Chiều ngày 27/4/2017, báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải bản thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng yêu cầu kỷ luật đích danh ông Đinh La Thăng vì những vi phạm xảy ra trong thời gian lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), giai đoạn từ năm 2009 đến 2011.
Đây là phiên họp lần thứ 14 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, diễn ra từ ngày 24 đến 26/4/2017 vừa qua.
Theo kết luận vừa được công bố, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm vì các sai phạm gây thiệt hại “rất nghiêm trọng” đối với PVN trong thời gian làm bí thư đảng uỷ, chủ tịch hội đồng thành viên của tập đoàn này.
Ngoài ra, 4 cựu quan chức đứng đầu PVN trong giai đoạn này gồm các ông: Phùng Đình Thực, Đỗ Văn Hậu, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh cũng bị ra quyết định kỷ luật dưới hình thức: cách chức, cảnh cáo và khai trừ khỏi đảng.
Riêng trường hợp ông Đinh La Thăng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng ra quyết định: “Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền”.
Thanh trừng khốc liệt trước Hội nghị TƯ 5
Động thái trên cho thấy cuộc chiến triệt hạ, tranh giành quyền lực trong nội bộ cộng sản đã được leo thang đến cấp uỷ viên bộ chính trị, mức độ khốc liệt cũng ngày càng gia tăng khi càng cận kề ngày khai mạc Hội nghị trung ương 5.
Nhân vật “lãnh ấn tiên phong” trong cuộc chiến quyền lực lần này là ông Trần Quốc Vượng - chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra TƯ đảng, đồng thời cũng là một thuộc hạ thân tín của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sau khi để cho Trịnh Xuân Thanh cùng hàng loạt quan chức tham nhũng bỏ trốn, quyền lực của Nguyễn Phú Trọng đã ngày càng trở nên suy yếu và không còn nhiều ảnh hưởng như trước.
Điều này tạo cơ hội cho các thế lực trong đảng thấy nhu cầu cần phải thay thế ông Trọng. Đồng thời, Hội nghị TƯ 5 cũng là thời điểm mà ông Trọng phải thực hiện lời hứa trước đó: Sẽ tại vị nửa nhiệm, sau đó bàn giao chức vụ tổng bí thư cho người khác.
Tuy nhiên, các diễn biến gần đây cho thấy Nguyễn Phú Trọng đang cố tình trì hoãn việc chuyển giao quyền lực. Ông ta tự gây ra các cuộc chiến trong nội bộ đảng, rồi viện lý do cuộc chiến “chống tham nhũng” chưa hoàn tất, nên chưa thể từ chức trong thời gian này.
Do đó, việc tung đòn “huỷ diệt” đối với Đinh La Thăng là mũi tên trúng hai đích của Nguyễn Phú Trọng:
1. Đe doạ các thế lực trong đảng để giảm thiểu áp lực phải nhường ghế
2. Lấy lại quyền uy trong đảng qua việc triệt hạ Đinh La Thăng và các thế lực do cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cài cắm lại trung ương.
Qua hạ sách trên, Nguyễn Phú Trọng âm mưu dẹp loạn Hội nghị TƯ 5 để có thể tiếp tục ngồi ghế tổng bí thư đến hết nhiệm kỳ, thời điểm mà ông ta sẽ bước sang tuổi 76.
27.04.2017
27.04.2017