- Sau khi thú tội cộng tác với an ninh mật vụ CSVN để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bị toà án Đức tuyên án 3 năm 10 tháng tù, Nguyễn Hải Long đã kháng án. Việc thú tội và ký tên vào bản thú tội tại toà của Long là để được hạ án tù, từ tối đa 7 năm xuống còn 3 năm 10 tháng tù giam. Vậy tại sao Nguyễn Hải Long kháng án sau khi đã được khoan hồng và giảm án?
- Án tù 3 năm 10 tháng cho tội “Hoạt động gián điệp chống lại Nhà nước Đức” và “hỗ trợ cưỡng đoạt tự do” của Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Thị Minh Phương có thể xem là hình phạt nhẹ. Do đó, việc Nguyễn Hải Long kháng án vì không chấp nhận án tù nhẹ đó là một điều không hợp lý.
- Trong bản thú tội đã ký, Nguyễn Hải Long đã tố cáo Đường Minh Hưng - Trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam - là người chỉ đạo toàn bộ kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bên cạnh đó là Tô Lâm, Lê Anh Tú, Đào Quốc Oai, Vũ Quang Dũng và nhiều quan chức CSVN khác. Những lời khai này đã biến những cán bộ cao cấp trong ngành an ninh và đại sứ quán CSVN tại Đức trở thành đối tượng mà Đức buộc phải điều tra và truy tố. Đó là chưa kể đến những kẻ ở Ba Đình đã bật đèn xanh cho kế hoạch bắt cóc đem Trịnh Xuân Thanh về lò Nguyễn Phú Trọng. Do đó: hành động kháng án là do áp lực của Hà Nội với hy vọng rằng qua việc kháng án, những luật sư mới của Nguyễn Hải Long sẽ viện dẫn nhiều lý do để Nguyễn Hải Long rút lại những lời chứng về các tội phạm Ba Đình.
- Tuy nhiên, việc kháng cáo sẽ khó thành công vì toà án Đức chỉ sẽ xét lại những sơ sót nếu có về tư pháp trong tiến trình xét xử. Thay vào đó, nó sẽ kéo dài thêm thời gian xét xử và lộ thêm ra những thành phần liên quan, có thêm bằng chứng về sự can dự của các quan chức CSVN, nhất là những cá nhân liên quan đứng đằng sau việc kháng cáo của Nguyễn Hải Long vì nghĩ rằng kháng cáo sẽ mang lại "lợi ích" cho họ.
- Về mặt bang giao Việt-Đức, sau vụ bắt cóc Đức đã trục xuất 2 cán bộ ngoại giao của Sứ quán CSVN tại Đức; phát lệnh truy nã quốc tế đối với Đường Minh Hưng; tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; và ngừng hiệp định miễn trừ VISA đối với quan chức CSVN sang Đức công tác. Bằng mọi giá, Ba Đình phải phục hồi và bình thường hoá quan hệ với Đức - là quốc gia có nhiều uy tín và ảnh hưởng lên những quyết sách chung của Cộng đồng chung Âu châu. Lời khai của Nguyễn Hải Long đã biến mọi hy vọng tái lập quan hệ đối tác của Hà Nội với Berlin thành mây khói. Hà Nội không gỡ được. Ngay cả phía Bộ Ngoại giao Đức nếu muốn cũng không gỡ được vì Hành pháp Đức không thể ảnh hưởng lên các hoạt động độc lập của Tư pháp Đức.
- Từ đó, động cơ kháng cáo của Nguyễn Hải Long chỉ có thể đến từ áp lực lẫn mua chuộc của CSVN. Chỉ có 2 chọn lựa: (a) nhận bản án từ 5 đến 7 năm tù thì sẽ có vài triệu đô chuyển vào trương mục bí mật, thân nhân được yên ổn và được đảng nâng đỡ; hay (b) thân nhân tại VN sẽ bị khủng bố và chính bản thân Nguyễn Hải Long sau khi ra tù sẽ không yên ổn với mật vụ Ba Đình. Nguyễn Hải Long đã phải chọn (b).
- CSVN hy vọng rằng sẽ làm bốc hơi những lời thú tội (và cũng là những vi phạm của họ) bởi bị cáo / nhân chứng Nguyễn Hải Long. Tuy nhiên, họ đang ngang nhiên thách đố danh dự và công lý nước Đức. Những động cơ tiềm ẩn của việc kháng cáo sẽ bị nghi ngờ là vượt qua ý muốn thật sự của cá nhân Nguyễn Hải Long, có sự nhúng tay của nhà cầm quyền CSVN. Nó sẽ gia tăng động cơ truy xét đến tận gốc rễ bởi Tư pháp Đức đối với mọi cá nhân chủ xướng, chỉ huy, điều động và thi hành việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nó lại càng thức đẩy mạnh hơn những quyết định của Hành pháp Đức để chế tài CSVN. Việc chế tại đó không chỉ dừng lại ở quốc gia Đức mà còn có thể lan rộng sang Cộng đồng chung Âu châu với EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu - Việt Nam) có nguy cơ từ hấp hối sang từ trần.
Ba Đình đang ngậm miệng như hến với vở kịch "Đầu Thú" lừa đảo đã lộ hàng và tiếp tục tự đào sâu thêm cái hố tội phạm đầy nhục nhã cho chính họ.
03.08.2018