HÀ TĨNH (NV) - Đã 20 ngày kể từ khi cá chết trắng đoạn bờ biển chạy dọc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhưng hệ thống công quyền ở Việt Nam vẫn chưa hết lúng túng.
Cá chết trắng biển từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. (Hình: Tuổi Trẻ)
Sự kiện “cá chết” không chỉ làm ngư dân và những người kiếm sống bằng việc mua bán cá bế tắc về sinh kế, mà còn khiến các cơ sở thương mại, dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực du lịch (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển) tê liệt do ế ẩm, bởi cá chết trên diện rộng vừa làm môi trường bị ô nhiễm, vừa khiến du khách hoang mang, sợ tắm biển cũng sẽ chết như... cá!
Ít nhất đã có hơn 20 trường hợp phải tới bệnh viện cấp cứu ở huyện Phúc Trạch, tỉnh Quảng Bình, vì ăn các loại hải sản nghi bị nhiễm độc. Tại huyện Quảng Trạch cũng có khoảng 200 thực khách được mời tới dự tiệc khai trương của một nhà hàng bị trúng độc sau khi ăn các món hải sản.
Điều khiến tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang trực tiếp gánh chịu hậu quả từ sự kiện “cá chết,” quan tâm là vì sao cá lại chết trên diện rộng như vậy? Tuy nhiên, đến cuối tuần qua, đại diện liên Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Tài Nguyên-Môi Trường và đại diện bốn tỉnh chỉ có thể báo cáo với công chúng rằng, cá chết trắng biển là do trong nước biển có độc tố cực mạnh.
Những đại diện cho hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không thể trả lời được hai câu hỏi rất căn bản khác là loại độc chất làm cá chết tên gì (?) và độc chất đó từ đâu mà ra!
Cá bắt đầu chết trắng biển kể từ ngày 6 Tháng Tư nhưng mãi tới ngày 20 Tháng Tư, ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, mới yêu cầu chính quyền các địa phương có cá chết trắng biển “phải tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm cũng như làm thức ăn chăn nuôi.”
Đến ngày 23 Tháng Tư, trước sự chỉ trích kịch liệt của công chúng về lối hành xử hết sức chậm chạp, kém hiệu quả của hệ thông công quyền từ trung ương đến địa phương, ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, lại bảo rằng, những con cá bị nhiễm độc đều đã chết và đã được chôn nên bây giờ, nếu bắt được cá sống thì có thể... ăn. Khi bị báo giới chất vấn, làm sao biết được cá còn sống không bị nhiễm độc? Ông Tám bảo rằng: “Phải chờ cơ quan có chức năng xét nghiệm khẳng định” và “sắp tới mới làm!”
Ông Tám còn động viên mọi người tắm biển nhưng lại không trả lời thắc mắc là đã có nghiên cứu nào xác định biển đã an toàn hay chưa (?).
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì tại cuộc họp của đại diện hệ thống công quyền của trung ương với đại diện bốn tỉnh có cá chết trắng biển, báo giới không được phép tham dự. Ở cuộc họp báo sau đó, các viên chức đại diện chính quyền trung ương và địa phương “thi nhau nhắc nhở” truyền thông là nên thông tin sự việc một cách chừng mực, không làm tình hình thêm phức tạp, gây hoang mang trong nhân dân, dẫn đến thiệt hại cho nhân dân. Thậm chí, có viên chức còn dọa, nếu hệ thống truyền thông không “khéo” thì sẽ “ảnh hưởng đến việc xuất cảng thủy sản, hải sản.”
Cách nay vài ngày, khi lặn xuống biển săn hải sản, ông Nguyễn Xuân Thành, một ngư dân ngụ ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, tìm thấy một “đường ống khổng lồ” dài khoảng 1.5 cây số, đường kính khoảng 1.1 mét, chạy từ Formosa Hà Tĩnh thuộc Khu Kinh Tế Vũng Áng ra biển.
Formosa Hà Tĩnh là tên gọi dự án đầu tư của tập đoàn Formosa của Đài Loan tại Hà Tĩnh. Chính quyền Việt Nam đã dành cho tập đoàn Formosa nhiều ưu đãi khi đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh.
Ông Thành kể rằng “đường ống khổng lồ” mà ông thấy được đặt trên bề mặt đáy biển và được che đậy bằng các bao cát và đá hộc. Ông Thành phát giác “đường ống khổng lồ” vì nước được bơm rất mạnh từ trong lòng ống vào lòng biển và có màu vàng đục, sền sệt, nặng mùi. Ông Thành đã báo phát giác của ông cho Đồn Biên Phòng Đèo Ngang, thuộc Bộ Chỉ Huy Biên Phòng Hà Tĩnh.
Trước đây, nhiều người từng bày tỏ nghi ngờ sự kiện “cá chết” là do Formosa Hà Tĩnh lén lút xả nước thải và chất thải ra biển, phát giác của ông Thành về “đường ống khổng lồ” củng cố những nghi ngờ này. Cuối tuần qua, đại diện chính quyền Việt Nam tuyên bố họ không hề bất ngờ về sự hiện diện của “đường ống khổng lồ” vì chính họ cấp giấy phép cho Formosa Hà Tĩnh.
(G.Đ.)