Hơn 500 năm trước, trong bài thơ Lộ nhập Vân Đồn, Nguyễn Trãi đã gọi vịnh Hạ Long là “kỳ quan đá dựng giữa trời cao”. Chắc ông không thể nghĩ rằng, 5 thế kỷ sau, vịnh này bắt đầu có kỳ quan “tượng dựng giữa trời cao”. Đó chính là tượng Titov trên đảo Titov.
Năm 1996, trong một lần đi họp với văn phòng World Bank (Hà Nội) tại Quảng Ninh, tôi cũng được đi thuyền trên vịnh Hạ Long và tới đúng đảo Titov, hình như là điểm dừng chân của tất cả các tầu du lịch. Tầu đỗ ở bên một đảo cho mọi người xuống bơi vì nước trong xanh, cát trắng, nước khá sâu. Từ đó sang đảo Titov khoảng 500m hay hơn thế.
Vài người bạn rủ nhau bơi qua đảo, mình cũng tham gia. Sang tới nơi thấy bãi cát và vách đá thiên nhiên thật đẹp. Và nghĩ ai đó đặt tên cho Titov cũng rất hay. Lúc về hơi đuối sức, suýt làm mồi cho Hà Bá. Nhưng vừa bơi vừa nằm ngửa nhìn trời xanh để nghỉ, cuỗi cùng vẫn quay về được và hiện vẫn viết … blog.
Tin Lao Động Online và nhiều báo cho hay, ngày 14.9-2015, Trung ương Hội hữu nghị Việt – Nga và UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành tượng đài Anh hùng vũ trụ Gherman Titov nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông (11.9.1935 – 11.9.2015).
Tham dự buổi lễ có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, đại diện các tổ chức, cơ quan của hai nước Việt – Nga. Đặc biệt, buổi lễ còn có sự tham dự của phu nhân và con gái Anh hùng Gherman Titov.
Tượng Titov được làm bằng đá xanh, gồm hai khối, cao gần 6 mét, nặng hơn 26 tấn. Tấm bia bên cạnh giới thiệu về anh hùng Titov cũng là một khối đá tự nhiên, dày 30 cm, cao 1,5 mét, nặng gần 3 tấn.
Ngày 22.1.1962, khi cùng ông Hồ Chí Minh thăm vịnh Hạ Long, đến một hòn đảo, Titov xin phép xuống tắm và thế là thành…lịch sử. Cụ Hồ đã gợi ý đặt tên đảo này là đảo Titov.
Tiền Phong Online (TPO) có bài giải thích tại sao ông Titov được dựng tượng tại đảo. Theo TPO thì Titov đã có đóng góp lớn cho tình hữu nghị Việt-Nga, khi biến động đảo chính năm 1991, một số người Nga định phá bỏ tượng ông Hồ Chí Minh trên Quảng trường mang cùng tên ông ở Mátxcơva.
Nghe tin đó, Thượng tướng German Titov khi đó là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô đã ra chỗ bức tượng để can thiệp. Titov quát: “Kẻ nào dám xâm phạm tượng của Người trước hết phải bước qua xác tao”. Sau đó ông và những người bạn của Việt Nam đã thay nhau túc trực bên tượng đài để ngăn chặn những kẻ quá khích.
Câu chuyện nghe rất cảm động và có lẽ nhiều người Việt Nam tin tính chân thực của nó. Tuy nhiên, để trả ơn Titov mà phải dựng tượng có phải là việc nên làm, nhất là dựng khu tượng đài ở khu bảo tồn thiên nhiên Hạ Long được UNESCO công nhận. Chưa kể cách đây mấy năm, cả nước ầm ỹ về chuyện tham gia bình chọn vịnh Hạ Long vào danh sách di sản thế giới, ông Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xui cả đứa cháu chưa đầy năm cũng quẹt trên smartphone.
Được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới không dễ, giữ được danh hiệu còn khó hơn, vì quốc gia phải bỏ tiền ra để giữ gìn cho môi trường được giữ nguyên hiện trạng. Việc xây dựng một bức tượng cao tới 6 mét trên đảo sẽ làm vịnh Hạ Long bị mất điểm trước mắt khách du lịch yêu thiên nhiên hoang dã.
Trong chuyến đi Hạ Long hồi tháng 6-2015 vừa qua, theo đoàn công tác của Điện lực (EVN và WB), tôi đi khá nhiều, từ Bãi Cháy ra Vân Đồn, Cô Tô, tới những nơi hẻo lánh như Quan Lạn. Phải thừa nhận Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên của thế giới, ít có nơi nào sánh bằng.
Nhìn những cột điện cao thế chạy dọc theo một số đảo cũng buồn vì thiên nhiên bị tàn phá nhưng vì sự phát triển thì dân trên một số đảo phải có điện. Điều này có thể hiểu được.
Nay nghe tin đảo Titov có tượng Titov lòng tôi rất buồn. Ông Titov là nhà du hành vũ trụ nổi tiếng thế giới, dù yêu Việt Nam, nhưng có lẽ không nên dựng tượng ở đây nhất là nơi cần bảo tồn thiên nhiên theo tiêu chuẩn của UNESCO.
Tôi không nghĩ Titov lúc mất đi lại muốn mình được dựng tượng vì ông hiểu, người nổi tiếng như Hồ Chí Minh mà còn suýt bị hạ ở Moscow. Từng bay trên trời nhìn về trái đất đẹp tuyệt diệu, chắc ông yêu thiên nhiên và không muốn phá vỡ cảnh quan một nơi như Vịnh Hạ Long.
Hãy để người đời nhớ Titov trong tim hơn là những “tượng đồng phơi những lối mòn”. Dựng tượng lên mà không đẹp, không giữ được mãi với thời gian, không được bảo trì thường xuyên, thì đó là cách tầm thường hóa và hạ bệ thần tượng nhanh nhất.
Không cần tượng, không cần bia đá ghi công trạng, Titov vẫn là German Titov lừng lẫy ngang dọc trên trời cao một thời. Và đảo Titov không cần tượng Titov vẫn là đảo nổi tiếng rồi.
Nay có bức tượng lừng lững này, khi lớn lên, đứa cháu của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh sẽ hối hận tại sao lại theo đuôi ông bình chọn Vịnh Hạ Long vào danh sách kỳ quan thế giới. Còn người viết bài này sẽ không dại gì bơi qua đảo Titov chỉ để ngắm bức tượng vô hồn.
HM. 16-9-2015
Vài ảnh do Tổng Cua chụp trong chuyến đi Hạ Long 6-2015.