Hàng ngày tôi phải chứng
kiến những người bán chuối, bán dứa trên đôi quang gánh ở Hồ Gươm, Hà Nội. Cứ hễ thấy khách nước ngoài bất kể già trẻ gái trai là mấy người bán rong này đặt ngay những đôi quang gánh lên vai và đội nón lá lên đầu khách mặc cho họ có đồng ý hay không.
‘Phù thủy’ hành hung khách vì lựa mà không mua trái cây
Tôi và vợ đi mua trái cây vào dịp giỗ của một người thân. Vì trái cây ở chợ Bà Chiểu, Sàigòn rất tươi nên cũng muốn mua về để người thân thờ cho đẹp.
Vậy là vợ chồng tôi ghé vào một quầy trái cây đầu chợ. Ban đầu bà chủ ra niềm nở xởi lởi hỏi: “Hai em mua trái cây gì để chị lựa cho. Ở đây toàn trái cây tươi ngon mà giá thì phải chăng“.
Thế là tôi chở vợ vào và chờ lựa trái cây, tuy nhiên khi hỏi giá thì cao quá so với siêu thị nên vợ tôi chần chừ không muốn mua. Thấy vậy tôi mới đánh trống lảng để đi chỗ khác, tôi nói với người bán hàng “để tụi em đi vòng vòng xem có loại trái cây nào khác nữa không rồi ghé lại chị”.
Nhưng bà chủ quát lên: “Tụi mày lựa qua lựa lại hư hết cả trái cây của tao rồi mà giờ thì không mua, thế là thế nào?“. Tôi thấy cũng rất kỳ cục và nói lại: “Tụi em đi xem một vòng rồi có gì quay lại chị”.
Nhưng bà ta nhất quyết không chịu buông tha và chạy tới siết cổ áo của tôi khi tôi đang còn ngồi trên xe máy, bà bảo “tụi mày mà không mua thì tao không cho đi đâu cả”.
Tôi bị siết cổ áo nên rất bực và đã kéo tay bà ta ra không cho nắm cổ áo tôi nữa. Thế là bà ta giật lấy chìa khóa đang cắm ở ổ khóa xe tôi vứt xuống gầm sạp trái cây. Tôi và vợ rất kiềm chế vì không muốn xảy ra chuyện không hay, chúng tôi phải lọ mọ tìm chìa khóa xe dưới gầm sạp.
Trong lúc đó người bán hàng lại gọi điện bảo người nhà lên uy hiếp chúng tôi, sau khi kết thúc cuộc gọi, bà ta cầm cán dù (dù che trái cây và che nắng ở quầy) xăm xăm xông tới đòi đánh tôi.
Nhờ sự can ngăn của các chị bán hàng ở quầy khác mà bà ta mới bị cách ly ra khỏi tôi. Ngay lúc đó mấy người tới hòa giải.
Tuy có sự can thiệp của bảo vệ nhưng người phụ nữ này vẫn cầm bàn cân lao vào tôi. Nhiều người can ngăn và các chị bán hàng ở quầy khác nói: “Thôi em ơi! Em trả tiền cho nó, lấy cái gì mà nó bắt em mua ấy để đi cho xong chuyện cho rồi”.
Thế là vợ tôi rút tiền ra và trả với giá cắt cổ cho 1 kg nhãn mà chúng tôi vừa định mua lúc nãy. Một chị bán hàng gần đó giúp chúng tôi tìm ra chìa khóa xe, chúng tôi ra về với một tâm trạng đầy bức xúc.
Một số chia sẻ nhỏ mong các bạn thận trọng khi đi mua hàng ở chợ, đặc biệt là trái cây.
Dọa chọc mù khách không mua mở hàng trong chợ Hà Nội
Tôi và cô bạn thân là dân tỉnh lẻ Sơn Tây ra Hà Nội học năm nhất đại học. Một hôm, hai đứa chúng tôi rủ nhau đi chợ Ngã Tư Sở mua đồ. Thật đúng là “người quê lên phố”, chúng tôi đã gặp phải một tình huống oái oăm mà cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy sởn tóc gáy.
Sau khi đi dạo một vòng quanh chợ, chúng tôi ghé vào một cửa hàng bán quần bò nữ (quần jean). Người bán hàng (khoảng 30 tuổi) xởi lởi, nhẹ nhàng giới thiệu cho chúng tôi các mặt hàng, bảo rằng: “Các em cứ thử, nếu vừa và ưng ý thì mua, còn không thì thôi, chẳng sao cả”. Nghe vậy, bạn tôi liền chọn một chiếc quần để vào mặc thử. Do thấy không đẹp nên thử xong, bạn tôi gửi lại, không mua.
Thế nhưng, khi chúng tôi định quay đi thì chị chủ tiệm kéo tay chúng tôi lại, nói: “Quần đẹp thế này mà các em chê chỗ nào? Phải thích rồi mới thử chứ! Trả cho chị một câu rồi hãy đi…”. Bạn tôi từ tốn trả lời: “Chị treo lên hộ em, em không ưng cái quần này lắm”.
Bạn tôi định cám ơn nhưng chưa kịp thốt ra thì bất ngờ chị ấy đã tru tréo ầm ĩ lên với những lời lẽ tục tĩu, rất khó nghe. Chưa hết, chị ta còn cầm que đan len dọa chọc mù mắt chúng tôi nếu chúng tôi nhất định không mua chiếc quần đó. Giằng kéo nhau mãi, cuối cùng, bạn tôi chạy ra đường kêu to để tìm sự giúp đỡ.
Nhưng thật không may cho chúng tôi, cả một đám người già, trẻ, gái, trai kéo tới nhưng không phải để giải vây cho chúng tôi mà họ lại xúm vào, người đánh, người kéo lê bạn tôi vào lại cửa hàng.
Cuối cùng, biết không thể nào thoát thân, bạn tôi đánh liều trả giá chiếc quần đó là 140 nghìn đồng so với mức giá ban đầu người bán đưa ra là 380 nghìn đồng. Bạn tôi nghĩ rằng, mình trả thấp như vậy, chắc sẽ không phải mua nhưng không ngờ, chị chủ tiệm vẫn đồng ý bán mà miệng vẫn chửi đổng liên hồi.
Cầm chiếc quần đi ra khỏi chợ mà tim hai đứa chúng tôi vẫn đập loạn xa. Bạn tôi thề từ đó không bao giờ đi chợ Ngã Tư Sở nữa.
Bị ‘chém’ một triệu đồng cho 4 miếng dứa ở Hồ Gươm
Hàng ngày tôi phải chứng kiến những người bán chuối, bán dứa trên đôi quang gánh ở Hồ Gươm, Hà Nội. Cứ hễ thấy khách nước ngoài bất kể già trẻ gái trai là mấy người bán rong này đặt ngay những đôi quang gánh lên vai và đội nón lá lên đầu khách mặc cho họ có đồng ý hay không.
Khách du lịch thì cứ nghĩ người Việt Nam mình thân thiện, mến khách rồi đưa máy ảnh lên chụp. Nhưng ôi thôi quang gánh chưa kịp hạ xuống đã bị nhóm người này giúi luôn cho một túi vài miếng dứa hoặc chuối.
Các bạn có biết không, họ đòi hai trăm ngàn đồng cho vài miếng dứa. Khách kêu đắt thì họ bảo phải trả cả tiền cho thuê đôi quang gánh chụp ảnh nữa.
Nhiều lần tôi thấy cảnh mấy người khách du lịch có lẽ mới sang Việt Nam lần đầu còn chưa biết nhận dạng mệnh giá tiền Việt. Khi họ còn đang cầm ví tiền trên tay thì những người bán rong đã thò tay rút ngay những tờ mệnh giá 500.000 đồng. Mấy vị khách còn đang loay hoay chưa kịp tính ra số tiền Việt của họ là bao nhiêu thì những người quang gánh đã nhanh chân đi mất. Và một lần tôi chứng kiến những người bán chuối, dứa này rút từ ví của du khách một triệu đồng cho 4 miếng dứa gai và tiền công ảnh. Địa bàn hoạt động của những người này thường ở ngã tư Nguyễn Hữu Huân – Hàng Thùng.
Tôi là một công dân sống tại khu vực Hồ Gươm. Là một người trẻ cũng thường xuyên đi du lịch trong nước và các nước ASEAN, tôi thấy Hà Nội có phong cảnh đẹp và có nhiều nét đặc trưng bản địa.
Vậy nhưng du khách nước ngoài đến đây một lần và hầu như không trở lại nữa cũng vì vô vàn những lý do, mà sự chèo kéo bán hàng, chặt chém đến mức ”lừa đảo’” của những người bán hàng rong là một trong những nguyên nhân.
Ấn tượng xấu về du lịch Việt Nam
Cô bạn Ceridwen xuống sân bay Phú Bài (Huế). Cô đưa địa chỉ ghi trên mảnh giấy cho anh taxi để yêu cầu được về đúng khách sạn đã đặt từ trước. Mọi thứ dường như ổn thỏa cho đến khi Ceridwen bước vào phòng tắm của khách sạn.
Cô hoảng hốt vì địa chỉ ghi trên khăn tắm chính xác không phải là địa chỉ mà cô yêu cầu. Sau khi thanh toán tiền phòng 1 đêm ở khách sạn với giá: 500 ngàn đồng, thay vì 300 ngàn đồng như giá niêm yết, cô lập tức chuyển sang khách sạn như ban đầu cô muốn đến (khách sạn 2 sao với mức tiện nghi hơn khách sạn kia, với giá chỉ 10 euro = 280.000 VND).
Ceridwen nói với tôi: “Tôi không hiểu tại sao người taxi đã làm như vậy, nhưng dường như điều đó luôn xảy ra đối với những người nước ngoài tại Việt Nam. Khi tôi nhận ra rằng, tôi không phải ở DMZ, khách sạn đã lấy Passport của tôi, vì vậy tôi không thể thay đổi khách sạn”.
Giá thức uống “bí mật” và 10 USD “boa” cho người chèo đò
Tôi nghỉ đêm tại Hạ Long trên con tàu gỗ H.. Trên tàu chỉ có vợ chồng tôi là người Việt, còn lại là khách nước ngoài. Ở đây có một điểm rất kỳ lạ là không cho du khách biết giá thức uống. Tôi ngồi ăn trưa cùng bàn với một gia đình người Pháp, họ có hỏi tôi về giá một số loại thức uống để gọi thêm.
Tôi đã đến hỏi lễ tân cũng như người phục vụ, nhưng tuyệt đối họ không hé răng mà chỉ nói: “Anh chị cứ uống thoải mái đi, trước khi lên bờ mới có phiếu tính tiền”. Nhưng sau đó cả tôi và hầu như toàn bộ du khách trên tàu đều “méo mặt” khi phải thanh toán thức uống với giá “bí mật”: Tiger lon 60.000 đồng (tương đương 2,5 USD), gấp gần 6 lần giá bình thường và gấp 3,4 lần giá dịch vụ trong các nhà hàng khác. Một cốc nước cam giá 80.000 VND (tương đương 3,9 USD), gấp 4 lần giá dịch vụ ở các nhà hàng khác….
Khi đoàn chúng tôi chia nhau lên các ghe nhỏ để đi thăm một số nơi trên vịnh Hạ Long (giá vé tour đã bao trọn gói) thì đến phiên người chèo thuyền không hề để cho tôi và 3 du khách yên chút nào. Cô ta luôn miệng kêu la như kiểu ráng hết sức mỗi khi vung tay chèo, một người khách quay sang hỏi tôi: “Cô ấy bị đau à?” .
Tôi thấy rõ sự khó chịu hằn lên trên mặt các du khách. Suốt quá trình đi, cô ta luôn nhắc đến từ “boa” rõ to với đồng nghiệp của cô ấy đang tác vụ ở chiếc thuyền sát bên. Khi lên bờ tôi đưa cho cô ta 50.000 VND và tội thay, gia đình ở chiếc xuồng bên kia phải móc ra đến 10 USD để “boa” cho người chèo thuyền. Họ nói với tôi: “Chúng tôi phải trả thêm tiền cho những người này để được họ chở đi à?!!…”
Gia đình người Pháp đã phải “boa” cho người chèo đò vì tưởng đó là bắt buộc.
Ấn tượng cuối cùng khi rời Việt Nam
Trên chuyến xe Bus 24 chỗ ngồi ra sân bay, Josiane, một du khách người Pháp nhớ lại: “Tôi không thể hiểu tại sao người tài xế này có thể lái xe bằng một tay, còn tay kia lại có thể gọi điện thoại để luyên thuyên về một vấn đề gì đó suốt nhiều phút liên tục. Anh ta cũng không thèm thắt dây an toàn. Với chúng tôi tất cả điều đó là tối kỵ. Khi xe đỗ xịch trước sân bay, chúng tôi mới thực sự tin là mình an toàn. Cầu chúa cho điều đó”.
Cặp vợ chồng Josiane và Alain sau chuyến du lịch an toàn trở về Pháp
Ngồi trên máy bay với những nghĩ suy miên man về chuyến du lịch Việt Nam, đôi vợ chồng Josiane và Alain lại tiếp tục bất ngờ về cung cách phục vụ của tiếp viên hàng không: “Họ chìa trước mặt chúng tôi một trong hai cái bình gì đó và nói một cách cộc lốc “trà hay cà phê ?”, liệu có phải đó là cách mời chào thông thường của tiếp viên nước bạn? Josiane hỏi tôi như vậy!
Khi tôi hỏi lại: “Bạn thấy thế nào khi đến du lịch Việt Nam”, bà cho hay: “Tôi hài lòng khi được khám phá các nền văn hóa dân tộc bản địa của các bạn, Hà Nội thật tuyệt đẹp, nhưng có vẻ như người Hà Nội sống khép kín hơn so với người Sài Gòn”.
Cũng đúng thôi, bất cứ du khách nào đến Việt Nam đều thực sự ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, với các nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng với cách làm du lịch như trên thì Josiane đã kết thúc bằng câu nói: “Thật khó cho tôi khi nói về cách làm du lịch của đất nước bạn với các bạn bè của tôi khi họ muốn đến Việt Nam”.
Côn đồ ép khách mua ‘bò húc’, nước yến trên xe đò về Tết
Tôi hiện là sinh viên học tập tại Sài Gòn. Tôi muốn xin chia sẻ với quý báo và bạn đọc về một việc xảy ra ở bến xe Miền Đông đã bấy lâu nay. Cách đây 2 năm, khi lên xe về quê ăn Tết ở bến xe Miền Đông, trong lúc xe đang đỗ trong khu vực bến thì có 1 người đàn ông tầm 30-35 tuổi lên xe mang theo 1 thùng nước.
Người đó tới chỗ tôi và hỏi: “Đi bao nhiêu người?”, tôi trả lời: “Một”. Rồi ông đó rút ra hai lon nước “bò húc” bỏ vào giỏ trên ghế tôi đang ngồi. Sau đó ông ta đi xuống các hàng ghế dưới tiếp tục công việc. Xong xuôi, ông ta đi một vòng thu tiền! Vấn đề ở đây là ông ta đã lừa khách và ai cũng tưởng là nhân viên nhà xe. Đối tượng được ông ta nhắm tới là các bạn sinh viên còn trẻ.
Khi tôi phản kháng không mua thì ông ta đe dọa: “Mày mà không mua tao đánh ngay tại đây cho coi“. Không muốn dây dưa với hắn, tôi đành trả 15 ngàn đồng. Hắn hả hê nói thêm: “Ừ, thế còn được!“. Thế rồi 2 năm trôi qua, tết 2013 này, trên chuyến xe về Đak Lak tôi cũng gặp lại tình huống này. Một người đàn ông lại tiếp tục giở đúng những câu nói mà tôi từng nghe với những sinh viên khác. Và đã có mấy người bị ép phải mua nước yến với giá 15 ngàn đồng/lon.
Những lon nước này nếu bán ở tiệm giải khát giá chỉ khoảng 8-10.000 đồng.
Tiếp viên, tài xế xe buýt văng tục chửi khách
Sáng qua khi đọc bài báo nói về cuộc xung đột giữa phụ xe và một hành khách làm cho hành khách bị tử vong khi đưa đến BV Chợ Rẫy, tôi rất lo sợ vì ngày nào mình cũng đi làm và về bằng xe buýt.
Câu chuyện đau lòng chưa kịp quên đi thì chiều hôm qua chính tôi chứng kiến cảnh xung đột giữa phụ xe và hành khách. Tôi bắt xe đò đi từ bến xe Miền Đông về bến Miền Tây, khi lên xe rồi, tôi phải mệt mỏi vì nghe người bán hàng rong hát điệp khúc để bán hàng hóa máy xay đa năng và dao cạo râu.
Trên xe đông người, người người nói chuyện ồn ào, lại thêm tiếng rao, tiếng quảng cáo, giãi bày của anh bán hàng, tôi cảm thấy muốn nghẹt thở. Khi xe đi đến trạm Cao Thắng thì có hai hành khách nam tuổi trung niên mới phát hiện ra mình đi nhầm xe, thay vì về bến Miền Đông thì lại đón xe về bến Miền Tây.
Một trong hai hành khách đó mới đứng dậy cằn nhằn và cau có anh phụ xe là không hướng dẫn đàng hoàng và xin xuống trạm. Lập tức anh phụ xe kia văng tục, chửi thề mắng hai hành khách nam đó và có hành động xô đẩy làm một trong hai hành khách chao đảo, suýt té.
Anh phụ xe kêu tài xế đóng cửa không cho họ xuống. Tài xế ngồi đằng trước không rõ chuyện gì cũng bênh vực anh phụ xe và văng tục. Cuộc tranh cãi căng thẳng, nhưng cũng may là anh đi chung tánh tình trầm tỉnh nên can ngăn và năn nỉ cho xuống trạm. Lúc đó trên xe nhốn nháo, tài xế mới cho xuống.
Khi hai hành khách đó bước xuống rồi, anh phụ xe và tài xế tỏ ra đắc thắng vì mình đã xung đột mãnh liệt với hai hành khách đáng ghét đó. Nhìn vào kính xe thấy được vẽ mặt anh tài xế rất hung hăng.
Tôi thấy rùng mình. Tôi tự nghĩ, nếu hai anh hành khách kia không kìm được bản năng mình thì đã xảy ra đánh nhau trên xe, và hiển nhiên xô đẩy, ẩu đả trên xe sẽ va chạm đến những hành khách khác, trong đó có tôi. Phải chăng văn hóa xe đò là chửi thề, là văng tục, là đòi đánh nhau? Chính văn hóa này xảy ra chết người như báo đăng là hiển nhiên. Tôi thấy bất bình vô cùng khi chứng kiến như vậy. Tôi mong sao các cơ quan chức năng bên ngành giao thông quan tâm nhiều hơn đạo đức của nhân viên xe đò và chấn chỉnh kịp thời khi có những phản ánh từ người dân.
Khi tài xế xe buýt nổi giận
Mỗi ngành nghề đều có những áp lực công việc đặc thù riêng, đặc biệt là nghề tài xế lái xe bus, áp lực ấy lại càng nhân đôi khi mà một ngày họ phải làm việc trong cường độ cao.
Họ bắt đầu công việc từ rất sớm và kết thúc công việc rất trễ. Giờ nghỉ ít ỏi chỉ đủ để họ ăn uống, kiểm tra xe và lại tiếp tục công việc. Nếu bạn là hành khách quen thuộc của những tuyến xe bus ở TP HCM, bạn sẽ thấy rằng lúc nào ra đường bạn cũng có thể đón được xe buýt.
Ngay từ 5h sáng đã có các tuyến xe buýt xuất bến. Không kể ngay giờ ăn trưa, nghỉ giải lao của các cơ quan nhà nước, các bác tài vẫn không quản giờ giấc để thực hiện cuộc hành trình đưa rước khách của mình.
Và ngay lúc những gia đình đang quây quần bên những mâm cơm ấm cúng thì các bác tài vẫn giữ chắc vô lăng hoàn thành nốt những tuyến cuối cùng, chưa kể đến những tuyến như số 8, 19, 33,… là những tuyến đông đúc và phức tạp nhất thành phố Hồ Chí Minh
Chất lượng xe các tuyến xe buýt này đã xuống cấp nhưng lượng hành khách lúc nào cũng đông đúc, tình trạng xô lấn, chen đẩy nhau trên các tuyến xe buýt xảy ra như cơm bữa.
Thật khó có thể diễn tả hết những khó khăn, vất vả mà các bài tài phải trải qua trong một ngày làm việc, hằng ngày phải đối mặt với những việc như vậy. Cùng với đó, tình trạng thường xuyên tắc đường ở thành phố Hồ Chí Minh càng làm cho áp lực ấy gia tăng thêm đối với các tài xế lái xe buýt.
Vậy nên khi đi trên xe buýt mọi người không còn lạ lẫm gì với việc các tài xế xe buýt nổi giận, chửi mắng người khác…Trong một lần đi tuyến xe buýt số 50, mọi người trên xe thật sự hoảng sợ khi gặp phải một bác tài khó tính, luôn miệng quát tháo khi nghe mọi người nói chuyện rì rầm trên xe.
Vừa bước lên xe tôi đã nghe tiếng quát: “Tụi bay dồn xuống dưới cho tao hết coi trên này nóng nực ai chịu nổi”. Ngay cả một anh thanh niên đứng gần tôi cũng bị quát cho một trận vì nghe điện thoại, đứng trên xe không một ai dám hó háy gì hết vì sợ mình sẽ là người bị la tiếp theo.
Một lần khác đi tuyến 141, tôi lại gặp tình trạng bi hài hơn, không biết tài xế nổi giận vì điều gì mà mặt hầm hầm ôm vô lăng lao vung vút như bay trên đường bất chấp tính mạng của các hành khách trên xe.
Chiếc xe nghiêng qua nghiêng lại, hành khác trên xe thì sợ tím mày tím mặt không dám ý kiến gì hết. Tôi có cảm tưởng ngồi trên xe mà cứ như ngồi trên con thuyền đang say sóng giữa đại dương. Bước xuống xe buýt mà tim tôi vẫn còn đập thình thịch vì sợ hãi.
Tình trạng các tài xế, phụ xe liên tục phóng nhanh, giành đường vượt ẩu tranh giành khách cũng xảy ra liên tục. Các tài xế và phụ xe đôi lúc còn văng tục, nói năng thô bạo, lỗ mãng.
Khi gặp tình trạng tắc đường xe máy đi sát bên xe buýt hay giữa các xe có va quẹt nhau là ngay lập tức tài xế hoặc phụ xe sẽ thò đầu qua cửa sổ chửi bới người đi đường bằng các câu nói rất khó nghe. Thậm chí, có tình trạng tài xế và phụ xe còn gây gổ với người đi đường và hành khách trên xe…
Sẽ thật là nguy hiểm khi người nắm giữ tính mạng của hàng chục hành khác trên xe nổi cơn thịnh nộ. Dẫu biết rằng đây là một trong những nghề chịu nhiều áp lực nhất nhưng trong mọi trường hợp xin các bác tài hãy bình tĩnh vì tính mạng và sự an toàn của các hành khách trên xe để không xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
TP HCM đang kêu gọi mọi người thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trên các phương tiện giao thông công cộng.
Để làm tốt điều đó cần có sự hợp tác tốt giữa hành khách và tài xế, có như vậy thì thì những điều như trên sẽ không xảy ra và mọi người sẽ hưởng ứng tích cực hơn khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng nhằm giúp hạn chế bớt tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông đang gia tăng hiện nay.
Thu Ngâ