Hông Kông chỉ có 7 triệu người mà 2 triệu người xuống đường biểu tình chống Trung Cộng và tay sai muốn ban hành luật dẫn độ nghi can sang Trung Cộng xét xử. Cuộc biểu tình lớn nhất của Hông Kông ấy, thành công nhất ấy của Hông Kông vừa rồi không có lãnh tụ.
Dân Hông Kông chỉ kết họp với nhau hàng 2 triệu người trên 7 triệu dân qua mẫu số chung, chính nghĩa chung là bảo vệ quyền độc lập, tự quyết của Hông Kong theo nguyên tắc một quốc gia hai chế độ là tinh thần hiến ước khi Anh trao trả Hông Kông cho Trung cộng.
Nên không có gì phải âu lo khi thấy hiện tượng người Việt tị nạn CS, người Mỹ gốc Việt, người Việt hải ngoại tuy ba nhưng bản chất vẫn là một. Hầu hết sống, làm việc, tranh đấu trong mẫu số chung, cho chính nghĩa chung, đó là chống cộng sản Việt Nam đang độc tài đảng tri toàn diện đối với quốc gia dân tộc Việt Nam.
Ở Little Saigon bên ngoài vẫn thấy có hai cơ chế cộng đồng. Danh xưng khác nhau, nhân sự khác nhau, trụ sở khác nhau. Nhưng phân tích kỹ bên trong, nội dung công tác chính trị, văn hoá, xã hội vẫn nằm trong mẫu số chung, là đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền VN, tức là chống CS và bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc VN. Nói một cách khác hiện tượng của cồng đồng thì khác nhưng bản chất là một trong bối cảnh xã hội Mỹ đa văn hoá, đa sắc tộc Mỹ, out of many, one.
Nhưng nói tới thì cũng phải nói lui khi nhìn tình hình người Mỹ gốc Việt qua bối cảnh Mỹ. Tấm gương Mỹ người ta tưởng như vỡ trong các mùa bầu cử tổng thống Mỹ. Tiêu biểu như năm 2004 hai Ông, hai phe Bush và Kerry không tiếc lời đao to buá lớn, bươi móc nhau nào COCC, lính kiểng, lính ma, mề đay thiệt mề đay giả, khai thật khai gian. Hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ o gà, thượng đội hạ đạp trên truyền thông đại chúng, trước đám đông binh chống. Còn tình hình hạ tầng cơ sở, thượng tầng kiến trúc xã hội Mỹ trên mọi phương diện, có vẽ còn chia manh mún hơn nữa. Văn hoá đa dạng. Dân tộc đa chủng. Tư tưởng đa nguyên. Chính trị đa đảng, nhiều phe lắm phái. Cộng Hòa, Dân Chủ chỉ là hai đảng lớn mà thôi. Lập trường cấp tiến, thủ cựu, trung dung; và mỗi thứ còn chia ra cực tả, cực hữu, trung tả, trung hữu nữa. Nhưng ai bảo là Mỹ không mạnh không đoàn kết, thống nhất, không Out of Many One.
Phải chăng vì người Mỹ gốc Việt chúng ta bất thần được đặt vào trong một môi trường mới là Mỹ, cái gì bề mặt cũng đa, mà ngưòi Việt mình thấy quá tự do nên muốn làm cái gì thì cứ làm, bất đồng ý kiến là tách ra thành lập tổ chức, cơ chế mới; luật pháp Mỹ, chính quyền Mỹ không can dự vào quyền lập hội, nên càng làm mạnh. Hay vì lịch sử Việt có 1.000 năm bị Bắc thuộc, 100 năm Tây thuộc, 30 năm đánh nhau từng ngày, nên người Việt chưa hưởng được một ngày thực sự tự do, dân chủ; nên làm sao có nhiều nhiều kinh nghiệm dân chủ được. Thời gian ở Mỹ lại mới ngoài 40 năm, quá trẻ đối với bề dày lịch sử 230 mấy năm dân chủ Mỹ, chưa có thì giờ nhai nuốt, chớ đừng nói thưởng thức.
Hay, sau cùng, phải chăng vì CSVN xâm nhập lũng đoạn hàng ngũ người Việt tị nạn CS. Đó là yếu tố không ít đối thủ thường dùng để chụp cái mũ tay bèo, cái nón cối, đôi dép râu vào nhau dù bây giờ chính CS cũng không còn dùng mấy thứ đó nữa. Con ngáo ộp CS bây giờ đã lỗi thời nhưng không ít người đem nó ra nhác nhau. Nhác bằng cái bóng của nó trong những ngày ở tù cải tạo quân dân cán chính VN Cộng Hòa với nhau. Có người xem đó là bằng đại học, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ lấy làm “credits”, với câu hỏi qua Mỹ HO, ODP, hay vượt biên. Nhưng cũng có người lấy đó làm ám khí hạ đối thủ bằng tiền tích rất khó xác minh, rằng “thằng X, Y, Z đó” đã chạy chọt làm nhà bếp, làm trật tự, làm ăn ten cho CS, vv. Dù đại đa số anh chị em quân dân cán chính đi tù cải tạo giữ khí tiết và liêm sĩ. Hàng mấy trăm ngàn người tù cải tạo mới có một Bùi đình Thi. Trong cái đói rả ruột, ai cũng muốn kiếm một cái gì bỏ vô họng để sống, là chuyện rất người. Trong cái thất thế, thất thời uốn mình qua ngõ hẹp để khỏi bị hủ lô đè nhẹp không phải là chuyện bán linh hồn cho Quỉ Đỏ.
Nhưng không sao. Coi vậy cộng đồng và tập thể người Viêt Hải ngoại có bất hòa nhưng không bất đồng. Suốt 44 năm di tản, tù đày, lưu vong, sướng khổ, vui buồn, vinh nhục không thiếu, tinh thần đấu tranh cho tự do, dân chủ VN, tiếp nối cuộc Chiến Tranh VN mới thua một trận 30 tháng 4, 1975, vẫn còn. Thua một trận không có nghĩa thua một cuộc chiến tranh. Truyền thống, lễ hội dân tộc và gia đình VN – vẫn còn. Vẫn còn là mẫu số chung của tập thể người Việt ở Mỹ, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, giới tính, tầng lớp, nguồn gốc xã hội. Trong cái bời rời của tổ chức, chia rẽ của cơ chế vẫn còn tinh thần và lý tưởng chung. Đó là tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Chiến thuật-- phương cách đấu tranh cho niềm tin và khát vọng đó, cho chính nghĩa đó -- có khác, thường khi khác nhau. Khác là phải vì tình hình mới chiến thuật phải mới. Nhưng chiến lược, mục tiêu tối hậu của cuộc đấu tranh vẫn là một.
Thế cho nên đoàn kết theo kiểu cơ học chưa được thì đi riêng mà làm chung vẫn hơn là đợi chờ, bất động, hay ngồi không chê người khác đấu tranh chống Cộng. Thống nhất hàng dọc chưa thành thì liên kết hàng ngang, thành liên minh, phong trào, công tác món cùng nhau vẫn được. Vấn đề chính là biết tôn trọng cái khác nhau trong niềm tương kính, không làm chung nhau được thì đừng phá nhau là xong ngay. Người Mỹ, ứng cử viên đối lập cãi nhau như mổ bò, nhưng khi biết người kia đắc cử, vẫn gọi điện thoại chúc mừng và hứa cùng nhau lo chuyện nước, việc dân. Đối lập, cầm quyền tranh luận nhau rung môi, nhưng khi biểu quyết xong là xem như quyết định chung, cùng nhau tôn trọng. Chính trị Mỹ hai đảng, chính quyền Mỹ phân quyền tam lập, xã hội Mỹ đa dạng, nhưng trên mặt trận ngoại giao và quân sự Mỹ thường là một, Mỹ vẫn là đệ nhất siêu cường. Phương châm Out of many, one của Mỹ là vấn đề cần học hỏi.
Vi Anh