Hai mươi hai năm trước, cũng vào mùa xuân, tôi có mặt ở Phnompenh, cũng là lúc ông Thái thượng hoàng Norodom Sihanuck chuẩn bị về Cambodia để xây dựng một xã hội hòa hợp hòa giải dân tộc dưới một chính quyền đa nguyên quân chủ lập hiến. Lúc ấy, lưu lại 9 tháng làm ăn sinh sống, đất nước Cambodia vừa trải qua một thời kỳ kinh hoàng diệt chủng của đảng cộng sản Khmer đỏ do Polpot cầm đầu. Con người hỗn loạn, xã hội còn mất an ninh, đêm đi đường không biết có toàn tính mạng dù giữa thủ đô của một nước. Cơ sở hạ tầng đổ nát, đường xá đầy hố bom. Các đảng phái tranh nhau mọc như nấm sau mưa. Ai cũng lo sợ một cuộc thanh trừng và có thể nội chiến giữa các đảng phái và phe nhóm, mà đặc biệt đứng đầu giữa 2 phe của chính quyền ông Hunxen và nhóm theo quốc vương sẽ trở về từ Trung Hoa lục địa sau 23 năm lưu vong. Mặc dù cuộc sống người dân Cambodia lúc này vẫn chảy đều, nhưng cũng lắm tiêu cực. Muốn có chứng minh nhân dân Cambodia lúc đó chỉ cần tốn 1000 Ria tương đương 4000 tiền Việt. Muốn có hộ khẩu chỉ cần tốn 5000 Ria tương đương 20.000 tiền Việt là có ngay trong ngày. Cái chết có thể đến ngay trong ban ngày giữa chợ bằng súng mà chính mắt tôi nhìn thấy. Tất cả trong một mối bòng bong sau một thảm họa.
Bây giờ, trở lại cũng là lúc ông Thái thượng hoàng vừa băng hà và vừa mới hỏa táng. Hoàng cung không được phép tham quan trọn vẹn. Mọi du khách chỉ được tham quan khu vực chùa Ngọc Bích - còn gọi là chùa Vàng Bạc - đường phố giăng đầy hình ảnh ông bọc dải tang đen. Nhưng, an ninh đã tốt hơn nhiều, đi ngày không phải lo lắng, đi đêm cũng rất an toàn, nhưng thủ đô Phnompenh đúng nghĩa là một thủ đô hành chánh khi đêm về chỉ khoảng 23h là hầu như đã vào giấc ngủ. Còn đối với thành phố Siêm Riệp đúng nghĩa là một thành phố du lịch và thương mại đầu tàu kinh tế quốc gia, nửa đêm vẫn còn khách vãng lai và sinh hoạt thương mại vẫn diễn ra.
Dù thế, đời sống một góc khuất vẫn hiện ra, tuy không nhiều như ở ta, nhưng đáng để quan tâm. Đó là hình ảnh của những người dân nghèo Khmer, và đặc biệt là dân nghèo Việt Nam. Các khu du lịch trên đất Khmer suốt 3 ngày tôi chỉ gặp đúng một gia đình với bà mẹ và 3 đứa con Khmer xin tiền. Không dày đặt như ở ta, những người ăn xin rất dễ thương trong cách xin và cách nhận với một cái lạy cúi rạp người và lời cảm ơn lơ ló tiếng Việt của người Khmer đói khổ.
Song, khi đến tham quan làng người Việt nghèo trên biển Hồ thì một hình ảnh rất xấu diễn ra ở đây mà chúng tôi nói với nhau là, "thương hiệu cái bang Việt" đi đâu cũng thấy mà phát buồn. Chúng tôi được hướng dẫn viên giới thiệu, có một làng người Việt nghèo truyền kiếp từ thời trước 1975 vẫn cứ tồn tại trên những căn nhà nổi và trên những chiếc ghe vừa làm nhà, vừa làm phương tiện đánh cá trên biển Hồ Tonle Sap. Vài năm gần đây báo chí trong nước cũng ca ngợi ngôi trường dạy trẻ em nghèo trên biển Hồ này rất nhiều. Họ đáng thương, nên du khách cần tham quan, để có dịp kêu gọi giúp đỡ họ. Mỗi vé tham quan là 20 đô la Mỹ. Đã đi thì không thể bỏ, mà đặc biệt là người đồng bào mình làm sao bỏ được? Chúng tôi náo nức muốn làm cái gì đó cho đồng bào mình xa xứ nghèo khổ.
Một cháu trai xin tiền rất thông minh theo cách này, dù hơi ác cảm. Tốn 1000 Ria để chụp được hình cháu hoặc với con trăn.
Giữa trưa dưới cái nắng gắt 39 độ C, chúng tôi vẫn tranh thủ đi cho kịp lịch trình còn tham quan Naga World - một sòng bài lớn ở Phnompenh mà nhiều đại gia đình đám Việt đã phải tự tử vì nó - vào buổi chiều. Tâm trạng khi đi cứ nghĩ sẽ hết lòng với làng nghèo này. Nhưng trước khi đến trường trẻ em nghèo người Việt được UNESCO tài trợ từ hơn 5 năm qua, chúng tôi được uống nước dừa và ăn tép rang, thì đập vào mắt mình là một cháu xin ăn người Việt ôm trong lòng một con trăn lớn. Hình ảnh cháu không làm ai nghĩ cháu đi xin ăn, cứ nghĩ cháu là con chủ nhà hàng nổi trên biển Hồ. Nhưng lúc đang ăn uống thì cháu xuất hiện sau lưng mình với lời xin ăn, mọi người từ thương hại đến lo sợ con trăn mà cháu mang theo. Ác cảm từ lo lắng trở nên phòng thủ với "thương hiệu cái bang Việt".
Các cháu học sinh nghèo ở trường dạy tiếng Việt không tốn tiền của ông thầy Tư thành lập, bây giờ được một phần tài trợ của UNESCO?
Chúng tôi được đưa đến ngôi trường dạy tiếng Việt cho trẻ em nghèo trên biển Hồ. Cứ nghĩ sẽ đến để tìm hiểu, nhưng đến chưa đầy 5 phút là phải bỏ chạy lấy thân. Sự xuất hiện tàu du lịch của chúng tôi chưa đầy 1 phút thì hàng đàn ghe xuồng, thậm chí cả trẻ con bơi bằng chiếc thau giặt đồ vây quanh thuyền du lịch đông như kiến. Âm thanh kêu réo xin tiền, níu kéo khách du lịch như ong vỡ tổ. Một số người cử đại diện vào trường trao quà vì thấy trường chật hẹp. Một số ở lại trên thuyền bị bao vây sợ quá cũng nhảy theo lên trường để bớt bị níu kéo xin ăn. Tất cả diễn ra một hình ảnh không phải người đi tặng quà và kẻ nhận quà, mà là một sự hỗn độn đến mức khó tả. Cuối cùng có bao nhiêu quà và tiền lẻ chúng tôi vứt hết cho người Việt xin ăn và đại diện trường để thoát thân.
Trong khi đoàn du lịch thăm trường thì hàng đoàn thuyền người Việt bám thuyền du lịch để xin ăn.
Trên đường về, tôi suy nghĩ mãi, những người mà được các hướng dẫn viên du lịch mô tả rất đáng thương này có được để đáng thương không? Hơn 5 năm qua UNESCO tài trợ trường lớp, nhà thờ, khách du lịch và các đoàn ủng hộ, cộng thêm vào việc làm ăn sinh sống ở trên biển Hồ của họ thì họ có đáng để được gọi là nghèo theo kiểu này không? Hay là các công ty du lịch lợi dụng họ để khai thác kiếm tiền? Và họ thì lợi dụng du lịch để chỉ biết xin ăn mà không cần phải làm lụng vất vả? Tất cả đều có thể xảy ra trong bối cảnh người Việt hiện nay ở đâu cũng thấy.
Có một điều mà ai cũng tự hỏi, tại sao họ không về Việt nam sinh sống mà phải sống vất vưởn kiểu này? Vì họ không muốn về vì nhiều lý do, hay họ về mà không được tiếp nhận? Hay vì sống như thế này sướng hơn? Nhưng các câu hỏi không lấn át được một nỗi đau - nỗi đau của nước Việt ở thời đại "quanh vinh" - mà để dân mình bôi nhọ hình ảnh dân tộc mình ở xứ người thì không thể lãng quên.
Có thể cảm giác này của tôi và đoàn du lịch của chúng tôi đã từng diễn ra với nhiều đoàn đi trước, nhưng họ ngại sẽ phải viết ra. Nhưng không viết ra thì có tội với tổ tiên và đồng bào mình. Có thể có bạn cho rằng tôi ác độc khi viết ra. Nhưng họ, những "người nghèo Việt trên biển Hồ" cần một chính sách của nhà nước ta và nhà nước Cambodia liên kết nhau, bằng cách nào đó, để cho họ cái cần câu để kiếm cơm, chứ không thể để tồn tại mãi cách họ nhận cá cơm như thế này.
BS. Hồ Hải