*Vì sao ?
Khi một gia đình, một đất nước mãi giẫm chân trong tình trạng khốn đốn, lạc hậu, đám quan chức tà quyền trở thành mafia cướp bóc nơi nơi, giặc ngoài biên cương vào xâm chiếm, không ai không thấy nhục nhã và đau lòng, nhất là những đấng nam nhi.
Vì ai cũng biết”quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách”. Dũng mãnh và lương thiện chấn hưng gia đình và đất nước, nếu đàn ông không mong muốn và nhận lấy trách nhiệm đó thì thật nhục quốc thể.
Ai ngoài kia? Sao quá nhiều đấng nam nhi Việt hoặc gục mặt trên bàn nhậu, hoặc kiếm chuyện đánh nhau ngoài đường, nơi chợ vì một cái “nhìn đểu”, hoặc đánh mắng vợ con để xả nỗi tức giận, hoặc đám văn nghệ sĩ lảm nhảm “chim hoa cá gái’ vờ rằng mắt bị bệnh “ngưỡng thiên” không nhìn thấy đồng bào lầm than?!Sao chỉ khóc vì quả bóng mà không khóc cho đồng bào lầm than?!
Khi có người hỏi tại sao không dám lên tiếng hoặc đối diện thẳng với tà quyền đang giết dân kia, sao không dám lên tiếng về sự thật kia, thì nhiều người liền treo biển “nhà có vợ dữ” để thoái thác trách nhiệm công dân của mình.
“Nhà có vợ dữ” – họ muốn được mọi người cảm thông rằng tôi cũng anh hùng, nhưng vợ tôi nó không cho, nó dọa bỏ, nó bảo tôi phản động, nó không cho ngủ cùng, rồi ra tan đàn sẻ nghé khổ con cái.
Cũng có người treo biển”nhà có bố mẹ dữ, con cái dữ hoặc anh chị em dữ” để chống chế cho hành vi thỏa hiệp với cái xấu của mình.
Tất cả những tấm biển đó đều không đủ để che mắt thiên hạ.
Trên thực tế có những người vợ, người chồng, bố mẹ con cái hoặc người ngoài đã thường xuyên gây áp lực, muốn buộc người thân của họ vì quyền lợi riêng mà im lặng trước tôi ác khi tội ác đang xẩy ra.
Nhưng người chồng, người cha đó có đủ bản lĩnh để làm trách nhiệm công dân của mình hay không, không thể đổ lỗi cho những người thân gây áp lực, mà nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng cũng chỉ là tự anh ta chưa đủ bản lĩnh và muốn thỏa hiệp.
Những người có bản lĩnh sẽ thuyết phục những người cản trở họ chấp nhận lẽ phải. Trong trường hợp người thân quá u mê mà gây áp lực không dời đổi, người có bản lĩnh luôn chọn làm theo lương tâm, quyền được bảo vệ đức tin cũng như cuộc sống tinh thần của mình.
Họ không bao giờ đổ trách nhiệm cho người thân, kể cả trường hợp “nhà có vợ dữ”.
Để sống xứng đáng làm người là cả một hành trình nhọc nhằn, luôn phải gương mẫu và biết chối từ lòng tham. Tham an toàn nhỏ là lòng tham của cá nhân, sẽ mất cái an toàn lớn là an toàn của môi trường và đất nước, sẽ dẫn đến cảnh nước mất nhà tan.
Chế độ độc tài tham nhũng như những như những tế bào của loài đỉa luôn tìm nơi gieo rắc và đeo bám. Nhưng chúng chỉ có thể sinh sôi vào những nơi ẩm ướt và tanh tưởi.
Cái ẩm ướt và tanh tưởi ấy là sự lầm lạc về tư tưởng, chọn sai con đường đi cho cá nhân và đất nước, cho thể chế. Từ chỗ đó có quá ít công dân dám phản biện, dám lựa chọn cho mình một thái độ sống cao quý, dám xác tín quyền làm người.
nên môi trường ấy vẫn là nơi ẩm ướt tanh tưởi cho loài đỉa sinh sôi, hút máu của người dân và đất nước.
Ngay từ thế kỷ 18, Benjamim Franklin- một trong những nhà khai quốc, nhà khoa học, triết gia, nhà phát minh, nhà ngoại giao người Mỹ đã nói:
“Những người có thể từ bỏ tự do trân quý để đổi lấy sự an toàn tạm thời ít ỏi không xứng đáng với cả tự do lẫn sự an toàn”.
Người VN, ngay cả những nhân vật cao nhất trong nhà cầm quyền, dù đi theo đường lối cộng sản và sự chỉ dẫn của quan thầy TQ, nhưng không ai mua nhà, cho con du học ở TQ. Họ chọn Mỹ, Đức và các nước phát triển, vì họ hiểu rất rõ vấn đề nơi đâu mới thực sự an toàn.
Muốn có vậy, đất nước cần những nhà cầm quyền và công dân tài năng, có khả năng khai sáng và kiên định thực hiện nó chứ không phải những đấng nam nhi treo biển “nhà có vợ dữ”.
Những ngôi nhà không có lửa tâm hồn:
Có ai tự hỏi rằng tại sao chúng ta vẫn ngợi khen người VN giàu lòng yêu thương, mà càng ngày xã hội càng trở nên bấn loạn, bất lương, nơi nơi người ta giết nhau. Những nông dân và doanh nghiệp còn điềm nhiên tẩm ướp hóa chất độc vào thức ăn, giết dần mòn người khác chỉ để kiếm lợi nhuận?
Chúng ta thương yêu kiểu gì, mà ngay tại những nước phát triển và tự do, quyền con người được đảm bảo cao như nước Đức, mà trong nhà, ngoài cộng đồng, nhiều công dân VN lại làm một việc trái pháp luật, trái lương tâm là gây sức ép đủ kiểu buộc những người chồng, người vợ, người con phải chối bỏ sự thật, phải mặc kệ nhà cầm quyền VN tha hồ dối trá, bạo lực với đồng bào mình, cấm cản không cho lên tiếng khi hầu khắp đất nước bị xả độc và để cho bọn tham nhũng ngày đêm xả thịt đất nước?Ai đã khiến nam nhi VN nhậu quên đất nước
Vì sao có nhiều công dân Đức gốc Việt đã dùng đủ mọi cách để gây sức ép với người thân nhân danh “sự an toàn” khi người đó theo đuổi lương tâm và sự thật? Thậm chí, nhiều người gây sức ép đã gọi người thân là “phản động”. Điều này hoàn toàn không được phép, là vi phạm quyền tự do tư tưởng được quy định bởi Hiến pháp Đức.
Có xứng đáng là công dân Đức và những nước phát triển không, khi chỉ một mực ép buộc người thân của mình sống như một loài thú chỉ chăm chú vào miếng ăn, chỉ cúi gầm mặt xuống bộ lông của mình để chải chuốt và để mặc người khác chịu thiệt thòi đấu tranh, ban tặng tự do và sự giàu có cho mình?!
Con người sống trên đời có quyền được đảm bảo hai nhu cầu. Phần con là vật chất, còn phần người, cao quý hơn, là quyền lợi tinh thần. Quyền được tự trọng, được ngẩng đầu không nhục với mặt trời và quyền dám hy sinh vì cộng đồng, quyền được quyết định không từ bỏ tự do trân quý để đổi lấy sự an toàn tạm thời mà bất ổn dài lâu.
Những người nông cạn, “bóc ngắn cắn dài ấy” sẽ biến ngôi nhà- lẽ ra là mái ấm, trở thành một chốn lạnh lẽo, là nơi dung dưỡng sự tanh tưởi và ẩm ướt để dẫn tới một sự bất an lớn .
“Ngôi nhà không phải là mái ấm trừ khi nó chứa thức ăn và lửa cho tâm hồn cũng như cơ thể” (Benjamim Franklin).
Người VN thương nhau, nhưng phải chăng đó là cách thương theo kiểu “vặt mũi đút miệng”, một cách tự thương mình ngắn hạn, niềm mơ ước lớn nhất nếu trao vào tay chúng ta chỉ là “ước có miếng dồi chó” mà thôi, trong khi đó chúng ta có thể ước mơ có thể nhào nặn lại một thể chế, một xã hội để VN có được những điều kiện tốt nhất, như nước Đức – để phục vụ người Việt.
Võ Thị Hảo
Nguồn– Thoibao.de