Đài truyền hình Nghệ An sử dụng người dân tiếp tay cho sự dối trá
Gần đây nhất là báo đài truyền hình và phát thanh Nghệ An, báo Công an Nghệ An… phát sóng một video cho rằng ‘dư luận phản đối việc lấn chiếm đất trường học trái phép của Giáo họ Yên Lạc’, mà ‘dư luận’ lại là ba đảng viên lão thành, là người Công giáo nhưng đã “bỏ đạo” đi theo đảng từ lâu, sống ở hai giáo họ là giáo họ Yên Trạch thuộc giáo xứ Cửa Lò và giáo họ Đồng Kiền thuộc giáo xứ Yên Đại. Hai giáo xứ này cách giáo họ Yên Lạc thuộc giáo xứ Xuân Kiều hơn 30 cây số. Tại sao báo chí Nghệ An không mời chính những người trong cuộc là giáo dân thuộc giáo họ Yên Lạc phản ánh thực trạng vấn đề nơi họ đang sinh sống, mà lại đi chọn ‘dư luận phản đối’ sống cách xa giáo họ Yên Lạc cả 30 cây số để phản ánh, liệu các ‘dư luận’ này có đủ thông tin để nhận xét khách quan và dám nói đúng sự thật vụ việc?
Cũng theo video ‘dư luận phản đối việc lấn chiếm đất trường học trái phép của Giáo họ Yên Lạc’ do đài truyền hình Nghệ An trình chiếu cho biết, ông Nguyễn Đình Nhung, giáo họ Yên Trạch thuộc giáo xứ Cửa Lò, cho rằng linh mục Antôn Lê Công Lượng, quản xứ giáo xứ Xuân Kiều và bà con giáo dân đã lấn chiếm đất một cách trái phép. Ông Võ Thanh Lịch, giáo họ Yên Trạch thuộc giáo xứ Cửa Lò, nói rằng “ai vi phạm pháp luật thì cần phải xử lý người đó, đề nghị các cấp chính quyền cần làm rõ”. Còn ông Phạm Ngọc Hậu, giáo họ Đồng Kiền thuộc giáo xứ Yên Đại, phát ngôn với đại ý “do bà con giáo dân hiểu biết chưa rõ nên cần phải giáo dục cho bà con hiểu rõ vấn đề hơn, để họ phục vụ cho giáo xứ và cho tổ quốc”.
Ngoài ra, ông nguyên Chủ tịch xã là ông Võ Tá Hiển, là người Công giáo nhưng đã bỏ đạo đi theo đảng, phủ định rằng “ngày xưa chưa từng có con đường đi từ nhà thờ giáo họ Yên Lạc chạy thẳng giao nhau với đường liên xã”. Còn ông Văn Bá Hợi, Hội trưởng hội phụ huynh trường mần non Nghi Kiều 1, và ông Nguyễn Bá Đăng lại nói rằng sự đập phá của bà con giáo dân đã gây ảnh hưởng đến tinh thần cho các em trường mầm non này.
Người dân được phỏng vấn tố cáo đài truyền hình Nghệ An ‘cắt xén’ lời nói
Tuy nhiên, khi một nhóm bạn trẻ ở Nghệ An đi tìm hiểu thực tế thì ông Nhung nói rằng đài truyền hình Nghệ An đã ‘cắt xén’ lời nói của ông, khiến danh dự của ông bị tai tiếng. Ông Nhung trần tình: “Tôi có nói trên đài truyền hình Nghệ An về đất của giáo xứ Xuân Kiều là cha và giáo dân làm sai. Đài truyền hình họ hỏi tôi là có biết gì về đất của giáo Xuân Kiều không, thì tôi nói là không biết gì hết. Người Công giáo chúng tôi luôn luôn bảo vệ công lý. Tôi khẳng định rằng đất của giáo xứ chắc chắn là có giấy tờ, bà con ở đó yêu cầu nhiều rồi mà họ không cho mở đường vào nhà thờ thì điều đó khiến người dân bức xúc…”
Còn ông Hậu thì luôn khẳng định ông không nói gì đến đất của bà con giáo dân giáo họ Yên Lạc, ông chỉ nhắc đến “mục đích giáo dục con trẻ để mang lại lợi ích cho tổ quốc, cho giáo hội và cho giáo xứ” khi đài truyền hình Nghệ An yêu cầu. Ông Hậu cũng nói thêm: “trường mầm non này là trường giáo dục cho cả người Lương dân và Công giáo được hưởng lợi, thế thì đập phá cái tường đó thì chưa rõ và nó sai, tại sao chúng ta lại mở đường không nói với nhau một câu nho nhỏ sao…”
Riêng ông Võ Thanh Lịch, nhóm bạn trẻ ở Nghệ An đã cố gắng tìm mọi cách để liên lạc và tìm gặp ông nhưng bị khước từ. Không hiểu lý do nào khiến ông Lịch ngại ngần đến như vậy?
Theo ông Lĩnh, giáo dân giáo họ Yên Lạc, cho biết: “Trong khi thi công vào ngày 05.10.2015, chúng tôi mua một số vật liệu cần thiết và thuê xe tải vận chuyển các vật liệu này, thì sau đó 1 ngày, 06.10.2015, một số công an giao thông Nghi Lộc gọi điện cho các chủ xe này hăm dọa là ‘nếu không cung cấp thông tin [theo như ý muốn của công an] thì họ sẽ chèn ép, không còn cơ hội làm ăn… Nhưng các chủ xe này không đồng ý, thì họ đã nhờ đến giáo dân tên là Kiên-Ngọc Anhà ông Du, giám đốc công ty xây dựng Thái Sơn, để làm người trung gian tác động”.
Qua vụ việc này, cha Antôn Lê Công Lượng cho nhận xét: “Tôi cũng không hiểu tại sao họ lại không phỏng vấn những người Công giáo chính danh mà lại phỏng vấn những người chỉ mang danh Công giáo đã bỏ đạo theo đảng từ lâu. Những người này có quyền từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng họ đã nhận lời thì trên nguyên tắc họ phải nói sự thật trước truyền thông và các báo đài phải tôn trọng các lời phát biểu của họ. Đây là lỗi trách nhiệm của cơ quan báo đài khi đưa thông tin sai sự thật về giáo họ Yên Lạc. Đây cũng là chủ trương có chỉ đạo từ trên xuống.”
“Điều tôi lo lắng nhất là bà con Lương dân không hiểu rõ được vấn đề, chỉ nghe một phía làm thông tin bị sai lệch thì sẽ làm rạn nứt giữa người bên Lương và người công giáo.” Cha Antôn Lê Công Lượng bày tỏ nỗi niềm.
Báo chí Nghệ An sử dụng chiêu trò ‘đánh dưới thắt lưng’
Điều cần nhấn mạnh trong ‘chiến dịch’ nhằm bôi nhọ hình ảnh vị Linh mục Antôn Lê Công Lượng vì con chiên của mình, mà bị các nhà đài, báo chí theo ‘chỉ đạo’ đã không từ bất kể ‘chiêu trò’ nào, kể cả thủ đoạn ‘đánh dưới thắt lưng’. Họ tùy tiện trưng dẫn hình ảnh cha Lượng, bất chấp nguyên tắc ‘một người chỉ bị xem là có tội sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật kết tội’ mà Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự qui định, họ tự ý kết tội Linh mục Lê Công Lượng bằng những từ ngữ nặng nề như ‘coi thường pháp luật, thách thức chính quyền’, chỉ đạo thực hiện các tội phạm hủy hoại tài sản, lấn chiếm trái phép…Và đe rằng ‘theo thông tin chưa chính thức thì trước những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật và thách thức chính quyền của các đối tượng trong vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang hoàn tất hồ sơ vụ việc và sẽ khởi tố vụ án trong thời gian tới’.
Nghiêm trọng hơn, họ đã vi phạm pháp luật khi tự ý xâm phạm ‘quyền của cá nhân đối với hình ảnh’ và ‘quyền bí mật đời tư’… của cha Lượng; họ ngang nhiên đăng tải hình ảnh cá nhân của cha công khai mà không xin phép, họ tự ý thông tin thêm những thông tin riêng tư cá nhân, chưa được kiểm chứng như: “Linh mục Lê Công Lượng từng là Chủng sinh của trường Đại chủng viện Vinh – Thanh, tốt nghiệp và được Tòa Giám mục Giáo phận Vinh thụ phong Linh mục năm 2010. Trong quá trình học tập, Linh mục Lượng cũng được đánh giá là thông minh và có kết quả học tập đứng thứ 3 toàn khóa học; Linh mục này cũng từng được Tòa giám mục chọn đưa đi du học ở nước ngoài nhưng không hiểu vì lí do gì nên chưa thực hiện. Điều này cho thấy Linh mục Lượng đã nhận được không ít sự ưu ái của giáo hội, nhà trường trong quá trình học tập để trở thành một vị Linh mục…” để kết tội cha Lượng. “Theo thông tin chưa chính thức thì trước những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật và thách thức chính quyền của các đối tượng báo- đài Nghệ An trong vụ việc, Linh Mục Lê Công Lượng đang hoàn tất hồ sơ vụ việc và sẽ đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án trong thời gian tới”.
Đức cha Giáo phận Vinh phản hồi thế nào về việc này?
Theo Báo Nghệ An cho biết, trong “buổi làm việc với đoàn công tác UBND tỉnh, Giám mục Nguyễn Thái Hợp bày tỏ: để xảy ra vụ việc tại giáo họ Yên Lạc, giáo xứ Xuân Kiều là rất đáng tiếc và sẽ hợp tác với [nhà cầm quyền] các cấp để giải quyết vụ việc, sớm ổn định tình hình.”
Cha Antôn Lượng cho hay: “Tôi không rõ nội dung cuộc gặp của Đức Cha với nhà cầm quyền Nghệ An là như thế nào. Việc làm đường là của giáo dân và chính đáng, nên chắc chắn Đức cha sẽ là người ủng hộ nguyện vọng chính đáng này. Cũng như bản thân tôi là cha quản xứ thì chỉ là người xác nhận kiến nghị cho bà con giáo dân khi họ yêu cầu nhà cầm quyền địa phương mở đường, bởi vì con đường này không chỉ đẹp cho đạo mà còn tốt cho đời.”
Cho đến nay, Giáo phận Vinh vẫn chưa có thông báo chính thức nào về vụ việc của giáo họ Yên Lạc thuộc giáo xứ Xuân Kiều, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Nếu như Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, hỏi ý kiến cha Antôn Lượng nên giải quyết vụ việc này như thế nào thì cha Lượng sẽ trình bày: “Nên chăng nhà cầm quyền địa phương và Tòa giám mục cử đại diện về trưng cầu dân ý, hỏi ý kiến nhân dân ở đây rằng muốn để lại con đường này, hay trả lại hiện trạng phần đất con đường như cũ? Thì sự việc sẽ rõ ràng và minh bạch hơn”.
Trường mầm non xây trên kho thuốc trừ sâu?
Ông Lưu, nguyên Chủ tịch xã Nghi Kiều,
làm việc từ năm 1984-1990, bất bình khi nghe tin trường mầm non hoạt động bên cạnh kho thuốc
trừ sâu độc hại là 666 và DDT
|
Theo nhóm bạn trẻ ở Nghệ An cho hay, hai ngôi trường mần non Nghi Kiều 1 và Nghi Kiều 2 thuộc xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An được xây dựng bên cạnh kho thuốc trừ sâu độc hại là 666 và DDT. Điều này được nguyên Chủ tịch xã Nghi Kiều, làm việc từ năm 1984-1990, ông Lưu khẳng định:“Khi tôi về, đã có kho thuốc trừ sâu rất lớn nằm phía bên trái trường mầm non Nghi Kiều 1. Lúc đó thuốc trừ sâu 666 đóng trong bao và thuốc trừ sâu DDT đựng trong chum.” Đến bây giờ, ông Lưu mới biết hai loại thuốc trừ sâu này rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông cũng bất ngờ khi nghe tin trường mầm non lấy nước giếng gần khu vực này để phục vụ cho sinh hoạt của trường.
Ông Trần Văn Mai, nguyên chủ nhiệm xã từ năm 1987-1994, cũng xác nhận thông tin của ông Lưu là đúng sự thật.
Nước giếng gần khu vực trường mầm non đã gây ra nhiều hậu quả tang thương cho nhiều gia đình sống gần đây khi người dân sử dụng nước đó để sinh hoạt trong gia đình. Nhiều người đã ra đi vĩnh viễn do mắc bệnh ung thư, như ông Đăng Văn Thìn, ông Nguyễn Văn Cầm, ông Nguyễn Văn Kỳ, ông Nguyễn Văn Thanh… Hiện nay, ông Hoành Công Hậu đang bị ung thư giai đoạn cuối. Và nhiều trẻ em khác sinh ra bị dị tật như con của bà Thái, bà Mão…
“Nhà cầm quyền nói là họ quan tâm đến trẻ em thì tại sao họ không di dời các ngôi trường này đến một môi trường tốt hơn, trong sạch hơn và lành mạnh hơn để các em được học hành tử tế và bảo vệ thể trạng của các em”, cha Antôn Lượng nhận xét.
Sự việc này cũng được báo Phụ Nữ Online phản ánh, nhưng chỉ hơn 24 tiếng đồng hồ bài báo với tựa đề ‘hai trường mầm non xây dựng trong khuôn viên kho thuốc trừ sâu?’ đã bị gỡ xuống.
Cũng trong khuôn viên trường mầm non Nghi Kiều 1, nơi xảy ra tranh chấp phần đường chính của giáo họ Yên Lạc, đặt trụ cột sóng Vina. “Tần số sóng sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên não làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ của trẻ em”, cha Antôn Lượng nói.
Trường mần non, nơi xảy ra tranh chấp phần đường chính của giáo họ Yên Lạc. Trong khuôn viên của trường đặt trụ cột sóng Vina.
Con đường chính dẫn vào nhà thờ giáo họ Yên Lạc, bên tay phải là đằng sau trường mần non có bờ rào song sắt xây kiên cố, bên tay trái là khu đất trống bỏ hoang.
Xin được phép nhắc lại, Giáo họ Yên Lạc có từ năm 1929. Năm 1987, nhà cầm quyền địa phương lúc đó là Hợp tác xã [HTX] do ông Trần Văn Mai làm chủ nhiệm đã xây dựng bờ bao, chắn con đường cũ từ mặt tiền nhà thờ thẳng về phía nam giáp với đường liên xã đi vào nhà thờ. Từ đó cho đến nay, giáo dân giáo họ Yên Lạc không có con đường chính thức đi đến nhà thờ mà chỉ có một lối nhỏ dẫn vào. Đường chính dẫn vào nhà thờ để hoang quá lâu ngày nên bà con giáo dân muốn chỉnh trang lại con đường chính cũ này để tiện lối đi chính đến nhà thờ, do đó vào ngày 17.07.2015, họ làm đơn kiến nghị đến UBND xã mở lại con đường cũ đã có từ trước. Vào ngày 07.10.2015, bà con giáo dân mua vật tư về thi công. Từ đó, nhà cầm quyền và phương tiện truyền thông Nghệ An vu cáo cha Antôn Lê Công Lượng đã huy động hơn 500 bà con giáo dân ‘hủy hoại tài sản và chiếm đất trái phép’ của trường mầm non Nghi Kiều 1.
Huyền Trang, GNsP