Nỗi sợ hãi lớn nhất của người tù, chưa hẳn là cái đói, cái rét. Bao giờ cũng thế, người tù đâu chỉ nghĩ mỗi cho mình. Trong đầu óc chỉ đau đáu, lởn vởn những suy nghĩ về cái thế giới mình không thể chạm tới, và đang bị ngăn cách có tên gọi: “ngoài kia”, “ở nhà”.
Ở nhà có bình an không? Có chuyện gì không may xảy đến với mẹ cha ta, với vợ con ta, anh chị em ta? Bốn năm tù, tôi đã nhiều lần rùng mình như thế, sau mỗi lần hỏi rồi tự trả lời. Đúng ra là suy diễn. Cái lối suy diễn của người tù không mấy khi tích cực. Tôi từng nằm bẹp mất mấy ngày trong buồng giam chỉ vì nằm mơ mẹ mình ốm nặng. Và nỗi sợ ấy chỉ tan biến mãi tới khi tôi trở về, bước chân vào căn nhà xưa, trông thấy mẹ đang móm mém nhai trầu, cười với tôi. Nụ cười đôn hậu, yêu lắm.
Tôi mãn hạn tù chưa đầy một năm rưỡi, mẹ tôi qua đời. Cả bầu trời như sụp đổ trước mắt tôi. Lúc ấy, tôi không thấy nỗi đau của ai lớn hơn nỗi đau mình đang mang nặng. Và kể cả bây giờ, giữa những sóng gió lại đang bủa vây, tôi càng thấy mình đen đủi, khổ đau hơn hết.
Và rồi không phải những nỗi vui đời làm tôi tỉnh cơn mê. Mà bởi một nỗi đau khổ khác. Ấy là khi một người quen gửi cho tôi tấm hình anh Nguyễn Đình Ngọc, tức Blogger Nguyễn Ngọc Già chụp với con trai út, Nguyễn Đình Vĩnh Khang. Cháu Khang đã qua đời sau một tai nạn giao thông cách đây gần hai tháng. Tôi nhận ra, mình là kẻ yếu mềm. Còn nhiều những nỗi buồn đau lớn lao hơn nữa.
Anh Nguyễn Ngọc Già cũng con trai út Nguyễn Đình Vĩnh Khang. Hình chụp năm 2014. |
Khi Nguyễn Ngọc Già bị bắt, tôi từng ước ao: “Giá có được một tấm hình của anh để giải mã về chân dung Nguyễn Ngọc Già - Nguyễn Đình Ngọc thì tốt biết mấy”. Hôm nay, sau gần một năm Nguyễn Ngọc Già bị bắt, chúng ta mới biết mặt anh. Trong một nỗi buồn vô bờ bến.
Có lẽ, sẽ không ai trong chúng ta thấu được nỗi đau mất con như chính Nguyễn Ngọc Già. Tấm hình mà chúng ta có được, cũng không làm Nguyễn Ngọc Già thoát khỏi nghịch lý “ông rất nổi tiếng nhưng không ai biết ông là ai”. Anh đã cô đơn trong những năm tháng miệt mài gõ những con chữ trên bàn phím. Và càng cô độc trong chốn lao tù. Anh không có cái may mắn như tôi và nhiều người chung chí hướng khác là có được sự đồng cảm, ủng hộ từ phía người thân, gia đình. Khi bị bắt, một tấm hình hay một chút thông tin cá nhân về anh để công luận lên tiếng bênh vực cũng không có. Chúng ta xót xa, và bất lực khi nghĩ đến nỗi cô đơn, nỗi hiểm nguy và đau khổ quá lớn mà anh đang phải gánh chịu.
Chúng ta vui, khi những blogger bị bắt cùng đợt với anh như Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập) đã lần lượt được về nhà, và nhận quyết định “đình chỉ điều tra”. Một kháng thư đòi tự do cho Blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người đồng sự Nguyễn Minh Thúy đang được hưởng ứng bởi nhiều người tranh đấu cả trong lẫn ngoài nước.
Vui đấy! Nhưng xót xa cho Nguyễn Ngọc Già.
Tôi quẩn quanh trong nỗi buồn của mình, và thương cảm với nỗi đau khổ tột cùng của Nguyễn Ngọc Già. Càng cảm phục anh. Nếu cần tìm đến một niềm an ủi nhỏ nhoi để nương náu, hãy tìm đến những trái tim đồng cảm. Tìm đến những người còn nhớ thương anh với một niềm tin trọn vẹn. Có lẽ không thật phù hợp nhưng cứ phá lệ một lần. Xin được mượn bài viết này làm một cơ hội tri ân. Cảm ơn chị Hạt Sương Khuya, anh Đình Đại đã giúp tôi “làm tròn lời ước nguyện với anh Nguyễn Ngọc Già” khi cho ra đời những khúc Tù Ca. Xin cảm ơn anh Cao Đắc Tuấn đã bỏ tâm huyết để viết về những run rủi định mệnh của chúng ta, những đứa con còn thổn thức về Đất Mẹ.
Cuối cùng, xin phép anh Đình Đại, chị Hạt Sương Khuya cho Phạm Thanh Nghiên tặng lại bài “Tù ca số 2” cho Blogger Nguyễn Ngọc Già như một niềm ủi an. Món quà của một người tù tặng lại một người tù:
Lạy Mẹ con đi về chốn bể dâu
Lạy Mẹ con đi vì không muốn sống cúi đầu
Lạy Mẹ con đi dù tuổi xuân tàn úa
Dù cùm sắt với xà lim con cũng không sờn lòng
Lời Mẹ ru con yêu nước yêu non
Lời Mẹ ru con con nguyện mãi khắc ghi lòng
Dù ngục tù tối tăm lòng con vẫn sáng
Vẫn rực sáng với tình yêu Mẹ cho con vào đời
Mẹ dạy cho con thương giống thương nòi
thương nương khoai sông ngòi
thương ruộng lúa, thương xóm làng
Mẹ dạy cho con thương từng tấc đất
của non sông nơi cha anh đã nằm xuống ngàn đời
Từ Nam Quan về đến Cà Mau
Từ Cao nguyên vượt sóng ra biển Đông
con vẫn nhớ con mãi nhớ máu cha anh đã chảy thành dòng
Lạy Mẹ con đi vào chốn tù lao
Lạy Mẹ con đi đạo hiếu con không vuông tròn
Mẹ cười chứa chan tình bao la non nước
Mẹ dạy con bất khuất như cha ông ta bao đời
Ru hời ru hỡi hời ru.
Phạm Thanh Nghiên