Công ty Fleisch- und Wurstwaren Schmalkalden GmbH Thüringen là công ty giết mổ gia súc và sản xuất xúc xích lớn nhất trong vùng với 400 nhân viên và là chuyên gia sản xuất loại xúc xích rán nổi tiếng của Thüringen và pate.
Ông Peter Lesser năm nay 63 tuổi, chuyên gia làm xúc xích, hiện nay là giám đốc điều hành của công ty này. Ông đã từng làm việc trong xí nghiệp này, khi nó còn là xí nghiệp quốc doanh dưới thời CHDC Đức. Năm 1990, ông đã cùng ba đồng nghiệp tiếp quản xí nghiệp này, cùng nhau xây dựng phát triển thành một công ty lớn. Hiện nay, công ty của ông cung cấp xúc xích cho 41 cửa hàng trong vùng: Siêu thị Aldi ở Gotha, Rewe ở Weimar, Lidl và Norma ở Ohrdruf. Trong tháng 10, công ty bán xúc xích ở lễ hội bia tại München. Họ đều tự hào về danh tiếng xúc xích ở Thüringen, nhưng ngày càng ít người muốn tự mình tham gia sản xuất xúc xích.
Giờ đây, trong công ty của ông Lesser, người già dần dần về hưu, nhưng người trẻ lại không muốn vào làm. Độ tuổi trung bình trong xí nghiệp của ông giờ đây đã là 43 tuổi. Trước đây, mỗi năm có từ 5 tới 7 người xin vào học nghề, nhưng năm 2011 chỉ có ba người, sau đó cũng chẳng hơn gì. Ông Lesser phát tờ rơi, phát xúc xích miễn phí tại các hội chợ ngành nghề và nhà trường, nhưng cũng không thành công.
Ông Peter Lesser đấu tranh với từng bước sa sút về kinh tế. Vì chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng có người dắt gia súc vào lò mổ, chẳng có ai phụ trách việc phát hành và bán xúc xích nữa.
Nghề giết mổ gia súc và chế biến thịt là một trong những nghề không muốn phải học nhất của thanh niên Đức. Trên toàn liên bang, cứ ba chỗ dạy nghề này thì có một chỗ bị bỏ trống không có người học. Trong thời gian học, mỗi học viên được nhận từ 200 tới 900 Euro một tháng lương ròng. Lương khởi điểm sau khi học nghề xong vào khoảng 1.900 Euro chưa trừ thuế và bảo hiểm. Số tiền đó không nhiều đối với công việc thường xuyên phải chịu lạnh 12 độ để pha chế thịt và làm xúc xích.
Trong ba năm liền, số người xin học ít hơn chỗ dạy nghề. Năm 2013, Lesser bắt đầu tìm cách lấp chỗ trống bằng học sinh học nghề từ Việt Nam.
Các công trình nghiên cứu cho thấy, mỗi năm nước Đức cần tới khoảng 400.000 từ các nước không phải EU, để kinh tế Đức không bị suy giảm. Nhiều người Việt Nam đang được đưa sang Đức để học và làm nghề điều dưỡng bên cạnh những quốc gia khác.
Sau khi sang một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Rumani và Ba Lan để tìm kiếm học viên cũng không thành công, Lasser nghĩ tới Việt Nam, nghĩ tới những công nhân hiệp định đã làm việc ở CHDC Đức những năm 1970 và 80, trong đó có Schmalkalden. Ông nhớ tới những người công nhân Việt Nam chăm chỉ, chịu khó làm thêm bằng cách may quần bò để kiếm tiền. Ông tìm hiểu kinh nghiệm của những người quen biết từng làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam và thấy hài lòng, vì không thấy có vấn đề gì với tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề ăn uống. Ông đọc sách về Việt Nam và biết rằng Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, nhiều người phải đi tìm kiếm công ăn việc làm ở nước ngoài và ông quyết định tìm kiếm học sinh học nghề Việt Nam.
Lesser cho biết, thông qua quan hệ cá nhân, ông đã tìm được ba thanh niên trẻ sẵn sàng theo tiếng gọi của ông tới Schmalkalden vào tháng 7/2014. Tuy nhiên, việc môi giới ban đầu không phải không có vấn đề. Sau này ông mới biết là ba người này phải làm việc cuối tuần trong các cửa hàng ăn nhanh quanh Schmalkalden để trả nợ và ông phải can thiệp để chấm dứt việc đó. Giờ đây họ đã tốt nghiệp khóa dậy nghề và vào làm ở công ty của ông.
Hiện nay đã có thêm 14 học sinh học nghề Việt Nam, tức là đã có 17 người Việt Nam làm việc cho công ty của Lesser và ông còn muốn nhiều hơn nữa.
Năm 2016, Phòng Công Thương Suhl đã tham gia vào dự án của Lesser. Chính quyền bang hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện khung về tổ chức. Họ dự kiến mỗi năm có 40 học sinh học nghề từ Việt Nam tới Thüringen. Việc tìm kiếm học viên sẽ thông qua một công ty tư vấn doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội, nơi tìm kiếm là các trường đại học. Những ai đã tốt nghiệp trung học và có tiền mua vé máy bay là có thể đăng ký sang học. Điều kiện duy nhất là phải thi đỗ tiếng Đức có bằng trình độ B2 ở Học viện Goethe tại Hà Nội. Hiện nay đã có 52 thanh niên trẻ Việt Nam đang học nghề ở vùng này, học các nghề về thủy tinh, về nhà hàng khách sạn và chế tạo đồ kim khí.
Một hiệp định giữa Đức và Việt Nam bảo đảm cho các học sinh học nghề được quyền lưu trú. Trước mắt là ba năm học, sau đó có thể được gia hạn nếu tìm được việc làm.
Dự án này đã thành công. Tháng 8/2019 sẽ có thêm 40 học viên nữa sang tiếp. Phòng Thương mại Suhl cho biết, trong năm nay, nhu cầu xin học nhiều gấp đôi so với khả năng cung ứng chỗ học.
Không chỉ ông Peter Lesser phải đấu tranh với những lỗ hổng. Tại Thüringen tới năm 2030 sẽ thiếu khoảng 300.000 nhân lực chuyên môn. Ông Lesser cho biết có những xí nghiệp trong vùng sắp bị phá sản vì không tìm được người tiếp tục công việc. Thợ điện, thợ mộc, thợ bọc đệm… là những nghề bị coi là lỗi thời nên rất ít người theo học.
Lesser cho rằng việc thiếu thợ lành nghề là do chính sách giáo dục, quá khuyến khích việc học đại học thay vì học nghề. Hiện nay có khoảng 2,8 triệu sinh viên ở các trường đại học, nhiều gấp đôi học sinh học nghề.
Năm tới, Lesser sẽ có thêm bốn học sinh học nghề mới, tất cả đều từ Việt Nam.
Jens Ulrich, 53 tuổi, người trực tiếp dạy nghề pha thịt và làm xúc xích rất quan tâm tới các học sinh Việt Nam, tạo cho họ cảm giác như ở nhà để họ ở lại làm việc. Đại diện của Phòng Công Thương cũng nghĩ như vậy nên tuyển thêm một nữ nhân viên người Việt chuyên ngành sư phạm xã hội tham gia dự án Việt Nam. Cô giúp đỡ các học viên trong việc mở tài khoản ngân hàng và an ủi khi nhớ nhà. Những ai muốn tham gia Câu lạc bộ bóng bàn thì cô giúp đăng ký và tổ chức các chuyến đi dã ngoại.
Trong những năm qua, Peter Lesser nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại từ khắp nơi trên nước Đức. Nhiều xí nghiệp muốn tìm hiểu kinh nghiệm trong việc tìm kiếm nhân lực chuyên môn từ nước ngoài như thế nào. Tại bang Sachsen hiện nay cũng có hai dự án đưa người từ Việt Nam sang đào tạo nghề.
Nếu tổ chức tốt việc tuyển chọn và dạy tiếng Đức, hướng đưa thanh niên Việt Nam sang Đức học nghề và làm việc sẽ là một hướng đi lâu dài, có lợi cho cả Việt Nam và Đức.
Nguồn: Văn Long – Thoibao.de (Theo báo chí Đức)