VRNs (16.04.2013) – Sài Gòn – Hiến pháp VN 1992, điều 69 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên chưa bao giờ những quy định đó được tôn trọng. Việc xâm phạm quyền tự do ngôn luận tại VN được biểu thị qua hai sắc thái chính: 1) nhà nước độc quyền thông tin và 2) đàn áp những người dám bày tỏ quan điểm chính kiến khác với đường lối của ĐCSVN hoặc lên tiếng bênh vực cho những nạn nhân của cường quyền.
1. Ngôn Luận Là Độc Quyền Của Nhà Nước CSVN
Tại VN mọi phương tiện truyền thông như báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình, thông tấn xã tất cả là của nhà nước. Chỉ thị số 37CP ngày 29-11-2006 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.” vẫn còn hiệu lực trong năm 2012. Ngày 12-6-2012, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Sơn, trong cuộc ‘đối thoại trực tuyến với nhân dân’, khẳng định rằng, “đến giờ phút này, không có báo tư nhân trong xã hội ta.”[1] Tiếp nối Nghị định số 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành vào năm 2011,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với công văn số 7169/VPCP-NC ngày 12 tháng 9 năm 2012, chỉ thị cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng điều tra và xử lý những trang mạng đã đăng tải những tin tức được coi là “bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước.”
Trong những năm gần đây, trước những chỉ trích dồn dập từ các chính phủ và các tổ chức nhân quyền trên thế giới về tình trạng thiếu tự do thông tin, nhà nước VN thường trích dẫn những con số về khối lượng các cơ sở truyền thông để biện minh rằng VN có tự do ngôn luận.[2] Tuy nhiên, thực ra tất cả các cơ quan truyền thông đó đều được đặt dưới sự điều hành của các viên chức nhà nước và phải phản ánh chính sách của ĐCSVN. Việc cải tổ luật pháp nhằm củng cố độc quyền ngôn luận cũng như việc gia tăng số lượng bộ máy tuyên truyền của ĐCSVN cho thấy rõ không có một bước tương nhượng nào đối với quyền tự do phát biểu của người dân.
Cũng như một số quốc gia đang phát triển, VN đang chứng kiến sự bùng nổ các phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại di động và Internet.[3] Việc gia tăng sử dụng Internet nầy đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành những trang mạng cá nhân (blogs) độc lập. Tuy nhiên chính quyền chỉ để cho các trang mạng nầy tồn tại khi các bloggers không đề cập đến những vấn đề mà chính quyền cho là nhạy cảm, như Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và lãnh hải VN, khai thác bô-xít tại Cao Nguyên Trung Phần VN, Trung Quốc giết hại các ngư dân Việt trên Biển Đông, và nhất là sự độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN. Các trang mạng không đi đúng đường lối của ĐCSVN cuối cùng rồi cũng bị đánh sập bởi công an mạng hoặc ngăn chặn bởi tường lửa.
Báo cáo “Tự do trên Mạng Năm 2012”, của tổ chức Freedom House đã liệt kê VN vào hạng các quốc gia bóp nghẹt tự do Internet tồi tệ nhất, chỉ đứng sau Syria, Trung Quốc, Cuba, Miến Điện, Ethiopia, Uzbekistanvà Iran.[4] Bản Chỉ số tự do báo chí 2011-2012 của hội Nhà Báo Không Biên Giới xếp VN vào hàng 172 trên 179 quốc gia, [5] và liệt kê VN vào danh sách mười hai kẻ thù của Internet trong năm 2012.[6]
Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức Nhà Báo Không Biên Giới cho biết: “VN hiện là nước thứ hai trên thế giới có số cư dân mạng bị cầm tù nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc. Đối chiếu trên tỷ lệ dân số, thì VN là nhà tù lớn nhất thế giới đối với cư dân mạng. Năm trước, VN giữ vị trí hàng thứ ba trong danh sách các nước giam cầm nhiều công dân mạng nhất trên thế giới, sau Trung Quốc và Iran, nhưng đã vọt lên hàng thứ hai trong năm vừa qua. Tại VN hiện có 34 cư dân mạng bị cầm tù và ít nhất 12 blogger hay công dân mạng đã bị tuyên phạt với các bản án lên tới mức cao nhất 13 năm tù trong khi số ký giả hay cư dân mạng bị giam cầm trong năm trước là khoảng 19 người. Điều này chứng tỏ sự đàn áp của ĐCSVN đối với quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của công dân ngày một gia tăng.” [7]
Đối với lượng thông tin từ ngoài nước, chính quyền VN tiếp tục ngăn cản không cho người dân có thể tiếp cận với các nguồn thông tin độc lập và khách quan bằng kỹ thuật phá sóng các đài truyền thanh Việt ngữ từ ngoài nước, dựng tường lửa ngăn cản việc truy cập các trang mạng “phản động.” Trong lúc đó hầu hết các trang blogcủa những người có tư tưởng tiến bộ trong nước đều bị nhà chức trách đặt ‘tường lửa’ khiến người đọc rất khó truy cập. Trong số đó có những trang được người đọc ưa thích như: Bauxite Việt Nam, Dân Làm báo, Quan Làm Báo, Anh Ba Sàm, Nguyễn Xuân Diện, Người Buôn Gió.v.v… Ngoài việc ngăn chặn các trang mạng bị cho là nguy hiểm, chính quyền còn tổ chức một lực lượng công an mạng nhằm phản công điều mà nhà nước cho là “các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.” Báo Lao Ðộng ngày 9-1-2013 thuật lời ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nói rằng “đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng.” [8]
2. Đàn Áp Những Người Dám Bày Tỏ Quan Điểm Chính Kiến Khác Với Đường Lối Của ĐCSVN
Các nhà báo thường xuyên được nhắc nhở “phải giữ lề phải”, tức là phải theo đúng lề lối thông tin một chiều, bóp méo sự thật do nhà nước cung cấp. Đã có nhiều nhà báo bất tuân bị bắt giữ, sa thải khỏi sở làm hoặc cầm tù vì đã phát biểu lập trường khác với quan điểm của nhà nước cộng sản từ những vấn đề lớn liên hệ đến đường lối chính sách của đảng đến những chuyện làm ăn bê bối của các quan chức các cấp. Vụ nhà báo Nguyễn Đắc Kiên của báo Gia đình & Xã hội vừa bị sa thải sau khi chỉ trích Tổng Bí thư ĐCSVN trên trang blog cá nhân của ông là một trường hợp điển hình.[9] Chưa kể đến trường hợp của các bloggers độc lập, ngay cả những nhà báo của nhà nước cũng thường xuyên bị hành hung khi điều tra những tệ trạng xã hội và những hành vi lạm quyền của viên chức chính quyền.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật VN phối hợp với Đại sứ quán Anh trong thời gian từ ngày 1-7 đến ngày 15-8-2011 thì có đến 87,9% phóng viên báo chí bị cản trở tác nghiệp bằng nhiều hình thức từ việc tạo khó dễ đến hành hung gây thương tích.[10]Và theo nhận xét của Trung tâm Nghiên cứu này thì việc các nhà báo bị hành hung càng ngày càng phổ biến và trầm trong hơn. Điển hình trong năm 2012 là:
§ Vụ phóng viên tờ Tuổi Trẻ, Hoàng Khương bị bắt giam vì “điều tra, làm rõ hành vi đưa hối lộ” ngày 2-1-2012.
§ Vụ nhà báo Phạm Phước Vinh (Báo Nhà báo & Công luận) phải nhập viện vì bị Công an xã Phước Kiển (H.Nhà Bè, TP.HCM) đánh “hội đồng” ngày 5-2-2012.
§ Vụ công an quận Mỹ Đình, Hà Nội hành hung ký giả của báo Giáo Dục ViệtNam ngày 7-4-2012.
§ Vụ phóng viên Báo Dân Việt bị công an mặc thường phục hành hung khi chụp ảnh xe của Công an Cần Thơ gây tai nạn giao thông ngày 24-11-2012.
§ Và được nhiều người biết đến là vụ hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long của Trung tâm Tin thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã bị công an và công an chìm đánh đập dã man trong lúc đưa tin về vụ cưỡng chế tại xã Xuân Quan, Văn Giang vào ngày 24-4-2012.
Đối với những nhà báo độc lập, những bloggers có quan điểm chính trị khác với đường lối của ĐCSVN thì việc đàn áp càng mãnh liệt và triệt để hơn, tiêu biểu là:
§ Kỹ sư Ðỗ Nam Hải, một cây bút đấu tranh dân chủ ở Sài Gòn bị công an xông vào nhà hành hung ngày 15-2-2012;
§ TS Nguyễn Xuân Diện và blogger Nguyễn Tường Thuỵ đã bị công an thành phố Hà Nội bắt ngày 7-3-2012;
§ Một số bloggers gồm Nguyễn Hoàng Vi, bà Dương Thị Tân, Bùi Thị Minh Hằng, Lee Nguyễn và Quyết từng tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền ở Sài Gòn đã bị một nhóm côn đồ, được mô tả là “an ninh” giả dạng, hành hung ngày 3-7-2012;
§ Blogger Huỳnh Thục Vy bị công an tỉnh QuảngNam bắt cóc tại Sài Gòn áp giải về lại QuảngNam ngày 4-7-2012;
§ Nhà báo tự do JB Nguyễn Hữu Vinh đã bị một đám côn đồ xông vào hành hung ngay tại nhà riêng ở Hà Nội ngày 8-7-2012;
§ Luật sư Lê Quốc Quân bị ba người đàn ông chận đánh trong một vụ tấn công mà ông cho là có tổ chức tại Hà Nội ngày 19-8-2012;
§ Blogger Nguyễn Hoàng Vi bị an ninh bắt, đánh đập và lột quần áo, khám xét thân thể rất thô bạo khi định đến dự phiên xử phúc thẩm ba thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do ngày 28-12-2012;
§ Blogger Người Buôn Gió và hai người bạn là Nguyễn Lân Thắng và Trương Văn Dũng bị công an Nghệ An bắt cóc mất tích từ 8-1-2013 đến 10-1-2013 khi chuẩn bị đến theo dõi phiên tòa ‘công khai’ xử 14 người yêu nước tại Thành phố Vinh.
Để bóp nghẹt tiếng nói khác với quan điểm của ĐCSVN, nhà cầm quyền VN ngoài việc dùng côn đồ du đãng hành hung những người bất đồng chính kiến họ còn áp dụng tối đa việc hình sự hóa việc sử dụng quyền tự do ngôn luận của người dân qua điều 79 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN” của Bộ luật Hình sự 1999. Sau đây là một số trường hợp được chú ý nhiều:
§ Ngày 24-5-2012, bốn cộng tác viên của mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế là Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương và Nguyễn Hoàng Phong, bị Tòa án ở Vinh, Nghệ An tuyên án từ 3 tới 3 năm rưỡi tù giam và 1 bản án 18 tháng tù treo về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
§ Ngày 6-6-2012, Tòa án tỉnh Ninh Thuận tuyên án 5 năm tù giam ông Phan Ngọc Tuấn vì bị cáo buộc đã “tàng trữ, phát tán các tài liệu có nội dung vu khống, phỉ báng nói xấu Đảng, Nhà nước nước CHXHCNVN.”
§ Ngày 9-8-2012, ông Đinh Đăng Định, từng kêu gọi người dân ký tên phản đối dự án bô-xít, đã bị tòa án tỉnh Đak Nông kết án 6 năm tù vì những cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
§ Ngày 24-9-2012, ba bloggers Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSG, là những thành viên chủ chốt trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tổng cộng 26 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
§ Ngày 30-10-2012, nhạc sĩ Việt Khang bị tuyên án 4 năm tù giam, 2 năm quản chế vì tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.” Trần Vũ Anh Bình, người bị xử cùng ngày bị kết án 6 năm tù giam, 2 năm cưỡng chế.
§ Ngày 28-11-2012, nhà dân chủ Lê Thanh Tùng bị phiên phúc thẩm Toà án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế về tội đã phổ biến nhiều bài viết “chống phá nhà nước, nói xấu chính quyền, đòi đa nguyên đa đảng, đòi thay đổi Hiến pháp nước CHXHCNVN.”
§ Ngày 27-12-2012, Luật sư tranh đấu cho nhân quyền, Lê Quốc Quân, bị bắt khẩn cấp và bị khám xét nơi làm việc và nhà riêng, và bị cáo buộc tội ‘trốn thuế’. Đây là một hình thức vu khống để bắt giam như đã áp dụng đối với blogger Điếu Cày vào năm 2008.
§ Ngày 9-1-2013, tòa án Nhân Dân tỉnh Nghệ An đã tuyên án 14 người Công Giáo và Tin Lành vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự, gồm Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Đình Cương, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nông Hùng Anh, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, và Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc. Hầu hết các thanh niên trên đều sinh hoạt trong mạng Truyền thông Chúa Cứu Thế. Ba án tù nặng nhất lên tới 13 năm, mười bị cáo khác lần lượt phải chịu các hình phạt từ 3 đến 8 năm tù giam cùng với thời hạn quản chế nhiều năm sau khi mãn án.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam
[2] Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho đến nay toàn quốc có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, và ăn lương của nhà nước. Số lượng cơ quan báo chí in là 748 với 1.052 ấn phẩm báo chí, 184 báo, 564 tạp chí, 25 báo ngày, 67 đài phát thanh, truyền hình, 62 báo điện tử, 1024 trang tin điện tử tổng hợp chung. Bộ Thông tin và Truyền thông. “Tình hình phát triển lĩnh vực báo chí 6 tháng năm 2012.”http://mic.gov.vn/solieubaocao/solieuthongke/baochi/Trang/T%C3%ACnhh%C3%ACnhph%C3%A1ttri%E1%BB%83n.aspx. (Truy cập15-11-2012)