Bà Nguyễn Thị Thu. Ba ngày sau khi ký lệnh dời lư hương tượng Trần Hưng Đạo, bà Thu chết.
SÀI GÒN, Việt Nam – Hôm 20 Tháng Hai, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn qua đời ở tuổi 53. Những văn bản được truyền thông đăng tải cho thấy bà Thu là người ký lệnh “tu sửa” khu tượng đài Trần Hưng Đạo, đưa tới việc dời lư hương đúng ngày tưởng niệm 40 năm quân Trung Quốc tấn công Việt Nam (1979-2019.)
“Chiều 20 Tháng Hai, sau thời gian bệnh nặng, phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội của thành phố qua đời. Thời gian qua, bà thường xuyên vắng mặt tại các cuộc họp của thành phố do phải đi điều trị bệnh ở nước ngoài.”
Trước đó, trong bài giải thích về việc dời lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo vào hôm 17 Tháng Hai, ấn bản Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính của báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay: “Vào Tháng Bảy, 2018, Ủy Ban Nhân Dân quận 1 có văn bản xin chủ trương sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng trên địa bàn quận 1. Sau khi có ý kiến tham mưu về chuyên môn, ngày 15 Tháng Giêng, 2019, Phó Chủ Tịch Nguyễn Thị Thu đã có văn bản giao quận 1 thực hiện việc tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng…”
Có lẽ vì chi tiết này mà cộng đồng mạng hôm 20 Tháng Hai xôn xao, bàn tán về cái chết của bà Thu, liên quan đến việc dời chiếc lư hương.Đền thờ Đức Thánh Trần ở Sài Gòn nay có đến hai chiếc lư hương.
Trong một diễn biến khác, báo Tuổi Trẻ cho biết: “Trưa 20 Tháng Hai, lễ an vị lư hương diễn ra tại đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại địa chỉ 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1. Trong khuôn viên đền thờ bây giờ có hai chiếc lư hương lớn, một chiếc đặt trước khu chánh điện và một chiếc đặt trước tượng đồng. Bà Trần Kim Yến, bí thư Quận Ủy quận 1, cho biết việc dời lư hương là bình thường, đưa việc thờ phụng về đúng vị trí. Theo bà, việc thờ phụng ở đình chùa, đền sẽ phù hợp hơn là diễn ra ở công viên.”
Cùng thời điểm, Luật Sư Lê Công Định đưa ra lời kêu gọi trên trang cá nhân: “Do tượng Đức Thánh Trần đã hiện hữu trước khi nhà cầm quyền này hiện diện trên mảnh đất Sài Gòn; và do thờ phụng là vấn đề hoàn toàn cá nhân theo Hiến pháp và luật pháp hiện hành, nên nếu muốn bày tỏ lòng tôn kính đối với ngài như thế nào, thì nhân dân có thể tự ý làm mà không cần đến sự chấp thuận hay cho phép của nhà cầm quyền.”
“Nếu nhà cầm quyền vẫn dứt khoát đánh cướp lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần, thì các tổ chức xã hội dân sự nên quyên tiền và tổ chức đúc một lư hương khác đặt tại chỗ cũ, để nhân dân có thể tự do thực hiện việc thờ phụng cá nhân theo cách riêng của mình. Nếu nhà cầm quyền muốn đánh cướp một lần nữa, cứ để họ cướp, chúng ta sẽ lại đúc một lư hương mới. Lư hương sẽ trở thành một biểu tượng mang tinh thần hòa bình,” ông Định viết. (T.K.)