Thủ
tướng David Cameron thăm viếng Đền Vàng của người đạo Sikh ở Amritsar ngày
20-2-2013. Ảnh PTI.
David Cameron là một vị thủ tướng không ngại ngùng đại diện cho nước
Anh bày tỏ lời xin lỗi liên quan đến những biến cố chính trị và lịch sử của quá
khứ mà cá nhân ông không trực tiếp chịu trách nhiệm.
Hôm Thứ Tư 20 tháng Hai năm 2013, trong chuyến công du nhằm mục đích
thương mại và đầu tư, David Cameron trở thành vị thủ tướng tại chức đầu tiên của
Anh quốc chính thức bày tỏ sự hối tiếc về một trong các vụ quân đội Anh bắn giết
đẫm máu nhất ở thuộc địa Ấn Độ, một cuộc thảm sát thường dân không vũ trang ở
thành phố Amritsar xảy ra năm 1919.
Vụ tàn sát tập thể này được người Ấn Độ gọi là vụ thảm sát
Jallianwala Bagh đã được Mahatma Gandhi, cha đẻ của phong trào độc lập Ấn Độ, mô
tả trước dư luận thế giới và đã rung chuyển nền tảng của Đế quốc Anh. Không cảnh
báo trước, một nhóm binh lính Anh đã lạnh lùng nổ súng vào một đám đông không vũ
trang ở thành phố phía bắc Ấn Độ sau một thời gian bất ổn, khiến hàng mấy trăm
người thiệt mạng.
Tuy không chính thức, sự bày tỏ hối tiếc này được ngầm hiểu như là
một lời xin lỗi cho những gì mà binh sĩ đế quốc Anh đã gây ra. Một cách rõ ràng,
ông Cameron đã xem sự kiện đó như là một vết nhơ của nước Anh trong quá
khứ.
Mặc một bộ âu phục sậm màu, Cameron đã đặt vòng hoa tại đài tưởng
niệm bằng đá có màu đất nung. Sau đó ông đứng cúi đầu mặc niệm trước của tượng
đài trong im lặng một vài phút.
Vị thủ tướng viết vào quyển tập lưu niệm dành cho khách viếng thăm
đài tưởng niệm như sau: "Đây là một sự kiện vô cùng đáng xấu hổ trong lịch sử
nước Anh, một sự kiện mà nhà lãnh đạo Winston Churchill từng gọi là 'quái dị'
vào thời điểm của ông”.
Báo cáo của Anh về vụ thảm sát Amritsar vào thời điểm đó cho biết 379
người đã bị giết và 1.200 người bị thương. Tuy nhiên, một cuộc điều tra riêng do
Phong trào Độc lập Ấn Độ ủy nhiệm cho thấy có khoảng 1.000 người đã bị giết chết
tại thành phố thuộc tỉnh bang Punjab.
Chuẩn Tướng Reginald Dyer, người đã ra lệnh nổ súng, giải thích quyết
định táo bạo của mình rằng ông cảm thấy cần thiết để "dạy cho Punjab một bài học
đạo đức".
Một số người ở Anh ca ngợi ông "là người đàn ông đã cứu Ấn Độ", nhưng
những người khác thì lên án ông. Ấn Độ giành được độc lập vào năm
1947.
Nhiều sử gia quan niệm vụ thảm sát này là một bước ngoặt làm suy yếu
nền cai trị của Anh ở Ấn Độ. Họ nói đó là một trong những nguyên nhân chính yếu
khiến cho nhà tranh đấu Gandhi và phong trào ủng hộ độc lập Quốc đại Ấn Độ mất
lòng tin vào người Anh, tạo cho họ cảm hứng để tham gia vào một con đường bất
tuân dân sự.
Trước đây cũng đã có một số chính trị gia và viên chức chính phủ của
Anh cũng đã bày tỏ sự hối tiếc về vụ thảm sát này.
Năm 1920, Winston Churchill, bấy giờ là bộ trưởng chiến tranh, gọi
cuộc thảm sát Amritsar là "một biến cố quái dị" và nói rằng “đó không phải là
cách hành xử của người Anh".
Trong một chuyến thăm Amritsar năm 1997, Nữ hoàng Elizabeth gọi nó là
một giai đoạn đau khổ, nhưng lịch sử không thể được viết lại. Tuy nhiên, Hoàng
tế Philip, chồng bà, vốn là người hay phát ngôn theo ngẫu hứng, đã gây bất bình
khi ông đặt nghi vấn về số người chết cao hơn do phía Ấn Độ đưa ra.
Trước khi trở thành thủ tướng, ông Tony Blair cũng đã đến thăm nơi
này và nói đài tưởng niệm ở Amritsar là một lời nhắc nhở “khía cạnh tồi tệ nhất
của chủ nghĩa thực dân".
Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Anh đã bắt đầu quay nhìn
lại lịch sử và thẳng thắn lên tiếng xin lỗi về một số hành động thái quá của đế
quốc Anh.
Viếng thăm Pakistan năm 2011, thủ tướng Cameron đã khiến cho giới
truyền thống Anh tức giận khi ông nói rằng Anh quốc là nước đã gây ra nhiều vấn
đề lộn xộn trên thế giới, trong đó có cuộc xung đột Kashmir giữa Ấn Độ và
Pakistan.
Khi tại chức, Blair xin lỗi về nạn đói kém do mất mùa khoai tây ở Ái
Nhĩ Lan vào thế kỷ 19 Irish và về sự nhúng tay của Anh quốc trong tệ nạn buôn
bán nô lệ.
Thủ tướng Gordon Brown, người kế nhiệm ông, xin lỗi về việc trẻ em
Anh đã bị lùa xuống tàu đưa qua Úc và các nước khác trong Khối Thịnh Vượng Chung
trong khoảng thời gian giữa những năm 1920 và 1960.
Lịch sử thuộc địa của Ấn Độ vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm đối với
nhiều người Ấn Độ, nhất là đối với những người có tinh thần quốc gia, muốn nước
Anh nhìn nhận và xin lỗi cho các việc làm thái quá của họ.
Sự hối tiếc của ông Cameron vẫn chưa phải là một sự xin lỗi đúng nghi
thức ở tầm vóc quốc gia.
Sunil Kapoor, 36 tuổi, cháu chắt của một nạn nhân đã bị giết trong vụ
thảm sát, cho biết tuy ông lấy làm hài lòng Cameron đã đến, nhưng cũng nói thêm
rằng một lời xin lỗi chính thức của chính phủ Anh sẽ đáng được hoan nghênh hơn:
"Chúng tôi đã chờ công lý từ chính phủ Anh trong suốt 94 năm qua. Nếu họ nghĩ
rằng đó là điều đáng xấu hổ thì đáng lẽ họ phải chính thức xin lỗi." Kapoor cho
biết ông thất vọng Cameron đã không tiếp một số hậu duệ của những nạn nhân của
cuộc thảm sát khi họ muốn đến nói chuyện với ông.
Ông Cameron khôn khéo một mặt muốn xoa dịu nỗi hờn đau của người dân
Ấn Độ nhưng mặt khác ông không muốn chính thức bảo rằng dân tộc Anh đã phạm một
tội ác xấu xa. Ông bèn mượn lời vị lãnh đạo nổi tiếng nhất nước Anh là Winston
Churchill nói rằng cuộc thảm sát đáng tiếc đó là do quyết định của chuẩn tướng
Reginald Dyer, một cá nhân, chứ không phải đó là lối hành xử chung của dân tộc
Anh.
Sau đây là một số lần xin lỗi khác của thủ tướng Cameron:
Xin lỗi về Ngày Chủ Nhật Đẫm Máu
Vài năm trước đây vào ngày 15 tháng Sáu, 2010, thủ tướng David
Cameron đã chính thức đưa ra một lời xin lỗi trước Quốc Hội về vụ được báo chí
gọi là Ngày Chủ Nhật Đẫm Máu (Bloody Sunday) khi lực lượng an ninh Anh đã nổ
súng vào đám người biểu tình không vũ trang ở Bắc Ái Nhĩ Lan năm 1972 ở Ulster,
Bắc Ireland khiến cho 14 người thiệt mạng.
Như chúng ta biết, tỉnh Ulster, một vùng đất đai nằm về phía đông bắc
với diện tích 5.459 dặm vuông (14.139 km²) bằng 1/6 diện tích của toàn đảo Ái
Nhĩ Lan thuộc về Vương quốc Liên hiệp Anh trong khi 5/6 lãnh thổ kia thuộc nước
Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan. Vùng thuộc Vương Quốc Anh tuy nhỏ về diện tích nhưng rất
đông dân cư, chiếm 1/3 dân số của toàn đảo. Có thể gọi đây là vùng trái độn hay
vùng xôi đậu do tình trạng dân cư thuộc Công giáo và Tin lành giáo sống lẫn lộn
và thường xảy ra xung đột.
Chiều ngày Chủ Nhật 30 tháng một năm 1972, hàng ngàn người Công giáo
tập trung tại thành phố Londonderry để phản đối chính quyền Luân Đôn giam giữ
không xét xử những người bị tình nghi là chiến binh IRA. Cuộc biểu tình ôn hòa
nhưng không có giấy phép đó chẳng bao lâu sau xoắn thành bạo lực khi toán binh
sĩ nhảy dù Anh đến nơi trong khu vực Bogside của Derry, Bắc Ái Nhĩ Lan. Xung đột
xảy ra, toán binh sĩ Anh nổ súng, 26 thường dân biểu tình không vũ trang và
người qua đường bị trúng đạn. 13 đàn ông, trong đó có 7 thanh thiếu niên, đã
chết ngay lập tức và một người khác qua đời sau đó.
Xin lỗi về thảm họa Hillsborough
Ngày 12 tháng Chín 2012, thủ tướng David Cameron đã đưa ra một lời
xin lỗi quốc gia về thảm họa Hillsborough căn cứ trên kết quả trong biên bản của
Ủy ban Điều tra Độc lập Hillsborough. Sau khi xem bản phúc trình, ông Cameron
đưa ra một lời tuyên bố tại Quốc hội. Ông đã nói về những phát hiện mới của cuộc
điều tra, bao gồm việc cảnh sát South Yorkshire mưu toan che giấu sự thật. 116
bản báo cáo đã bị cảnh sát sửa đổi và 164 báo cáo khác đã bị xóa. Thủ tục đo
nồng độ cồn cho các nạn nhân không được thi hành đúng và việc di tản người bị
thương chậm trễ.
Ông nói: "Bằng chứng mới tôi có được hôm nay làm rõ quan điểm của tôi
rằng những gia đình nạn nhân đã phải chịu đựng một sự bất công, bất công của sự
kiện kinh hoàng này, sự thất bại của nhà nước không bảo vệ được những người thân
yêu của họ, và sau cùng là sự bất công vì những người đã khuất đã bị phỉ báng -
rằng chính họ cũng có lỗi một phần nào cho cái chết của họ. Vì vậy, thay mặt cho
chính phủ, và thực sự đất nước của chúng ta, tôi sâu sắc xin lỗi rằng điều bất
công này đã không được sửa chữa sớm hơn."
Thảm họa Hillsborough là một cuộc chen lấn dẫn đến chết người xảy ra
vào ngày 15 tháng 4, 1989, tại sân đá banh Hillsborough, là sân nhà của đội
tuyển Sheffield Wednesday ở Sheffield, Anh quốc, dẫn đến cái chết của 96 người
(tất cả đều là người hâm mộ của Liverpool FC).
Đó là trận bán kết cúp FA giữa Liverpool FC và Nottingham Forest FC.
Trận đấu đã bị ngưng lại chỉ sáu phút sau khi bắt đầu hiệp một do góc khán đài ở
phía đường Leppings bị đổ.
Kết quả cuộc điều tra thảm họa này quy nguyên nhân là do nhân viên an
ninh trật tự đã thất bại trong việc điều hành sắp xếp chỗ ngồi tại sân vận động
và đã tháo bỏ những rào chắn ở hàng ghế đầu.
Xin lỗi về vụ luật sư Pat Finucane bị bắn chết
Ngày 12 tháng Mười Hai năm 2012, thủ tướng David Cameron nói rằng ông
"vô cùng xin lỗi" về sự thông đồng liên can của nhà chức trách Anh quốc trong vụ
luật sư Ái Nhĩ Lan Pat Finucane bị bắn chết ở Belfast vào năm 1989.
Pat Finucane là một luật sư Belfast từng mạnh dạn tranh đấu cho nhân
quyền và độc lập Bắc Ái Nhĩ Lan. Ông bị giết bởi lực lượng bán quân sự trung
thành với vương quốc Anh (Ulster loyalists). Vụ ám sát ông là một trong những
tranh cãi có tính cách chính trị sôi nổi nhất.
Finucane trở nên rất nổi tiếng do ông đã thành công thách thức chính
phủ Anh trong một số trường hợp nhân quyền quan trọng trong những năm của thập
niên 1980.
Ông bị bắn 14 phát súng tất cả trong khi ông đang ngồi dùng bữa ăn
gia đình tại nhà riêng ở Belfast cùng với vợ và 3 đứa con. Vợ ông cũng bị thương
trong vụ ám sát này.
Hai cuộc điều tra công khai kết luận rằng có chứng cớ cho thấy lực
lượng an ninh Anh thông đồng trong vụ giết chết Finucane.
Phan Hạnh