Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Anh Tấn cũng như tôi và nhiều tù nhân chính trị khác đều bị liệt vào dạng “nguy hiểm”, hoặc “đặc biệt nguy hiểm”. Tức là cần phải được “quan tâm” một cách đặc biệt do tính chất “nhạy cảm” với chế độ. Mọi động thái của người tù chính trị không những được cai tù, điều tra viên mà còn được các người tù chú ý, quan sát (vì được chỉ thị) một cách kỹ lưỡng. Cho nên, chỉ có thể khẳng định anh Tấn đã bị các "đồng chí" công an giết hại trong nhà tù. Và dựng lên kịch bản đê tiện để chối tội cũng như đánh lừa dư luận.
*
Tóm tắt vụ việc:
Tối ngày 2/5/2017, Cơ quan An ninh điều tra Vĩnh Long tiến hành bắt khẩn cấp đối với anh Nguyễn Hữu Tấn, sinh năm 1979, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ngụ tại tổ 7, khóm 2, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long với cáo buộc phạm tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”- điều 88 BLHS. Báo chí lề đảng miêu tả công an đã tiến hành khám xét nơi ở của anh Tấn và phát hiện nhiều tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc chống đảng (nhưng chẳng thấy tài liệu nào được công bố) nên đã đưa anh Tấn tới giam giữ tại trại tạm giam Công an tỉnh.
Hai ngày sau (4/5), UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp báo, “cung cấp thông tin chính thức vụ việc nghi phạm Nguyễn Hữu Tấn, dùng dao tự sát trong Trại tạm giam của Công an tỉnh Vĩnh Long”.
Tại cuộc họp báo, công an tỉnh Vĩnh Long cho biết:
“Khoảng 10 giờ 55 phút ngày 3/5, tại cơ quan công an, trong lúc làm việc, Tấn đề nghị điều tra viên cho xin một điếu thuốc để hút, sau đó xin nước để uống.
Lợi dụng lúc cán bộ điều tra vừa ra khỏi phòng, đối tượng đã lục tìm con dao rọc giấy được cất trong cặp riêng của cán bộ điều tra (dùng để cắt niêm phong vật chứng khi làm việc) để tự sát bằng cách tự cắt mạch máu 2 bên cổ”.
Báo chí đồng loạt đưa tin rằng gia đình anh Tấn đã được mời đến, dự khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường và được xem lại toàn bộ hình ảnh camera ghi lại cảnh anh tự sát. Công an Vĩnh Long và báo chí đều tuyên bố gia đình anh Tấn đã đồng ý với kết luận của bên an ninh điều tra. Tuy nhiên, sự việc hoàn toàn trái ngược. Gia đình anh Tấn khẳng định anh đã bị giết một cách dã man. Và rằng cái mà cơ quan an ninh điều tra vu khống là lá cờ Việt Nam Cộng Hòa thực tế chỉ là một tấm vải vàng bọc trong thùng nước yến.
Cái gọi là “đoạn phim ghi lại hành động tự sát của Nguyễn Hữu Tấn do” công an cộng sản công bố
Sau khi công luận đặt ra nhiều nghi vấn trong cái chết của anh Tấn, công an tiếp tục dựng lên màn kịch gọi là “công bố đoạn phim ghi lại hành động tự sát của Nguyễn Hữu Tấn” vào chiều ngày 7/5/2017.
Rất nhiều ý kiến phản bác, bóc trần cái gọi là “sự thật” mà công an Vĩnh Long cũng như báo chí lề đảng công bố về cái chết oan khuất của anh Tấn. Ở đây, tôi xin ghi lại một vài ý kiến phân tích rất đáng để lưu tâm của một số facebooker như Dũng Đinh Bùi, Richard Nguyen, Thuy Trang Nguyen trên mạng xã hội. Điểm chung cho các ý kiến phản bác này đều đi đến kết luận rằng video mà công an cung cấp là ngụy tạo. (Lưu ý, những ý kiến này tôi đã biên tập đôi chút cho dễ hiểu hơn.)
“- Hình ảnh trong camera quá mờ, không quay mặt mà chỉ quay phần người của người đang bị hỏi cung.
- Đoạn trong camera ở hình công bố ngày 4/5 và hình công bố ngày 7/5 không trùng khớp. Cụ thể, cái bàn trong hình ảnh “bị can” mặc bộ đồ tù (hình ngày 7/5) thì màu trắng, còn cái bàn trong hình cũ công bố trước đó lại có màu gỗ nâu đậm. Hơn nữa, người mặc đồ tù bị giấu mặt trông bụng phệ hơn bụng anh Tấn trong camera ghi lại toàn bộ hình ảnh anh lúc chưa bị giết.
- Người bị “vu cáo” là Nguyễn Hữu Tấn mặc áo tù (kẻ sọc). Trong khi luật pháp quy định chỉ có án (tức đã bị kết tội tại tòa) thì mới phải mặc áo tù. Hơn nữa, anh Tấn mới bị bắt hôm trước, sao hôm sau “được” mặc áo tù nhanh thế.
- Trong clip công bố ngày 7/5, có đến hai an ninh điều tra mặc thường sắc phục hỏi cung anh Tấn. Trong khi hình ảnh trước đó cũng chính công an công bố, thì chỉ có một điều tra viên và người này mặc thường phục. Nếu cả hai công an cùng ngồi đó như trong camera, sẽ không có chuyện cả hai cùng ra ngoài để đi lấy nước cho anh Tấn, bỏ mặc anh một mình để thoải mái “lục tìm con dao rọc giấy được cất trong cặp riêng của cán bộ điều tra để tự sát bằng cách tự cắt mạch máu 2 bên cổ”.
Video công bố ngày 7/5/2017
Ảnh công bố ngày 4/5/2017
- Trên bàn hỏi cung, trước mặt hai điều tra viên ngồi không hề có “cặp riêng của cán bộ điều tra”, thì anh Tấn lấy dao ở đâu để tự cứa cổ mình?
- Về kỹ thuật Camera, trường hợp nếu Camera mờ nhưng phần ghi ngày/giờ sẽ luôn rõ vì phần này là digital embed (không liên quan tới pixel của camera) - Do đó cho dù Camera có mờ thì phần Stamp này luôn rõ nét. Trong video công an đưa ra thì phần Digital embed bị mờ theo Camera, điều này cho thấy hình ảnh mờ là có sự can thiệp.
- Góc máy của Đài Truyền hình Vĩnh Long đưa tin và camera giám sát khác nhau rất nhiều. Khác về cách bài trí trên bàn của cán bộ và khoảng cách ngồi của anh Tấn.
- Gia đình anh Tấn cho biết là 11h00 trưa 3/5/2017 có giấy mời lên nhận xác. Còn camera thì hiển thị anh Tấn còn sống lúc 11h kém 3 phút rưỡi ngày 3/5/2017. Nếu thật sự anh Tấn tự tử ngay lúc đó, thì trong 3 phút rưỡi còn lại, tờ giấy mời đi bằng cách nào từ trại giam tỉnh Vĩnh Long về đến huyện Bình Minh cách nhau 30 km?”.
Còn tôi, với tư cách của một người từng bị bắt đi tù cũng theo điều 88 như anh Nguyễn Hữu Tấn thì khẳng định: việc tự tử trong nhà tù, trong các trại tạm giam, tạm giữ, các trụ sở công an là điều không dễ, thậm chí không tưởng. Để tránh việc người bị bắt, bị giam giữ (nhà nước gọi là “nghi can, bị can”) tự tử, công an, cai tù tiến hành việc khám người, kiểm tra tư trang, nội vụ rất kỹ càng. Phụ nữ không được dùng nơ, dây buộc tóc, không được mặc áo lót vì đó là phương tiện có thể dùng để tự tử được (đấy là cai tù, công an diễn giải thế). Móng chân, móng tay phải được cắt ngắn. Các vật sắc, nhọn bị cấm hoàn toàn. Bát, thìa ăn cơm, ca uống nước và mọi đồ dùng trong buồng giam đều phải làm bằng nhựa… Một chi tiết quan trọng nữa, khi dẫn giải “bị can” từ buồng giam ra buồng hỏi cung, theo nguyên tắc điều tra viên phải đi sau “bị can” và phải giữ khoảng cách gần vừa đủ để kiểm soát mọi tình huống có thể xảy ra.
Nhắc chuyện này lại nhớ một lần tên điều tra viên đấu lý với tôi không lại, hắn tức quá quên hết cả nguyên tắc. Lúc rời buồng cung, hắn đi trước, bỏ lại tôi phía sau đang vừa đi vừa cười tủm trước vẻ cay cú rất trẻ con của hắn. Một cai tù từ đâu chạy đến, cau có:
-Tại sao lại bỏ “phạm nhân” đi phía sau thế kia? Anh phải đi sau người ta chứ.
Hàng chục lần đi cung, tôi chưa bao giờ có cái “may mắn” như anh Tấn là bị bỏ lại một mình, để có tí riêng tư mà suy nghĩ. Thời gian đầu, thậm chí có đến ba điều tra viên hỏi cung tôi. Một lần, tôi còn bị đi cung trong tình trạng bị xiềng chân từ buồng giam ra đến buồng cung xa hàng trăm mét, cứ vừa đi vừa lê xiềng. “Chờ tôi ngồi xuống, viên trực trại rướn người qua mặt tôi, kéo thanh sắt vốn được bắt vít cố định nơi tay vịn, khóa lại. Động tác rất dứt khoát với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Chắc đấy là thứ công cụ được phát minh ra để bảo vệ các nhân viên điều tra khi hỏi cung những tên tội phạm thuộc diện đặc biệt nguy hiểm” (Trích “Câu chuyện nhỏ của tôi”).
Anh Tấn cũng như tôi và nhiều tù nhân chính trị khác đều bị liệt vào dạng “nguy hiểm”, hoặc “đặc biệt nguy hiểm”. Tức là cần phải được “quan tâm” một cách đặc biệt do tính chất “nhạy cảm” với chế độ. Mọi động thái của người tù chính trị không những được cai tù, điều tra viên mà còn được các người tù chú ý, quan sát (vì được chỉ thị) một cách kỹ lưỡng.
Cho nên, chỉ có thể khẳng định anh Tấn đã bị các "đồng chí" công an giết hại trong nhà tù. Và dựng lên kịch bản đê tiện để chối tội cũng như đánh lừa dư luận.
Tham khảo:
Tự tử trong đồn công an, trong nhà tù: khó hay dễ?http://phamthanhnghien.blogspot.com/2017/02/tu-tu-trong-on-cong-trong-nha-tu-kho.html
14/5/2017