Câu chuyện kể rằng một người Samaria đã giúp đỡ người đàn ông bị đánh đập, bị lột hết quần áo và bị bỏ mặc cho chết ở bên đường.
Nhưng có lẽ họ không biết rằng có hàng trăm người Samaria cổ xưa ở Israel ngày nay vẫn còn sống.
Tôi cảm thấy hết sức bị lôi cuốn khi nghe nói về điều này và tôi quyết định tìm cách để gặp họ khi đến Israel.
Núi thiêng Gerizim
Khi có người gọi ai đó là 'một người Samaria nhân lành', có lẽ người đó biết về câu chuyện ngụ ngôn về người Samaria nhân lành trong Phúc âm Luca (Gospel of Luke).
Chuyến thăm đầu tiên của tôi là khi vừa bước qua thiên niên kỷ mới.
Mặc dù căng thẳng vẫn dâng cao giữa người Israel và người Palestine, nhưng tôi vẫn tìm được một hướng dẫn viên đồng ý lái xe đưa tôi từ Israel đến phía bắc Bờ Tây rồi sau đó chạy lên Núi Gerizim, đến làng Kiryat Luza của người Samaria.
Chúng tôi chạy qua những ngôi nhà đá vôi giản dị và đến một con đường chính đầy bụi bặm.
Lúc đó người hướng dẫn dừng xe ở trước một bảo tàng nhỏ hai tầng. Bên trong, nó có diện tích cỡ khoảng một phòng khách lớn, và tôi nhìn thấy cảnh tái hiện trang phục tu sĩ cổ, một mẩu bánh matza tròn (bánh mì không lên men) và một cây gia phả trong hình dáng menorah (đèn nến có bảy nhánh) - những thứ đã có từ hàng ngàn năm trước.
Trên một bức tường có treo đầy những tấm ảnh những người đàn ông lớn tuổi để râu quai nón trông khắc khổ, đội khăn trùm đầu.
Vị tu sĩ, vốn là người canh giữ bảo tàng, chỉ cho tôi xem một trong những tấm ảnh đó rồi nói: "Đó là cha tôi, kohen gadol, tức tu sĩ cao cấp của người Samaria. Dòng dõi tu sĩ này có nguồn gốc từ Aaron, người anh trai của nhà tiên tri Moses."
"Moses, đấng tiên tri nhận lãnh Mười Điều răn?" tôi hỏi. Ông gật đầu.
Và đó là lúc đầu óc tôi trở nên mất bình tĩnh. Tôi bắt đầu khóc, nước mắt không ngừng chảy cho đến khi tôi rời đỉnh núi. Tôi cảm giác như là tôi đã gặp được điều gì đó hết sức cổ xưa, mãnh liệt và chân thực.
Núi thiêng Gerizim là nơi có ngôi làng Kiryat Luza của người Samaria
Nhiều du khách đến với Núi thiêng Gerizim là người Thiên chúa giáo, do bị thu hút bởi những câu chuyện trong Tân Ước và bởi thực tế là người Samaria vẫn nói thứ tiếng Hebrew cổ mà Chúa Jesus từng nói.
Theo truyền thống trong Kinh Thánh, người Israel được chia thành 12 tộc nhỏ và người Samaria nói rằng họ là hậu duệ của ba sắc tộc trong số này, gồm Menasseh, Ephraim và Levi.
Sau Cuộc Đào thoát khỏi Ai Cập và 40 năm sống lang thang rày đây mai đó, Joshua đã dẫn dắt người Israel đến Núi Gerizim. Sau đó, ông đã thống nhất các tộc người này trong một buổi lễ có bao gồm việc ban phước cho Núi Gerizim (mà sau này được gọi là Núi Phước lành) và gieo lời nguyền cho Núi Ebal (Núi Rủa nguyền).
Lịch sử đau thương
Tôi có cảm giác như là tôi được đưa ngược trở lại thời kỳ Kinh Thánh Hebrew (là phần viết bằng tiếng Hebrew chung của Do Thái giáo và Cựu ước của Thiên chúa giáo).
Khi trở về nhà ở Mỹ, tôi đã viết email cho ông Benyamim (Benny) Tsedaka, một học giả, nhà sử học và là sứ giả lưu động của người Israel Samaria.
Ông giải thích rằng "Có hai vương quốc cổ: Judea (Do Thái) ở phía nam, và chúng tôi là tộc người ở phương bắc. Chúng tôi rốt cuộc thì trở nên phân ly, nhưng chúng tôi có cùng chung một nguồn gốc."
Ông nói rằng vào thế kỷ thứ Sáu sau Công nguyên, người Samaria ở Israel có dân số 1.500.000 người. Họ bị người Hy Lạp, người La Mã, người Byzantine, người Ả Rập, quân Thánh chiến, người Mamluk và người Ottoman ngược đãi và giết hại vì đi theo đức tin của họ từ xưa.
Cho đến năm 1919, chỉ còn lại người 141 Samaria. Ngày nay, dân số của họ là hơn 800 người, với phân nửa sống ở Holon (phía nam Tel Aviv) và nửa còn lại sống trên núi. Họ nằm trong số nhóm tôn giáo cổ xưa nhất và nhỏ nhất trên thế giới và những bài hát của họ cũng nằm trong số cổ xưa nhất trên thế giới.
Vài năm sau, trong chuyến đi đến nơi này lần thứ hai, tôi đã đến Holon để gặp Tsedaka.
Cao lớn, tóc bạc với làn da nâu và sở thích thích nói đùa, hát những bài hát của Shirley Bassey và những giai điệu Broadway, ông say sưa kể về cộng đồng của mình, gọi tôi là 'achot' (em gái) và một mực đòi tôi phải gọi ông là 'ach' (anh trai).
Chúng tôi đi vòng vòng ở Holon, nơi có khoảng 80 gia đình người Samaria đang sinh sống và làm các công việc như luật sư, giáo viên, nhân viên ngân hàng và kỹ sư.
"Không có ai là bác sỹ hết," Tsedaka giải thích, "bởi vì điều đó có nghĩa là anh phải làm việc vào ngày lễ Sabbath vốn là điều cấm ngặt."
Ba điểm linh thiêng
Chúng tôi tiến đến một thánh đường của người Samaria, một tòa nhà nhỏ với mái ngói đỏ, tường đá vôi và đèn nến bảy nhánh nằm ở trên cửa ra vào, nơi có viết những dòng chữ tiếng Hebrew cổ.
Bên trong là những chồng kinh cầu nguyện nhưng không có chỗ ngồi. Tsedaka giải thích rằng đàn ông quỳ hay ngồi trên sàn và cuốn Torah (sách thiêng) của họ có vẽ ba cái vương miện vốn tượng trưng cho ba chủng tộc khởi nguồn. Đàn ông bắt buộc phải có mặt ở thánh đường vào ngày lễ Sabbath còn phụ nữ thì tùy ý.
Sách Torah của người Samaria có vẽ ba vương miện tượng trưng cho ba cho chủng tộc khởi nguồn
Vào chiều thứ Sáu, tức là trước ngày Sabbath, Tsedaka lái xe chở tôi từ nhà của ông ở Holon xuyên qua Bờ Tây đến ngôi nhà thứ hai của ông ở Kiryat Luza mà không xảy ra sự cố nào, mặc dù cuộc nổi dậy của người Palestine đang gây khuấy động khu vực.
Người Samaria sống trên đỉnh núi thiêng của họ, giữa những người Palestine ở Bờ Tây và người Do Thái ở Israel, và cố gắng làm chiếc cầu nối trung lập để tạo dựng hòa bình cho hai dân tộc.
Nhiều người Samaria nói tiếng Ả Rập, có tên Ả Rập bên cạnh tên tiếng Hebrew và nói cả tiếng Hebrew cổ và hiện đại. Một số người cũng nói được tiếng Anh.
Tsedaka dẫn tôi đến ba địa điểm linh thiêng nhất của người Samaria ở trên núi: nơi Tổ phụ Abraham đưa Isaac đến để hiến tế; 12 tảng đá nơi Joshua thống nhất các tộc sau Cuộc Đào thoát, và một tảng đá lớn, trơ trọi màu xám thẫm nơi người Israel đã dựng ngôi nhà lưu động (Tabernacle) khi họ đến xứ Israel.
"Nơi đây được gọi là Đồi Vĩnh cửu," Tsedaka nói. "Đó là nơi linh thiêng trong số những nơi linh thiêng. Tôi biết người Do Thái cho rằng những sự kiện này xảy ra ở nơi khác nhưng lịch sử chúng tôi nói rằng chúng xảy ra ở đây."
Chúng tôi đi vòng quanh di tích khảo cổ Núi Gerizim vốn mới được mở cửa gần đây. Hơn 500 chữ viết cổ trên đá được tìm thấy ở đây, Tsedaka nói với tôi, bên cạnh các phế tích và di tích thời Ba Tư, thời Byzatine, thời Hy Lạp và thời Samaria. Ngày nay khu vực này là công viên quốc gia do Israel bảo quản.
Ngày Sabbath
Khi Mặt Trời lặn xuống nơi đường chân trời, chúng tôi bước vào nhà của Tsedaka để chuẩn bị cho ngày Sabbath.
Tsedaka đi vào phòng ngủ, và khi ông ấy bước ra, tôi sững sờ trước sự biến đổi của ông. Ông mặc trang phục Israel cổ truyền thống: áo choàng dài màu trắng, mũ tarboosh (chiếc nón hình trụ màu đỏ và một dải băng đeo trắng cho người lớn tuổi) và dép sandal.
Chúng tôi đi trên con đường chính xuống thánh đường, hòa cùng những người đàn ông và em trai khác cũng ăn mặc như Tsedaka và cùng đi về một hướng.
Họ bỏ dép sandal bên ngoài cửa thánh đường.
Bên trong, họ ngồi, quỳ và đứng trên thảm, đôi khi cúi đầu về hướng căn nhà cổ của tổ tiên họ. Âm thanh những lời cầu nguyện của họ nghe trầm và khàn. Khi họ xướng danh 'Moses', họ dùng đôi tay che mặt như cách Moses đã làm khi Thượng Đế nói chuyện với ông.
Sau buổi lễ, một nhóm đàn ông lại gần tôi ở phía sau thánh đường nơi tôi đang ngồi trên một cái ghế nhựa. Họ đặt cho tôi một câu hỏi rất nài nỉ: "Cô có biết là liệu đội Maccabee Tel Aviv có thắng hay không?" Đó là đội bóng rổ yêu thích nhất của họ.
Người Samaria không được phép xem truyền hình hay sử dụng bất cứ thiết bị điện nào vào ngày Sabbath. Nhưng thậm chí vào ngày thiêng liêng nhất đối với họ trong tuần thì họ vẫn muốn xem đội bóng của họ trình diễn như thế nào.
Tsedaka, cũng giống như những người đàn ông khác, đến thánh đường ba lần vào ngày Sabbath, bắt đầu từ lúc 03:30 sáng. Vào lúc 11h, vợ của Tsedaka, bà Miriam, dọn bữa trưa với ê hề rau trộn, hummus (bơ đậu nghiền), tahini (sốt mè), bánh mì matza tròn, đậu xanh chiên, khoai tây và lát cá bơn.
Vào lúc 13h, chúng tôi quay trở lại thánh đường để dự buổi cầu nguyện có nhạc điệu trong vòng 90 phút, rồi sau đó đến thăm một số nhà dân Samaria vốn là một phong tục vào ngày Sabbath.
Một trong những lãnh đạo chính trị của cộng đồng có một căn phòng trang trí lộng lẫy điểm xuyết với những tấm ảnh của ông chụp với cố Chru tịch Palestine Yasser Arafat và Quốc vương Jordan Hussein.
Lễ hiến tế đẫm máu
"Chúng tôi sống hòa thuận với người Palestine và người Do Thái," Tsedaka nói, "và chúng tôi muốn đề xuất Núi Gerizim làm trung tâm hòa bình quốc tế."
Núi thiêng Gerizim được nhắc tới trong Kinh Thánh và ngày nay là công viên quốc gia
Khi mặt trời lặn, phân nửa đàn ông thực hiện nghi thức cầu nguyện cuối cùng trong ngày Sabbath trong thánh đường, còn phân nửa còn lại cầu nguyện trên bãi hiến tế trên Núi Gerizim nơi Lễ Quá hải (Vượt biển) đầy máu me đến đáng sợ của người Samaria diễn ra.
Mỗi năm, du khách và học giả từ khắp nơi trên thế giới đến đây để chứng kiến lễ hiến tế Paschal vốn được thực hiện như miêu tả trong Sách Xuất hành (Book of Exodus).
Thầy Cả kiểm tra kỹ những con cừu của từng gia đình để đảm bảo rằng chúng không có bất kỳ khiếm khuyết nào.
Tất cả những con cừu này sẽ bị giết ngay lập tức và được treo trên thanh nướng phía trên những hố lửa lớn khoét xuống đất. Đó là một nghi thức đầy máu me và những người tham dự mặc đồ trắng sẽ trét máu lên trán để đẩy lùi tử thần.
Vào lúc giữa đêm, thịt cừu nướng sẽ nhanh chóng được dùng hết cùng với bánh matza và các loại rau thơm có vị chát.
Các học giả và du khách từ khắp nơi trên thế giới tới chứng kiến lễ hiến tế Paschal được thực hiện theo đúng như mô tả trong Sách Xuất hành (Book of Exodus)
Lần thứ ba tôi đến, vài năm sau đó nữa, Tsedaka dẫn tôi đến thành phố Nablus trên Bờ Tây để thăm Giếng Jacob. Giếng này có liên hệ đến với Thượng phụ Jacob - người cha của 12 tộc người cổ xưa của Israel, và nó được tin là nơi mà Chúa Jesus đã nói chuyện với một người phụ nữ Samaria.
Ngày nay, giếng nước bằng đá này nằm trong một hầm mộ chìm trên mặt đất bị khoét xuống của một tu việc Chính thống giáo Hy Lạp, và tôi đã mua một chai đựng nước giếng nhỏ bằng gốm làm đồ lưu niệm.
Chúng tôi ghé qua Mộ Joseph một chút vốn cũng nằm trong Nablus.
Qua nhiều năm, các tín đồ Hồi giáo, Thiên chúa giáo và Do Thái giáo đã tranh giành nhau quyền kiểm soát di tích này. Ngày nay, hỡi ôi,nơi đây chỉ còn là một căn phòng nhỏ với mái vòm được dựng lên vào thế kỷ 19. Không, không còn bằng chứng khảo cổ hiển hiện về một công trình xa xưa.
"Cô thấy thế nào?" Tsedaka hỏi.
"Nó giống như là mọi thứ bước ra từ các trang trong Kinh Thánh. Moses, Joshua, Jacob, Joseph, và Cuộc Đào thoát, và 12 bộ tộc… thật choáng ngợp," tôi trả lời.
Tsedaka gật đầu, và nhoẻn miệng cười.
Diện kiến Thầy Cả
Trong chuyến thăm cuối cùng của tôi đến Núi Gerizim vào năm 2012, Tsedaka đã xin phép được cho tôi gặp với Thầy Cả, vị lãnh tụ tinh thần của người Samaria ở Israel mà tôi đã nghe được là có dòng dõi qua 130 đời đến người con trai thứ hai của Aaron, người em trai của nhà tiên tri Moses.
Cánh cửa bật mở ra và tôi được dắt một cách thân mật vào một phòng khách trang trí lộng lẫy.
Chỉ trong vòng vài phút, vị Thầy Cả có hàm râu trắng như cước bước vào, vận trên người chiếc áo choàng xám và đội khăn trùm đầu màu đỏ. Một ông lão đáng kính trong độ tuổi ngoài bát thập. Đi theo tháp tùng là các vị cấp phó và các thành viên gia đình ông. Ông ra dấu cho tôi đến ngồi sát ông trên một chiếc ghế bành. Buổi tiếp kiến bắt đầu. "Tôi có thể làm gì cho cô?" ông hỏi với sự trịnh trọng nhã nhặn.
Cuộc gặp diễn ra rất thân thiện, cho đến khi tôi nói rằng tôi đã một lần ăn thịt lạc đà. Thầy Cả bỗng tối sầm mặt và gia đình ông nhìn đi chỗ khác như thể là rất xấu hổ.
"Ăn thịt lạc đà còn tệ hơn hơn là ăn thịt lợn nữa," ông thốt lên.
Ông nói tôi phải chuộc lỗi và sám hối. Tôi thề rằng tôi sẽ không ăn thịt lạc đà một lần nữa. Buổi tiếp kiến rõ ràng là đã kết thúc. Hoàn toàn xìu xuống, tôi bắt đầu lỉnh ra ngoài trong tâm trạng đầy xấu hổ. Thầy Cả phá lên cười. "Gặp một người ăn lạc đà…thật là thú vị," ông nói.
Judith Fein