Ngày 29/10/2018 Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ từ bỏ không tái ứng cử chức Chủ tịch đảng CDU, tuy nhiên bà vẫn tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Đây là bước đầu tiên trên con đường rời bỏ chính trường của bà.
Nước Đức là quốc gia luôn luôn phải bầu cử. Vốn là một nước với nhiều tiểu bang, ngoài cuộc bầu cử liên bang, người dân còn phải đi bầu chính phủ các tiểu bang. Dưới tiểu bang là cấp thứ ba, người dân còn phải cử ra các cấp nghị viên thành phố hay các đơn vị làng xã. Vừa qua, sau cuộc bầu cử hai tiểu bang Bayern và Hessen, vốn là hai tiểu bang quan trọng trong số 16 tiểu bang, nước Đức đi vào một trang lịch sử mới. Giai đoạn này có thể xem là một khúc ngoặt của chính trường Đức sau 1989, năm thống nhất hai miền nước Đức.
Đặc trưng của khúc ngoặt này có thể nói gọn là hai chính đảng CDU và SPD, vốn được xem là hai tập hợp lớn của dân tộc Đức, bên thiên hữu, bên thiên tả, nay đã mất hết quần chúng. Theo thăm dò, đảng CDU chiếm chưa đầy 30% số phiếu và SPD, thê thảm hơn, sẽ không được quá 20% phiếu bầu. Một liên minh của hai chính đảng đó, này xưa thường được gọi là liên minh tuyệt đại đa số, nay sẽ không hơn 50% phiếu bầu.
Những con số vô hồn này sẽ không cho hơn một cái nhún vai của người quan sát từ xa, nhưng đối với người trong cuộc, đây là một đảo lộn khủng khiếp. Hãy còn quá sớm để tiên liệu tương lai một nước Đức trong những năm tới đây, nhưng cũng hẳn thú vị để nhìn lại một nhân vật chính trị, Angela
Merkel, một phụ nữ tài năng và hiếm có, người vừa tuyên bố sẽ thoái trào trong ngày 29.10.2018 vừa qua.
Kết quả thăm dò cử tri trên toàn Liên bang Đức ngày 19.10.2018
Merkel là Chủ tịch của CDU trong 18 năm qua, là Thủ Tướng Đức từ 2005. Những ai đã sống tại Đức trong vài chục năm qua thường không thể tưởng tượng được vị phụ nữ này lại có thể làm Thủ Tướng Đức và Chủ tịch CDU. Theo truyền thống CDU thường được xem là cánh hữu bảo thủ, trọng giáo điều tôn giáo, thường đứng một phía với Mỹ trong mọi tranh chấp quốc tế, thiên về cánh chủ nhân các tập đoàn kinh tế, ngại người nước ngoài…
Thế nhưng sau ngày thống nhất đất nước Đức năm 1989 xuất hiện một phụ nữ khả ái mà Helmut Kohl (Thủ tướng Đức thời đó) thân mật gọi là “Mädchen” (nàng thiếu nữ), tên là Angela Merkel. Bà Merkel dần trở thành Tổng thư ký của CDU và cuối cùng, không ai cưỡng nỗi, bà trở thành Chủ tịch CDU.
Thủ tướng Helmut Kohl thân mật gọi Angela Merkel là “Mädchen” (nàng thiếu nữ)
Angela Merkel lẽ ra không bao giờ trở thành nhân vật số một của CDU vì nhiều lý do then chốt:
– Một, bà là người từ Đông Đức mà CDU vốn là đảng nhiều nghi ngại nhất khi nhìn qua phía Đông.
– Hai, bản thân bà là phụ nữ, mà xưa nay CDU là đảng của nam nhi oai vệ, càng kiêu ngạo càng tốt.
– Ba, bà là người theo đạo Tin lành mà CDU vốn “ưa” đạo Công giáo hơn.
– Bốn, bà là người chia tay với chồng năm 1981 để sống với một ông chồng khác. Truyền thống CDU/CSU vẫn “hãnh diện” nếu được một vợ một chồng, nói như Edmund Stoiber khi chọc giận Gerhard Schröder vốn lập gia đình nhiều lần.
– Và cuối cùng bà là người không con, vốn không phải là hình ảnh lý tưởng của CDU về truyền thống gia đình.
Với 5 “thiệt thòi” đó Angela Merkel vẫn đánh bại mọi đối thủ nam nhi sừng sỏ như Roland Koch hay Friedrich Merz. Tội nghiệp thay các nhân vật tầm cỡ được mệnh danh là “Grand” đó, mới đầu họ coi thường phận nữ nhi từ bên Đông, cuối cùng họ thất thế, phải tìm đường dung thân trong các tập đoàn kinh tế. Ngay từ những ngày trong năm 2000 người ta đã biết Angela Merkel không ưa quí ông trong nhóm chính trị gia Tây Đức, họ sẽ bị “đì” không thương tiếc và chỉ những ai dễ bảo như Armin Laschet hay Peter Altmayer mới có chỗ dưới trướng Merkel. Các đấng nam nhi của đảng anh em CSU tại Bayern như Stoiber hay Seehofer, họ bày binh bố trận đã nhiều, nhưng luôn luôn cay đắng chịu thua một người đàn bà bên Đông.
Thế nhưng Merkel đi vào lịch sử không phải nhờ tài thao lược chống nam nhi. Merkel để lại cho hậu thế một chính sách phi thường đối với người nước ngoài, đó là chủ trương chấp nhận nhập cư vô cùng nhân đạo và rộng rãi. So với 5 “thiệt thòi” nói trên, đó mới là điều khó nhất mà lẽ ra bà không thể thuyết phục được CDU, chứ đừng nói là Chủ tịch của đảng ấy. Trong khía cạnh này lẽ ra Merkel phải là đảng viên của SPD hay đảng Xanh.
Nhưng lịch sử dường như cần những nhân vật đặc biệt trong một thời khắc đặc biệt. Năm 2015 trước tình hình dân nhập cư bức xúc tìm vào nước Đức, Angela Merkel cho phép họ vào hàng triệu người. Người ta còn nhớ, trong một tình huống còn đang phân vân thì hình ảnh của một cậu bé vượt biên đã chết, thi hài nằm sấp trên bãi biển, được tung lên trên mọi phương tiện truyền thông, Angela Merkel tuyên bố mở cửa biên giới và quả quyết “chúng ta làm được“. Người ta đoán biết thêm, trong tâm một phụ nữ quả cảm và sắt đá như bà Merkel, dường như có một nét nữ tính mềm mại và thương cảm.
Hình ảnh bé Alan Kurd vượt biên chết đuối bên bờ biển ngày 2.9.2015 đã gây chấn động thế giới hồi đó dẫn đến quyết định của bà Merkel
Thời điểm 2015 làm người quan sát như kẻ viết bài này tự hỏi, phải chăng lịch sử cố tình chờ đợi một con người như Merkel trên đỉnh cao quyền lực để mới có thể biến nước Đức bảo thủ thành một nước nhập cư. Chỉ có người của CDU đang nắm quyền mới làm được điều này và cũng chỉ Merkel trong CDU mới dám làm điều này.
Y như rằng, nước Đức thay đổi một cách toàn triệt từ 2015 đến nay. Từ hai đảng phái chính CDU và SPD, nay ta đã đếm đến 6 đảng phái luôn có mặt trong các cấp chính quyền. CDU và SPD không còn chiếm đa số và khả năng liên minh của sáu đảng với nhau làm người ta rối bời trong mọi tính toán. Nước Đức đã phân hóa, nhất là phía cực hữu dân túy (đảng AfD) đang chiếm một số phiếu trên 15%. Hỏi ai là người chịu lỗi, người ta chỉ ngón tay phê phán về phía Angela Merkel. Đúng hay sai?
Trong khoảng một triệu người nhập cư thì nay đã ¼ có công ăn việc làm. Người ta ít biết đến điều đó. Trong số những người đàn ông Hồi giáo đó dĩ nhiên có kẻ bất lương, ưa chém giết trộm cắp, thích ức hiếp phụ nữ. Một thanh niên Đức phạm tội thì đó là chuyện bình thường trong xã hội. Một thanh niên Hồi giáo hãm hiếp giết người thì đó là lỗi của Merkel. Seehofer, Chủ tịch CSU cho rằng, di dân là “mẹ của tất cả mọi vấn đề“. Lối nói dân túy đó trở nên ăn khách trong quần chúng người Đức ngày càng khó chịu trước tội phạm của di dân Hồi giáo. Và hậu quả hiển nhiên là dân chúng sẽ bầu phiếu cho đảng chống người nước ngoài như AfD và thú vị thay, kẻ mất phiếu chính là phe hữu truyền thống như CSU hay CDU.
Ngày 4/9/2015 nước Đức mở biên giới đón hàng nghìn người tị nạn
Cuối tháng 10.2018 Angela Merkel tuyên bố sẽ không tái ứng cử Chủ tịch CDU, sẽ hoàn toàn chấm dứt nhiệm kỳ Thủ Tướng sau 2021. Có lẽ bà sẽ không giữ vững chức vụ đến ngày đó. Người vui mừng nhất khi nghe tin sẽ là các nam nhi của đảng này, trong đó Friedrich Merz vội vàng tuyên bố nhập cuộc chơi. Nhưng người dân bình thường sẽ phân vân, nước Đức sẽ đi về đâu. Năm sau giờ này có lẽ tình hình sẽ rõ.
Angela Merkel ra đi đúng lúc. Bà đã làm xong công việc cần làm. Thế sự do bà tạo dựng hầu như phản lại bà, đó là điều lịch sử cũng thường lặp lại. Ngoài ra thế giới dường như muốn “xoay trục“. Vũ đài chính trị toàn cầu xem ra không còn chỗ cho những con người như bà. “Hợp căn” với thời đại mới phải là những kẻ xa lạ với dân chủ và pháp quyền, thích bạo lực và dối trá, sẵn sàng chiến tranh và chia rẽ, trở lui với chủ nghĩa quốc gia và dân túy. Đã từ vài năm qua Angela Merkel phải đương đầu với Putin, Trump, Tập Cận Bình, Edogan. Sắp tới đây sẽ còn các nhà dân túy xuất hiện từ Ý, Brasil, Áo…Họ sẽ vui mừng khi bà rút lui.
Angela Merkel là người điềm tĩnh, sâu sắc, biết rõ mình muốn gì và thời đại đang chuyển hướng. Bà có thể nhìn lại đời mình một cách hãnh diện, dù điều gì sẽ xảy ra.
Nguyễn Tường Bách (29.10.2018)