ Hà Nội, PGS Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh:
Ảnh chụp TPHCM nhìn từ khu Đô thị Thủ Thiêm hôm 3/8/2015. AFP PHOTO.
“Hiện nay thu nhập của Việt Nam phần ngân sách luôn luôn mất cân đối, thực chất làm ăn không có hiệu quả. Ví dụ trong thu ngân sách thì 75% là thu để chi còn lại là để trả nợ, như vậy thực chất không có đầu tư. Muốn đầu tư thì phải đi vay, trong bối cảnh làm không đủ ăn mà đầu tư lại đi vay thì nợ công là một gánh nặng. Nếu không có các giải pháp kiểm soát một cách chặt chẽ nghiêm túc, không nhìn nhận bản chất vấn đề thì hậu quả khó lường.
Cụ thể không những nợ công của chính phủ mà của các địa phương cho thấy rất là lớn. Thủ Thiêm là một trong những dự án biểu hiện đến nợ của chính quyền địa phương. Đầu tư trong nguồn lực giới hạn phải biết đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm nhằm phục vụ trước mắt, còn cái gì cũng đầu tư mà không xem xét nhu cầu cần thiết trước mắt, thì chắc chắn sẽ làm cho gánh nợ công càng trở nên nặng hơn nữa.”
Đối mặt với tiêu cực tham nhũng
Trong văn bản gởi Thủ tướng, UBND.TP.HCM cho biết trong năm 2015 sẽ phải thanh toán 5.000 tỷ đồng và sang năm phải thanh toán thêm 8.100 tỷ đồng nữa, bao gồm tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp còn lại; cũng như đầu tư hạ tầng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng quỹ nhà thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư. Chính quyền TP.HCM cũng cho biết không thể tiếp tục vay vốn ngân hàng vì đã hết hạn mức vay và trong bối cảnh như vậy Thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép được chỉ định nhà đầu tư thực hiện một số dự án thay vì phải đấu thầu công khai, để sớm tạo nguồn thu giảm bớt số lãi vay đang phát sinh hàng ngày.
Đáp câu hỏi của chúng tôi là việc TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án ở Khu đô thị Thủ Thiêm thay vì đấu thầu công khai là đi ngược lại xu hướng cải cách thể chế và dễ nảy sinh nhũng lạm. Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
Bây giờ TP.HCM lại đề nghị cơ chế chỉ định thầu thì tôi e rằng cũng chỉ là lập lại cơ chế cũ và lại đẩy thành phố này vào tình trạng phải đối mặt với tiêu cực tham nhũng.
-TS Phạm Chí Dũng
“Trong đầu tư việc chọn chủ đầu tư và đơn vị thi công để tham gia có nguyên tắc cơ bản bất di bất dịch là phải thông qua đấu thầu. Đấu thầu mới phát huy cạnh tranh nâng cao hiệu quả. Trong thực tế hiện nay với việc chỉ định thầu mà đề nghị được chính phủ chấp nhận, thì đàng sau đó chắc chắn là không có hiệu quả, chắc chắn tiêu cực sẽ xảy ra. Với điều kiện phương án vẽ ra thì rất tốt, nhưng tư duy là tư duy nhiệm kỳ, cách làm là làm theo nhiệm kỳ. hết nhiệm kỳ thì thôi người khác kế tiếp làm. Cho nên hậu quả xảy ra thì đời sau, thế hệ sau phải gánh chịu. Vì tư duy nhiệm kỳ như vậy trong cách làm qui hoạch, cho nên chỉ vì lợi ích trước mắt vì lợi ích cá nhân. Ở đây không loại trừ mặt trái là có sự móc nối nào đó mà chính sự tham nhũng là biểu hiện trong những việc này.”
Cùng một câu hỏi được chúng tôi nêu ra với TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, một tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền. TS Phạm Chí Dũng nhận định.”
“Nguyên tắc của cải cách thể chế là phải loại bỏ tối đa những sự độc quyền độc thế. Chỉ định thầu là cơ chế cách đây 25 năm vào thời Việt nam mới mở cửa kinh tế đã được thường xuyên sử dụng. Sau đến những năm 97-98 mới đưa ra cơ chế phải đấu thầu rộng rãi. Từ đó mới loại bỏ được một tỷ lệ nhỏ những tiêu cực tham nhũng trong chỉ định thầu. Cơ chế chỉ định thầu theo dư luận tổng kết thì thất thoát vốn đầu tư có thể lên tới thậm chí 50%. Khi mà đưa ra đấu thầu rộng rãi thì tỷ lệ thất thoát có thể rút xuống còn khoảng 20% cũng vẫn còn cao. Bây giờ TP.HCM lại đề nghị cơ chế chỉ định thầu thì tôi e rằng cũng chỉ là lập lại cơ chế cũ và lại đẩy thành phố này vào tình trạng phải đối mặt với tiêu cực tham nhũng.”
Sự kiện Chính quyền TP.HCM sa vào bế tắc tài chính, khi quyết tâm thực hiện dự án Khu đô thị Thủ Thiêm là điều đã được dự báo. Ngay sau khi qui hoạch dự án được phê duyệt vào cuối năm 2005, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, Sài Gòn có chiều nước chảy từ Bắc xuống Nam và Thủ Thiêm là khu vực túi nước của Thành phố.
Các học giả đã dẫn lịch sử từ thời Pháp thuộc, các nhà qui hoạch đô thị đã tránh việc phát triển thành phố về hướng Nam, Đông Nam tức khu vực Thủ Thiêm. Phát triển đô thị tại một vùng trũng, đất phèn là một chọn lựa thiếu khôn ngoan vì xây dựng hạ tầng tốn kém và chịu nhiều rủi ro như sạt lở, lún đất…
Phải chăng vì hoạch định chính sách theo tư duy nhiệm kỳ dã dẫn tới hệ quả nhãn tiền, Chính quyền TP.HCM có thể mất khả năng trả nợ gốc tới hạn và lãi phát sinh do đầu tư tốn kém vào hạ tầng cơ sở trên bán đảo Thủ Thiêm. Khu đô thị Thủ Thiêm trống vắng các nhà đầu tư, một sự thật phũ phàng mà báo Sài Gòn Giải Phóng mô tả trong bài viết ngày 19/11/2014: “…Ngoài những công trình hạ tầng kỹ thuật, nhìn trên thực địa…đô thị mới Thủ Thiêm cơ bản vẫn… mênh mông đất trống…”