“Phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách” – rốt cuộc đã có một quan chức là Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội phải thừa nhận động cơ thực sự của việc chính phủ Việt Nam phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế.
Theo kế hoạch vay nợ của Chính phủ đã được duyệt, thì năm 2015 phải huy động 436,000 tỉ đồng để bù đắp bội chi (226,000 tỉ), đầu tư (85,000 tỉ), và vay để đảo nợ (khoảng 125,000 tỉ). Dù kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trong nước là 226,000 tỉ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm 2015 mới thực hiện được 51% kế hoạch. Kết quả này cho thấy khi nền kinh tế phục hồi, kênh tín dụng được khơi thông, thì huy động bằng trái phiếu chính phủ là cực kỳ khó khăn.
Nếu trước đây nhiều ngân hàng thương mại còn được Ngân hàng nhà nước ‘động viên’ để bỏ hàng ngàn tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ, thì trong thời gian gần đây bản thân một số ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu cạn tiền và do đó phải tăng lãi suất huy động. Những đợt bán đấu giá trái phiếu chính phủ dù phảng phất không khí ‘mua một tặng một’ vẫn bị ế ẩm.
Trong khi đó, ngân sách Việt Nam lại có trách nhiệm phải trả 363,166 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) nợ trái phiếu đến hạn thanh toán trong 2 năm 2015-2016. Cho đến nay, không ai biết làm sao để có nổi số tiền để trước mắt cơ cấu lại số nợ này.
Tuy thế, kế hoạch phát hành 3 tỷ US trái phiếu quốc tế lại vấp phải ‘lỗi kỹ thuật’. Đó là nếu năm 2017 mới phát hành, thì trước mắt Chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn trả nợ đến hạn, trong khi các nguồn vốn khác đều đã có địa chỉ. Quan chức Bùi Đức Thụ than thở: ‘Điều này chỉ thực hiện được trong năm 2015-2016 vì mức độ quá cấp bách. Nếu chúng ta chậm trễ. trong thời gian tới, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất đồng đô la, thì lãi suất huy động vốn của Việt Nam trên trường quốc tế lại càng cao’.
Không thể nói khác hơn là cái kim trong bọc lâu ngày đã phải lòi ra. Bị Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp hạng minh bạch quá thấp về ngân sách, điều quá rõ ràng là chính phủ và các bộ ngành đã chi xài vô tội vạ tiền đóng thuế của dân, và tiền vay mượn từ nước ngoài. Trong khi ‘tham nhũng vẫn ổn định’ (nói theo từ ngữ của Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh), ngân khố quốc gia bị biến thành thùng không đáy dẫn đến tình trạng vô cùng bi đát hiện thời.
Không chỉ bán trái phiếu quốc tế, chính phủ Việt Nam còn phải chỉ đạo Bộ Tài Chính tìm bất kể lối thoát nào, kể cả việc phải rút vốn từ những ‘con bò sữa’ lợi nhuận như Tập đoàn Vinamilk để có tiền bù đắp ngân sách rỗng ruột.
Xem ra việc bán trái phiếu ra quốc tế vào thời điểm này là quá khó. Nếu hậu quả không thể bán được trái phiếu, cũng như chưa bán được một đồng nợ xấu nào cho các đối tác nước ngoài, nhiều khả năng ngân sách Việt Nam sẽ chính thức vỡ nợ.
Lê Dung / SBTN