Ở những thời điểm khác nhau, những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ và chính trị khiến người dân ở một nơi nào đó muốn đứng độc lập tách khỏi các chính quyền đang cai trị. Mới đây nhất, giới lãnh đạo Catalonia muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha, và năm 2014 Scotland tổ chức trưng cầu dân ý để độc lập khỏi Anh.
Cờ ủng hộ độc lập trên ban công ở Girona, Tây Ban Nha.
Tự do về chính trị không phải luôn là mục tiêu và phong trào này không phải luôn thành công. Nhưng bất luận thay đổi thế nào thì người dân thường có niềm tự hào văn hoá rõ ràng hoặc thấy sự tách biệt về địa dư làm họ tách biệt. Chúng tôi nói chuyện với một số người dân để xem việc này tác động thế nào tới cuộc sống hàng ngày và đối với tương lai.
Vùng Catalonia, Tây Ban Nha
Là vùng tự trị, Catalonia đã bầu ra người lãnh đạo ủng hộ ly khai vào tháng 9/2015 và người này đã nguyện ly khai trong vòng 18 tháng. Năm tới sẽ là một trận chiến đối với phong trào đòi độc lập mới nảy mầm.
Đối với những người sống ở vùng Đông Bắc Tây Ban Nha này thì thái độ rất khác nhau. “Quan điểm của tôi dù sống ở đâu tôi theo nhân dân ở đó,” Elina Nykaenen nói, cô là người Phần Lan và là đại diện trang mạng InterNations ở Barcelona. “Tôi nghĩ rằng nhân dân có quyền lực và việc họ thể hiện quyền và nắm quyền, nếu cần thiết, là đúng.”
Cờ Tây Ban Nha (trái) và Catalan (phải) bên cạnh trụ sở chính quyền địa phương Catalan.
Những người khác thì do dự hơn trong việc ủng hộ vì nó đặt ra các câu hỏi là liệu nhà nước mới này có thuộc EU không và điều đó ảnh hưởng thế nào đến điều kiện làm việc. Paul Conde, người Mexico City và cũng là đại diện trang mạng InterNations, nói rằng các doanh nghiệp đã rời khỏi Barcelona khi thấy trước sự thay đổi có thể xảy ra.
“Có rất nhiều sự tranh cãi về việc độc lập và tự quyết định,” ông nói. “Nhưng còn hậu quả thì thế nào, thí dụ như ra khi khỏi khu vực đồng Euro? Và những nguồn lực cần thiết để hình thành một quốc gia mới, từ đồng tiền cho tới thời gian cần thiết để thực hiện các mục tiêu đó?”
Cho dù có bất chắc nhưng thủ đô của Catalonia, Barcelona, vẫn là nơi ở ngày càng được người ta ưa tới sống. Người nước ngoài đã mua rất nhiều bất động sản làm đội giá lên cao, nhưng người dân vẫn nói giá là vừa phải so với nơi khác ở châu Âu. Do làn sóng nhập cư nên việc hiểu dân địa phương có khó hơn. “Nhiều người thấy khó chịu vì người nước ngoài ở đây,” Nykaenen nói. “Rất khó để gần gũi với người Catalan hoặc được họ chấp nhận.” Nói vậy thôi chứ việc học tiếng và văn hoá Catalan cũng lâu công lắm.
Gracia, 4 Km về phía Tây Bắc khu trung tâm, là vùng được người nước ngoài ưa thích. “Nơi này phù hợp với cuộc sống gia đình vì có rất nhiều quảng trường để con cái, bố mẹ, ông bà và hàng xóm láng giềng tụ tập vào buổi chiều,” Nykaenen nói. “Đó cũng là nơi phóng túng nhất của thành phố với yoga, nghệ thuật và một thái độ cởi mở hơn với kiểu sống khác.”
Vila Olimpica và Poble Nou, 4 km về phía Đông, là nơi lựa chọn của những người muốn sống gần biển.
Scotland, Anh quốc
Dân thành phố Glasgow đang đợi bầu tại cuộc trưng cầu dân ý cho nền độc lập của Scotland.
Tháng 9/2014, cuộc trưng cầu dân ý quốc gia nêu câu hỏi cho người Scotland “Scotland có nên thành một nước độc lập không?” Gần 45% nói có, và 55% muốn ở lại với Vương Quốc Anh.
Ngay cả những người dân trả lời “không” với câu hỏi của trưng cầu dân ý vì lý do kinh tế thì họ vẫn có ý thức mạnh mẽ về độc lập văn hoá. “Người dân Scotland rất tự hào về văn hoá và di sản riêng biệt và được thể hiện theo nhiều cách thức tinh tế,” Mark Ware, đại diện trang mạng InterNations ở Edinburgh, nói. “Truyền thống địa phương, món ăn và văn hoá, tất cả được tôn vinh, và người dân rất tự hào về các ngôi sao thể thao và những người khác đã làm cho Scotland có danh tiếng trên trường quốc tế.”
Mặc dù người dân Edinburgh, thủ phủ của Scotland, vô cùng lịch sự, Ware nói rằng họ có thể chút ít khó gần đối với người nước ngoài, và kín kẽ hơn là dân ở Glasgow, thành phố lớn nhất của Scotland.
Ware sống ở Morningside, cách Edinburgh 30 dặm về hướng tây nam. “Khu trung tâm có đầy đủ các dịch vụ, có các cửa hàng sang trọng với sản phẩm đặc biệt và dịch vụ thường nhật,” ông nói. “Các vùng lân cận thì tĩnh mịch về đêm và cũng gần trung tâm thành phố.”
Khu Stockbridge, 1,3 dặm về phía tây bắc trung tâm; khu Bruntsfield, 2 dặm về phía Tây Nam; và khu Marchmont với các tòa nhà đá hồng thời Victoria 1,5 dặm về phía Nam đều là những khu ưa thích.
Đảo Greenland, Đan Mạch
Fiona Niviaq Berthelsen giúp mẹ bỏ phiếu bầu hộ mẹ tại cuộc trưng cầu dân ý tự quản ở vùng Nuuk, Greenland.
Rất giống như Scotland là một nước trong Vương Quốc Anh, Greenland là một nước tự trị thuộc Vương Quốc Đan Mạch. Mặc dù đảo này có người ở từ thời tiền sử, người Na Uy và Băng Đảo đã lập khu định cư ở đây từ năm 986 Sau Công nguyên, và nó trở thành thuộc địa của Đan Mạch từ năm 1814.
Năm 2008 người Greenland đã bỏ phiếu thành công cho quyền tự trị nhiều hơn và nay kiểm soát hoàn toàn hệ thống pháp luật, sử dụng khoáng sản, hàng không và công an. Đan Mạch vẫn còn kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng, và vì dân số ít nên mối liên kết với Đan Mạch khó mà dứt bỏ.
“Tất nhiên rằng tôi muốn chúng tôi độc lập càng nhiều càng tốt,” Janus Chemnitz Kleist người gốc ở Nuuk và là hướng dẫn viên du lịch nói. “Nhưng trên thực tế là rất khó vì ở Greenland chúng tôi có ít người và hệ thống phúc lợi xã hội của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào đồng tiền Đan Mạch và người Đan Mạch làm việc ở đây.”
Người Greenland tiếp tục nói về độc lập hoàn toàn, và rằng họ vẫn sẽ luôn giữ quan hệ khăng khít với Đan Mạch. Phần lớn người dân ở đây nói tiếng Đan Mạch và tiếng Anh mặc dù tiếng địa phương Kalaallisut vẫn là ngôn ngữ chính thống từ 2009.
Quang cảnh làng Ilulissat.
Nhưng đất nước này có sự khác biệt lớn về văn hoá, một phần là vì dân cư sống tập trung. “Mọi người đều biết nhau, ngay cả ở Nuuk là thành phố lớn nhất của Greenland,” Line Ehlig, người Đan Mạch và đã từng sống ở Nuuk, nói. “Tất cả người dân, người Greenland, Đan Mạch cũng như dân tộc khác, sống chung với nhau trong một cộng đồng lớn. Phần lớn những người ở Đan Mạch thậm chí không dễ chịu và cởi mở so với rất nhiều dân Greenland.
Một phần ba của số 60.000 dân sống ở Nuuk, là thủ đô và thành phố lớn nhất Greenland.
Người Đan Mạch tiếp tục chuyển đến đây vì lương cao và cơ hội có việc làm về ngành dầu mỏ và nông nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp là ở quận trung tâm Centrum của Nuuk nhưng tuyến xe buýt đi tới tất cả các quận chính. Quận Qinngorput, cách 3 km về phía Đông là nơi được ưa thích vì dân có độ tuổi trẻ và có con ở tuổi đi học.
Quebec, Canada
Nhà thờ Notre-Dame ở Montreal.
Tỉnh Quebec của Canada chỉ thiếu một ít phiếu để thành quốc gia có chủ quyền vào năm 1995 khi cử tri đi bầu đạt con số kỷ lục để tranh đấu cho vấn đề này. Mặc dù số phiếu “không” thắng với tỷ số 50,58%, Quebec vẫn là một vùng rất độc lập về cả văn hoá lẫn chính trị. Trong khi phần còn lại của Canada là một “quốc gia của người nhập cư” với người nước ngoài từ tứ xứ thì Quebec là khá khác biệt vì gốc Pháp của nó.
“Tiếng Pháp và hệ thống văn hoá- lối sống- giáo dục tại đây là độc đáo đối với Canada, do vậy nó làm cho tỉnh này có nét khác về văn hoá mà ta không thấy có ở nơi khác của Canada,” Christian Scott, người Guadalajara, Mexico và nay làm việc ở Montreal cho một công ty du lịch mới khởi sự Your Local Cousin với nhiệm vụ gắn kết du khách với người dân cho biết.
Việc đề cao tiếng Pháp rất được chú trọng; theo luật thì các biển hiệu phải ghi bằng ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên ở Montreal, thành phố lớn nhất của Quebec, ta dễ dàng hỏi đường bằng tiếng Anh, và tiếng Anh thường được nghe thấy ở nhiều trường đại học và Old Port là khu đông khác du lịch.
Ý thức mạnh mẽ về độc lập của Quebec dẫn đến một vài lợi thế khác. “Người Quebec mạnh mẽ và tự do trong tư tưởng,” Susanna Oreskovic, thuộc hãng Your Local Cousin, nói. “Điều này tạo điều kiện cho văn hoá và nghệ thuật phát triển. Ở Montreal có nhiều nghệ sĩ tính theo đầu người hơn bất cứ nơi nào khác của Canada.”
Các con tàu lớn đi vào Cảng Cũ ở Montreal Tall ships enter the Old Port of Montreal.
Người dân muốn trải nghiệm nét sáng tạo của thành phố thì nên tới khu Plateau, 4 km về phía tây bắc của trung tâm, ở đó số mật độ nghệ sĩ đông gấp 10 lần so với các khu khác ở Canada.
Rosemont–La Petite-Patrie ở 10 km về phía bắc trung tâm cũng là một thị trấn nói tiếng Pháp được ưa thích. Giá cả ở đây phải chăng so với khu sang trọng Mile End là khu nói tiếng Anh, nhưng có nhiều nhà hàng và cửa hiệu tốt. Notre-Dame-de-Grâce là một khu chủ yếu nói tiếng Anh khác, khoảng 10 Km về phía Tây của trung tâm, được các chuyên gia trẻ và người nhập cư nói tiếng Anh khắp nơi trên thế giới mến mộ.
Đài Loan
Đội quân danh dự chuẩn bị kéo cờ Đài Loan gần tòa tưởng niệm Tưởng Giới Thạch.
Tháng Một, Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Dân tiến) đã thắng cuộc tranh cử tổng thống ở Đài Loan, một lần nữa vấn đề độc lập với Trung Cộng của nhà nước chủ quyền này lại được chú ý.
Do sự nhạy cảm của chính trị nên phần lớn người dân im lặng đối với chủ đề này, nhưng số người dân coi mình thuộc chủng tộc Đài Loan chứ không phải là người Trung Cộng tăng dần và họ có thể gây áp lực.
Ở thủ đô Đài Bắc của Đài Loan là nơi dễ dàng nói về chính trị, chủ đề độc lập hoặc các chủ đề khác. “Trong quá trình bầu cử có các cuộc tụ họp đông đảo trên đường phố, biểu ngữ và cờ quốc gia treo khắp nơi,” ông Jason Warren, người Mỹ đang sống ở Đài Bắc, nói. “Tôi đã gặp một số tài xế taxi muốn nói về sức mạnh lớn lao của Mỹ, về Mỹ cần làm hơn nữa, và về Đài Loan và Mỹ cùng thích dân chủ, và chúng tôi đã tranh luận.”
Một con phố ở Đài Bắc.
Ngoài chính trị, dân Đài Loan thích sự phong phú về ẩm thực, có hàng nghìn món ăn gồm cả các món ăn của khắp thế giới. Warren sống ở quận trung tâm của Da’An, 3 km về phía tây của trung tâm, nên ông dễ đi bộ dạo quanh thành phố, hoặc dùng hệ thống giao thông công cộng.
Những người muốn sống gần các cửa tiệm hoặc quán ăn thì nên tới khu gần trường Đại Học Quốc Gia Đài Loan, 5 Km về phía tây nam trung tâm, và khu Trung Hiếu Đôn Hoa, 2 km về phía đông trung tâm thành phố nơi có nhiều cửa hàng khá đẹp.
Kindey Galloway