“Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi…”
“Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đời…”
(Rm 10:9-18; Mt 4:18-22).
Khởi đầu của ngày hành trình thứ hai bằng lời kinh xin ơn Chúa Thánh Thần và bài hát bất hủ: Bài Ca Ngàn Trung. Đúng 06 giờ chiếc xe thân yêu chuyển bánh. Trên con đường cao tốc Nội Bài – Thăng Long, xe tiến về điểm dừng của ngày hành trình hôm qua. Đó là giáo họ Mai Thượng – Giáo xứ Ngọ Xá.
Đức Cha, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Ban Hành Giáo của họ Mai Thương, của giáo họ Nguyệt Đức cùng lắng đọng trong giờ kinh sáng. Đức Cha phó dâng ngày cho Chúa, Đức Mẹ, các Thánh Tử Đạo Việt nam, đặc biệt là các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh.
Vì sự cố thuyền không thể qua khu vực thi công đường cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội có thanh đường day vận chuyển nhịp cầu quá thấp nên thuyền không thể vào được sông Cà Lồ. Đức Cha Cosma trường đoàn Hành Hương đã quyết định chuyển hướng đi tiếp tục theo dòng sông Như Nguyệt.
Ban Hành Giáo và giáo dân 2 họ Nguyệt Đức, Mai Thượng đang chuẩn bị phương tiện.
Quý Cha, Quý Thầy đang ôn cố tri tân. Quý Cha đang chia sẻ những bước chân của các Nhà Truyền Giáo
Đức Cha Cosma đang chia sẻ những Nhà Truyền Giáo đã bước đi trên những con đường này năm xưa.
ĐỨC CHA HERMOSILLA LIÊM
Sau lễ tấn phong, đức cha Hermosilla Liêm họp các cha có mặt tại Nam Am, thảo luận và đặt ra một phương hướng cho công cuộc truyền giáo trong tình thế mới. Đức cha ra lệnh cho các cha tổ chức những “tuần đại phúc”, đi tìm những chiên lạc và dạy giáo lý cho bổn đạo. Người yêu cầu các cha cùng với giáo dân khuyến khích họ, bắt tay vào việc sửa chữa và xây dựng các thánh đường, nhà xứ đã bị tàn phá, chuộc lại những tín hữu còn bị giam giữ. Đức cha làm việc cực nhọc ngày đêm, biên thư luân lưu khuyên răn, an ủi, hoặc chỉ vẽ cách rửa tội cho trẻ em bên lương, cùng giúp những bệnh nhân hấp hối trên giường bệnh. Người đặt trọng tâm vào việc đào tạo các linh mục tương lai : xây cất chủng viện tại giáo xứ Kẻ Mốt. Người tu sửa các nhà phước, kêu gọi chị em trở về sống cộng đoàn. Người chỉnh đốn lại nhà Đức Chúa trời, dạy các thày giảng phải giữ lề luật và tập quán đã có từ lâu đời của đất nước.
Đức cha khuyên giáo dân siêng năng đọc kinh Mân Côi, cậy trông Đức Mẹ, và kêu cầu thánh nữ Philomena tử đạo. Theo một bức thư của cha bề trên Martí Gia, sự trông cậy vào Đức Mẹ Mân Côi đã không vô ích, và từ đấy giáo dân bớt sợ hãi, thêm lòng can đảm, đua nhau xây dựng nhà thờ, sốt sắng giữ đạo, và khuyên được nhiều người lương dân theo đạo. Đức cha chọn thánh nữ Philomena làm bổn mạng chung cho địa phận, xin tòa thánh ban phép dâng lễ kính hàng năm.
Địa phận trung đàng ngoài. Đức cha Sanjurio An đã phải hy sinh ngày 20-7-1857, đức cha Sampedro Xuyên lên kế vị. Sợ địa phận có ngày mất chủ chăn, đức cha Xuyên đã dùng quyền tòa thánh chọn một giám mục phụ tá, có quyền kế vị. Đức cha quyết định chọn cha Valentino Beririochoa Vinh mới 31 tuổi, sang Việt Nam chưa đầy 3 tháng. Lễ tấn phong được cử hành trong nhà ông chánh Chi, tại làng Ninh Cường – Nam Định vào ngày 26-6-1858, một cách âm thầm không một giáo dân tham dự, hai cha Riano Hòa và Carreras Hiển làm phụ phong. Bao tay không có, gậy vàng là một cây nứa được bọc bên ngoài là lớp giấy trang kim, mũ ngọc bằng bìa cứng cũng được phủ trang kim.
Valentino Beririochoa xuất thân trong một gia đình đạo đức, giàu sang quý phái, nhưng đã khánh kiệt. Ngài sinh ngày 14-02-1827 tại làng Elorrio, tỉnh Vizcaya thuộc nước Tây Ban Nha. Cuộc đời của Valentino Beririochoa chịu ảnh hưởng rất nhiều của song thân. Ngài học được nơi người cha sự cần cù kiên nhẫn, và thừa hưởng nơi người mẹ một đức tin sống động, lòng sùng kính Đức Maria cách đặc biệt và tính cách vui tươi hòa nhã với hết mọi người. Đặc biệt với thân mẫu, Valentino hằng ôm ấp mối tình thắm thiết, cả khi ngài đã là giám mục nhưng tình cảm dành cho mẹ rất sâu đậm qua những bức thư của ngài viết về cho mẹ.
Vì thân phụ thường đóng bàn ghế cho một nữ tu viện Đaminh trong vùng, nên Valentino được vào giúp lễ. Nhờ vậy, cậu Valentino có dịp tiếp xúc với cha linh hướng của tu viện, một linh mục dòng Đaminh, khi rảnh rỗi cha dòng kể chuyện cho cậu nghe về các thừa sai Đaminh đang sinh sống và làm việc truyền giáo ở Việt Nam, và về những mẫu gương dấn thân, những vị anh hùng chịu tử đạo vì Chúa. Từ đấy, cậu bé 12 tuổi luôn ôm ấp trong lòng giấc mộng vàng đó là được làm linh mục dòng Đaminh, và được đi phục vụ trên đất nước Việt Nam. Nhưng vì gia đình rơi vào tình cảnh nghèo túng, nên cậu bé Valentino phải phấn đấu khá nhiều trong đời sống bản thân, gia đình, học tập để biến ước mơ thành hiện thực.
Sáu năm liền, Valentino phải kết hợp ba chương trình học : vừa làm mộc giúp cha, vừa trau dồi văn hóa phổ thông và xếp giờ học Lavăn. Theo gương Đức Giêsu nơi xưởng mộc Nazareth xưa, cậu kiên nhẫn chờ đợi ý Chúa được thực hiện. Năm 18 tuổi, nhờ sự giúp đỡ của một linh mục, cậu xin phép cha mẹ cho gia nhập chủng viện Logrono. Các bề trên và giáo sư đều ghi nhận nơi chủng sinh Valentino tính chăm chỉ học hành, nếp sống đạo đức sâu xa, khắc khổ với mình nhưng lại vui tươi với mọi người. Đức giám mục địa phận, đức cha Irigoyen, khi kinh lý làng Elorrio ghé thăm gia đình của Valentino, đã nói với thân mẫu của anh rằng : “Này bà Maria, có lẽ con bà sẽ làm đến giám mục”.
Sau 3 năm triết học với thành quả mỹ mãn, mùa hè năm 1848 thày Valentino về thăm gia đình, thấy cha già sức đã quá yếu, lại vất vả với công việc, vì thương cha già, thày xin bề trên cho sống ngoại trú để vừa đi học vừa phụ giúp gia đình, trong khoảng thời gian 30 tháng. Hơn hai năm đã trôi qua như thế, cho tới ngày được gia nhập hàng giáo sĩ, thày Valentino thụ phong linh mục năm 1851, và khấn dòng Đaminh vào 3 năm sau. Cha Valentino được sai sang Manila, tới nơi ngày 17-6-1857, để tìm đường vào Việt Nam, khi ấy cơn bách hại đạo đang ở điểm cao.
Ngày 30-3-1858, cha Berriochoa cùng với hai cha bạn Riano và Carreras đặt chân lên đất Việt, nhập địa phận trung, lấy tên Việt Nam là Vinh, nên được gọi là cha Valentino Beririochoa Vinh. Đức giám mục địa phận tử đạo được 8 tháng, đức cha Sampedro Xuyên kế vị bị truy lùng gay gắt. Trong thư gửi về gia đình, cha Vinh viết với nội dung được chuyển dịch sang tiếng Việt : “Cánh đồng truyền giáo này không lấy được một ngày tươi sáng, không ngày nào mà không phải cố gắng giữ nét vui tươi. Không ngày nào mà không có đau thương để khóc, không có lo toan để tìm phương kế thoát nạn, không ngày nào mà không có kẻ theo dõi hay quan quân tìm bắt”.
Đức cha Xuyên trước nguy cơ bị bắt, đã chuẩn bị cho tương lai của địa phận, người chọn một giám mục kế vị. Người đã chọn ngay cha Valentino Beririochoa Vinh, cha Vinh lúc này tiếng Việt nói chưa rành rỏi, chưa hiểu gì về phong tục đất nước và con người. Vị tiến chức run sợ nói : “Thưa đức cha ! nếu được thì xin cất chén đắng này đi cho con…. Con thấy lòng con tràn ngập lo lắng, sợ hãi khi nghĩ đến địa vị mà đức cha muốn đặt con lên. Nhưng điều môi miệng con nói, thì con cũng xin nói với cả tấm lòng, đó là con xin vâng trọn ý Chúa, bây giờ và mãi mãi”. Và rồi tiến chức đã cúi đầu thụ phong để nhận trách nhiệm nặng nề từ đây.
Ngày 28-7-1858, đức cha Sampedro Xuyên được phúc tử đạo, trút hết gánh nặng lên vai đức cha Valentino Beririochoa Vinh. Lúc này, ngài đã lánh sang địa phận đông, trú ẩn ở Hương La – xứ Tử Nê (Bắc Ninh). Cho dù ngài có dư thừa những đức tính kiên nhẫn và bình tĩnh, nhưng lời nói của ngài cũng không thể không lộ ra sự đau đớn : “Đức đại giám mục khả kính Sampedro Xuyên để lại cho tôi một gánh nặng – đó là chức giám mục này. Ngày nào được nhoai tới thiên cung, tôi sẽ tố cáo người”.
Trong bức thư gửi cho linh mục bạn, đức cha Vinh viết : “Cha Ignacio muốn nói gì về cái nhân vị thần thánh của tôi ? tôi còng lưng gánh một gánh mà tôi sợ, rất sợ đổ vỡ dọc đường. Tôi tưởng không khi nào phải khổ tâm bằng lúc phải ưng thuận làm giám mục”. Đức cha tìm cách trở về địa phận để sống chết với giáo dân, song không thể được, vì cơn bách hại đạo ở địa phận trung diễn ra gay gắt, nên ngài đành lưu lại hầm trú ở Hương La có tên gọi “tòa giám mục – hầm trú”. Ngày nay, giáo họ Hương La – xứ Tử Nê vẫn còn lưu giữ hang tọa đạo của ngài, và giáo dân lập một đền thờ để tưởng nhớ đến vị thánh anh hùng.
Tại hầm trú năm xưa, đức cha Vinh cai quản địa phận gần trọn 3 năm, bằng đời sống cầu nguyện hy sinh, ngài viết thư cho các linh mục và giáo xứ ở giáo phận xa xôi, ngài đọc sách và dạy thần học cho bốn đại chủng viện. Các chủng sinh giúp đức cha viết thư từ gửi cho các cha trong địa phận, có ông lang Thư người Cao Xá đóng vai liên lạc thông tin. Giữa hoàn cảnh mưa gió sấm sét ấy, đức cha Vinh vẫn giữ được tâm hồn bình tĩnh và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Khi đọc các lá thư của ngài viết cho các linh mục khác, ai cũng nhận thấy sự điềm tĩnh vui vẻ và tính khôi hài của vị giám mục.
Xin được trích nguyên văn một đoạn thư mà đức cha Vinh viết bằng tiếng Việt gửi sang Macao : “Gửi kính đức thày Hi, cha chính Tế, cha chính Giu, cha tràng Thịnh, cha tràng Nam, cha Thái, cha tràng Nguyên và cha tràng Hiển bằng an. Vậy trước hết tôi xin phép đức cha và các đấng viết thư này bằng tiếng Annam, tôi có một ý cho được bày câu nọ câu kia. Vậy từ khi đức cha và các đấng xuống tàu đến rày chửa thấy sự quấy quát đàng này đàng khác giãn bớt chút nào sốt. Các quan ghét sự đạo càng ngày càng ngặt, nó canh giờ thủy độ đêm ngày mãi, mà có nhiều họ trong địa phận tôi nó bắt ra điểm mục ba ngày một lần, thì sự các cụ trong địa phận mình khó lòng lắm, không còn nhà nào dám chịu mà người ta không dám rước đi kẻ liệt sốt, khốn nạn mọi đàng”.
Sau một đoạn thư đức cha tin về nhiều đấng tử đạo trong những năm 1859, đức cha viết tiếp : “Sau hết xin đức cha hằng nhớ đến con nhỏ mọn này vì tôi cũng có nhớ đến đức cha đêm ngày mãi, xin đức cha đọc kinh cầu nguyện suy ngắm, khi làm việc lành nào thì than thở cùng Đức Chúa Blời, xin Đức Chúa Blời cho hồn tôi vì yếu đuối lắm mà phải gánh nặng quá sức tôi, về phần xác thì đã có sức vừa phải……. Bấy nhiêu, xin đức cha và các đấng hằng nhớ cầu cho tôi cùng, tư” (1860).
Đức cha Berriochoa Vinh vẫn ở trong hầm trú tại Hương La, người chỉ ra khỏi đó khi đi giúp bệnh nhân, hoặc đi xưng tội với đức cha Hermosilla Liêm, nhưng không bao giờ đi khỏi hai làng Kẻ Mốt và Tử Nê, có đi đâu thì cũng chỉ chờ vào ban đêm ngài đi lén lút. Cơn bách hại ngày càng trở nên dã man và ác liệt, nhất là trong địa phận trung. Trong một bức thư gửi sang thánh bộ truyền bá Đức tin, đức cha viết : “Rất có thể trong ít tháng nữa địa phận của tôi sẽ không còn thừa sai, linh mục, không chủng sinh, không thày giảng, và không biết có nên nói thêm : là không còn bổn đạo nữa”. Ngài lo sợ cho địa phận sẽ thiếu vắng nhân sự truyền bá đức tin và dẫn đến đời sống đức tin sẽ bị tàn lụi.
Tháng 3-1859, nhiều thừa sai Tây Ban Nha phải theo tàu “Pregent” của Pháp, tạm lánh sang Macao, chỉ có 3 cha ở lại, trong số này có cha Almato Bình được phúc tử vì đạo. Pedro Almato Bình sinh năm 1831 tại Santo Feleice Saserra xứ Vich, tỉnh Cataluna nước Tây Ban Nha. Năm 15 tuổi, Almato vào chủng viện. Tại đây, thày Almato có cơ hội đọc những bản tin về các xứ truyền giáo thuộc dòng Đaminh ở Đông Á. Cũng từ nguyên nhân này, thầy Almato khát vọng truyền giáo luôn rạo rực trong lòng thày. Ngày 25-5-1847, thày vào tập viện Ocana và khấn dòng năm liền sau.
Tháng 9-1849 thày Almato đến Manila tiếp tục học thần học. Năm 1854, thày thụ phong linh mục với tuổi đời còn non trẻ (23 tuổi). Và năm sau, cha Almato được phái sang địa phận đông đàng ngoài, lấy tên Việt Nam là Bình, Cha Pedro Almato Bình. Ban đầu, cha Bình giúp xứ Nam Am và Đông Xuyên. Sau đó, cha về cư trú và dạy học trong chủng viện tại Kẻ Mốt, rồi được cử đi xứ Thiết Nham – Bắc Giang hơn một năm. Tình trạng sức khỏe của cha Bình rất yếu, nhưng bên trong thân xác yếu đuối đó, ẩn chứa một nghị lực phi thường trên hành trình truyền giáo.
Từ năm 1857, cuộc bách hại ngày càng khốc liệt, cha Bình đành phải sống đời sống “du mục” nay đây mai đó. Ban ngày trốn trong hầm ẩm thấp, ban đêm chèo thuyền lén lút phục vụ giáo dân hai bên sông. Để tránh những vụ bủa vây đột xuất, cha phải ngủ trong bụi rậm, bụi tre, hoặc lúc ngoi sông lội suối dưới trời mưa gió lạnh.
Bệnh hoạn, đói khát và nguy cơ bị bắt, như ba tai họa thường xuyên theo đuổi cha. Nhưng người lính của Chúa Kitô đã thắng lướt, tất cả nhờ vào chí khí can trường, và tinh thần hăng say phục vụ của người chiến sĩ đức tin. Khi tình hình cấm đạo trở nên gay gắt hơn. Tháng 3-1859, các thừa sai Đaminh quyết định chia một nửa đi tạm lánh sang Macao, cha Bình là một trong số các cha được ở lại.
Đoàn đang đi trên dòng sông Như Nguyệt thuộc khu vực Chợ Bầu – Huyện Hiệp Hòa. Cha Phanxi cô Xavie Đào Trung Hiệu – Dòng Đaminh. Là một giáo sư sử học, nhất là Ngài đã có nhiều nghiên cứu về các Thánh Tử Đạo Việt nam nên Ngài rất am hiểu về các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh. Ngài đang chia sẻ cho Quý Cha và Quý Thầy.
Cha Phanxi cô Xavie Nguyễn Văn Thắng – Trưởng ban Truyền thông của Giáo phận đang phỏng vấn Cha Fx.Đào Trung Hiệu về những tác phẩm, những bản nhạc mà Ngài đã sáng tác.
Hành trình theo bước chân Nhà Truyền Giáo đang bồng bềnh trên dòng sông Như Nguyệt, phía trước đang dần hiện trong làn sương mỏng là Cầu Vát. Bên cạnh Cầu Vát là giáo họ Bến Đông.
Đức Cha đang giới thiệu về cây Cầu Vát. Cây cầu được nối hai bờ sông của 2 tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên. Ngài cũng dùng một hình ảnh tuyệt đẹp, đầy ỹ nghĩa thần học, đó là cây cầu tình thương nối hai bờ xa cách và chuyên chở tình yêu. Ngài cũng kêu mời mọi người trở nên những “cây cầu” trong cuộc sống.
Đoàn Hành Hương đang tiến vào giáo họ Bến Đông – Giáo xứ Thường Thắng, thuộc khu vực Cha Vinh Sơn Nguyễn Hải Quân.
Trên thuyền Quý Thầy đang hát các bài hát về các Thánh Tử Đạo.
Thầy sáu Đaminh Nguyễn Kim Điền thuộc Dòng Đồng Công đang hát.
Đức Cha cũng đáp lại Quý Thầy bằng những bài hát bằng tiếng Việt, tiếng Pháp rất dí dỏm và ý nghĩa.
Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi…
Nằm cạnh con Sông Cầu thơ mộng, với những bãi mía, nương dâu, một cảnh thái bình, an hòa, giáo họ Bến Đông có khoảng hơn 600 nhân danh. Giáo họ Bến Đông thuộc xã Hợp Thịnh, xã cuối cùng của huyện Hiệp Hòa, phía Tây Bắc giáp huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên, phía Nam giáp huyện Sóc Sơn, Hà Nội cách Tòa Giám mục chừng 35km.
Ban Hành Giáo và giáo dân giáo họ Bến Đông ra bến sông đón đoàn.
Đồng hồ đang điểm 10h30, Đức Cha và Quý Cha, Quý Thầy đang đọc kinh trưa cùng giáo dân trong ngôi nhà thờ giáo họ Bên Đông. Đức Cha chia sẻ và kêu gọi mọi người hiện diện hãy noi gương các Thánh Tử Đạo, hãy đem Lời Chúa ra thực hành, hãy sống đức tin thể hiện bằng đức ái để đất chúng ta trổ sinh hoa trái.
Theo lịch trình Đức Cha và đoàn sẽ rời Bến Đông, tiếp tục hành trình và sẽ Dâng Lễ trên dọc hành trình, nhưng lòng đạo đức, lòng yêu mến Chúa Quý Ban Hanh Giáo và giáo dân giáo họ Bến Đông thỉnh xin Đức Cha được tham dự thánh lễ. Đức Cha đã đáp lại lòng mong ước của mọi người. Đúng 11 giờ Đức Cha, Quý Cha đang Dâng Lễ trên con thuyền tại bến sống của giáo họ Bến Đông.
Đoàn Hành Hương chào tạp biệt giáo họ Bến Đông tiếp tục hành trình.
Đức Cha lái thuyền để các con cái nghỉ ngơi.
ĐỨC CHA BERRIOCHOA VINH
Trong một bức thư gửi về gia đình cha Almato Bình đã viết (chuyển sang tiếng Việt) : “Con và một linh mục khác đã phải ẩn mình 7, 8 tháng trong một nhà có sẵn hang ở lòng đất, để núp ẩn khi quan quân vây bắt. Nhưng nay mai nếu cha mẹ có nghe tin con bị bắt, thì xin cha mẹ đừng khóc, nhưng hãy vui mừng vì con được phúc trọng”.
Ngày 5-8-1861, bởi chiếu chỉ “phân sáp” của vua Tự Đức. Hàng giáo sĩ hầu như không còn tìm được nơi nào an toàn. Cha Almato Bình đã rời khỏi Thiết Nham về Kẻ Nê, gặp đức cha Berriochoa Vinh, rồi đến ở trong hầm trú tại Thọ Ninh. Nay phải xuống thuyền với đức cha Berriochoa Vinh xuôi theo dòng sông Thái Bình. (đức cha Vinh rời khỏi hầm trú ở Hương La, xuống theo thuyền, xuôi dòng lánh nạn, vì làng Hương La không còn là nơi an toàn cho ngài)
Đêm trăng thu 14 tháng 8 năm Tân Dậu, tức ngày 18-9-1861, cả bầu trời rực sáng ánh trăng vàng. Đức cha Hermosilla Liêm ngước mắt nhìn cảnh vật mà lòng đầy nỗi xúc động đến ứa lệ, khi nghĩ đến số phận đàn chiên phải chịu cảnh phân tán, bơ vơ không người chăn. Nhưng nỗi khổ tâm lớn nhất của đức cha lúc này : là không còn cách nào để tiếp tục giáo dục đám chủng sinh của chủng viện ở Kẻ Mốt, là những mầm non của giáo hội đang được vun trồng.
Chính đêm ấy, đức cha mời linh mục Khoa đến gặp ngài, để thay ngài làm nhiệm vụ giải tán chủng viện, vì tình cảnh này, đức cha không thể gặp trực tiếp các chủng sinh để nói lời tạm biệt, hoặc chứng kiến cảnh đoạn cha con chia cắt. Cha Khoa được lệnh, tập hợp các chủng sinh, và bắt đầu nói trong cảm động : “Thừa lệnh đức cha, cha cho chúng con hay : từ trước tới nay, đức cha đã cố gắng giữ chúng con ở đây, lo liệu cho chúng con được học hành để ngày mai trở thành những linh mục của Chúa. Nhưng bây giờ thánh ý Chúa định cách khác, đức cha không thể nào giữ chúng con ở đây sống chung với nhau được nữa. Vì vậy, đức cha buộc lòng phải giải tán nhà trường, chúng con hãy tự tiện tìm nơi nương tựa ít lâu. Trong hoàn cảnh này, đáng lẽ đức cha cấp giúp chúng con mỗi người một số tiền, nhưng đức cha nghèo lắm, thiếu ăn, thiếu mặc như chúng con thấy, nên chúng con bằng lòng vậy. Nếu Chúa để chúng ta còn sống, thì rồi đây sẽ có ngày đức cha gọi chúng con trở về học hành. Đức cha nhắn lời chúc lành cho chúng con và dạy chúng con ăn ở ngoan ngoãn, trông cậy Chúa là Cha nhân lành, chúng con cũng đừng nên quên cầu nguyện cho đức cha, cho địa phận và giáo hội Việt Nam. Chúng con hãy thu xếp đi ngay trong đêm nay, khỏi cần đến bái chào đức cha, kẻo người không cầm được nước mắt…” thế là chủng viện Kẻ Mốt đóng cửa. Các chủng sinh di tản đi khắp nơi, như đàn chim non vỡ tổ chưa biết bay đi đâu, về đâu. Trên con đường phiêu lưu vô định, giáo dân và người nhà Chúa lạc lõng dưới trận phong ba vùi dập. Cảnh phân sáp khiến người công giáo phải sống chung đụng với người ngoại đạo, thường bị coi như hàng nô lệ. Bị khinh chê, bạc đãi, người công giáo cảm thấy vô cùng tủi nhục, nhất là họ đau khổ vì buộc phải sống theo phong tục của người ngoại giáo. Tuy nhiên, cũng có những người lương dân tỏ ra tình đồng bào và nhân đạo, họ bênh đỡ và che chở người công giáo như những anh em trong gia đình. Như dân làng Hảo Hội – Hải Dương, đã che giấu cha Gaspar Nghĩa suốt thời gian ẩn trú, dân làng góp công, góp của để trợ giúp các chủng sinh trường Kẻ Mốt đi theo cha Nghĩa.
Cũng trong đêm trăng thu đó, đức cha Hermosilla Liêm bỏ Kẻ Mốt trốn sang làng Thổ Đức trú trong hầm ở đó, chỉ còn lại thày Giuse Nguyễn Duy Khang (chủng sinh – chủng viện Kẻ Mốt) đi với người. Không bao lâu cái hầm trú của đức cha ở Thổ Đức cũng bị bại lộ. Đức cha thấy không còn nơi nào trên đất có thể ẩn thân, nên thừa lúc đêm khuya, ngài cùng thày Khang ra sông Thái Bình xuống một thuyền đánh cá. Thày Khang chèo thuyền về phía thị xã Hải Dương, đến một khúc sông vắng, gặp một thuyền người công giáo tên trưởng Bính, hai cha con xin được tá túc. Mấy ngày sau, đức cha Berriochoa Vinh và cha Almato Bình cũng từ Kẻ Nê xuôi dòng nước tới đấy, tình cờ gặp hai cha con đức cha Liêm trên khúc sông gần bến đò Hàn, gần thị xã Hải Dương, thật là một cuộc gặp gỡ hết sức vui mừng và cảm động. Ban ngày các nhà truyền giáo chia tay nhau, mỗi người một thuyền giả làm người chài lưới, tìm kiếm giáo dân an ủi và ban bí tích cho họ.
Gia đình trưởng Bính tận tình che chở cho đức cha Hermosilla Liêm và thày Khang. Nhờ đấy cha con tạm sống yên ổn được một thời gian, cho tới ngày xảy ra vụ cãi nhau giữa cha con trưởng Bính. Đứa con trai vì tức giận bố mẹ, nên đã đi tố cáo hai ông bà về tội chứa chấp tây dương đạo trưởng. Đội Bằng lúc ấy là chánh tổng, dẫn gia nhân đến bắt đức cha Liêm trưa ngày 20-9. Khi đội lính Bằng tới, thày Khang nhanh như chớp, đánh cho tên xung phong một quả, rồi nhổ cây sào định chống cự. Nhưng đức cha khuyên can : “Con đừng làm hại chúng, hãy để mặc thánh ý Đức Chúa Lời” thế là cha con bị bắt trói, dẫn vào thành Hải Dương.
Chính lúc đức cha Liêm bị bắt, thì thuyền của đức cha Vinh và cha Bình cũng ở gần đấy, nhưng may mắn đã chạy thoát. Hai môn đệ Chúa Giêsu, biết không thể sống trên thuyền được nữa. Một giáo hữu, ông cựu Trọng, dẫn hai nhà truyền giáo đến trọ nhà một người ngoại đạo là ông lang Thửa, hai vị được đón tiếp niềm nở. Nhưng người cháu của ông lang là khán Cáp, khi biết việc này, liền đi báo quan để lãnh thưởng. Vì không muốn bị mang tiếng xấu, khán Cáp mời hai thừa sai đi ở nơi khác, rồi dẫn hai vị ra cánh đồng cho quan huyện Thanh Hà đến bắt, hôm đó là ngày 25-10-1861. Ngay chiều hôm ấy, hai tôi tớ Chúa được khiêng trong cũi vào thành Hải Dương, đặt ngay bên cũi đức cha Hermosilla Liêm. Ba nhà truyền giáo nhìn nhau cảm động, vui mừng, vì biết sẽ cùng nhau được phúc tử đạo.
Trước quan tòa, tổng đốc Hải Dương bấy giờ là ông Nguyễn Quốc Cẩm, thấy các đạo trưởng có gương mặt hiền lành đáng kính, nên không đành tâm đối xử tàn nhẫn. Ông chỉ điều tra qua loa về tên tuổi về việc giảng đạo. Cha Bình trả lời : “Tôi là linh mục, tên Bình, người Iphanho, sang đây giảng đạo được 7 năm tại nhiều nơi”. Quan hỏi đức cha Vinh, đức cha đáp : “tôi là giám mục Vinh, sang Annam mới được 4 năm. Địa phận tôi ở Nam Định, Nam Thượng, Nam Hạ, nhưng bên ấy các quan bắt bớ riết mãi, không ẩn đâu được, thế bất đắc dĩ mới phải trốn ra ngoài này”. Quan hỏi hồi năm 1858 có đồng tình với giặc không ? Đức cha trả lời : “Tôi không lập mưu kế nào làm hại nhà nước bao giờ, tôi chỉ có một ý sang giảng đạo Chúa trời đất, cùng khuyên mọi người ăn ở ngay lành mà thôi”.
Quan tổng đốc truyền dẫn hai nhà truyền giáo về cũi. Ông truyền cho viên cai ngục phải đối xử tử tế, và cấm không ai được lỗ mãng xúc phạm đến các ngài. Tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Tân nghe nói có ba tây dương đạo trưởng bị bắt ở tỉnh Đông được đối xử quá tử tế, bèn đích thân đến Hải Dương, cậy thế là bố vợ vua, dùng quyền đòi tổng đốc Nguyễn Quốc Cẩm lên án trảm quyết ba nhà truyền giáo.
Thế là ba bản án được thi hành ngay vào đúng ngày lễ các thánh năm 1861, tại pháp trường Năm Mẫu ngoài thành Hải Dương. Ba cái cũi được khiêng đi, theo sau là một đội lính võ trang đi hàng hai. Cha Bình trong cũi thứ nhất, tay cầm Chuỗi Mân Côi trầm tĩnh cầu nguyện. Đức cha Vinh trong cũi thứ hai, ngài vẫn giữ trạng thái trầm tư suy gẫm như mọi ngày ngài vẫn làm, không tỏ chút nào là lúng túng, lo sợ. Trong cũi thứ ba, đức cha Liêm rất nghiêm trang như khi ngài bước lên bàn thờ cử hành Thánh lễ đại triều, thỉnh thoảng đức cha giơ tay chúc lành cho các anh em tín hữu đứng bên đường. Khi tới nơi, khu đất Năm Mẫu, ba vị ra khỏi cũi, cầu nguyện ít phút, rồi đưa tay ra cho lý hình trói vào cọc. Bản án được đọc lên, ba hồi chiêng trống vang dội, ba thanh gươm vung lên một lượt chém rơi đầu ba vị sứ giả Tin Mừng. Trong lúc đó, bầu trời bỗng mất ánh nắng gắt, một luồng gió mát thổi lên, nhiệt độ ngoài trời giảm xuống hẳn. Có những đàn bướm trắng và những sợi dây tơ như bông bạch tuyết lượn quanh trên đầu các đấng tử đạo. Sự việc ấy diễn ra, khiến cho mọi tín hữu có mặt nơi ấy đều hốt hoảng, họ cầu nguyện liên hồi, và kêu tên cực trọng Danh thánh Chúa Giêsu, cùng thương tiếc ba đấng anh hùng, họ tin rằng : các thiên thần đến đón các ngài về trời ; còn những người ngoại giáo và cả những bọn lính lý hình thì thì sợ hãi và mang theo nỗi xúc động.
Khi các quan ra về, từ lương dân hay người công giáo đều tranh nhau thấm máu các vị chứng nhân anh dũng. Ba xác thánh được bọc trong ba cái chăn đem chôn cất tại chỗ, còn ba thủ cấp quan truyền bêu riếu ở bến đò Hàn ba ngày, rồi buông sông. Nhưng giáo dân đã lập mưu đặt ba củ chuối vào ba cái sọt, để đánh tráo lấy ba cái đầu đưa về Yên Dật. Xác thánh của ba đấng được cải lên rước về Thọ Ninh, ba đầu cũng được rước về đấy, ráp vào với ba thân mình.
Năm 1885, hài cốt của hai đức cha và cha Bình ở Thọ Ninh được cải lên. Hài cốt của đức cha Liêm được trao cho đức cha Terres Hiến, đem chôn táng trong nhà thờ thị xã Hải Dương, rồi đặt trên bàn thờ, riêng đầu của đức cha Liêm được rước về quê hương của đấng thánh ở Tây Ban Nha. Hài cốt đức cha Vinh và cha Bình thì giáo quyền lo liệu gửi sang Manila, rồi cũng rước về nguyên quán.
Đức Cha Hermosilla Liêm, một nhà truyền giáo đầy lỗi lạc. Sống và làm việc truyền giáo qua ba thời vua cấm đạo, ngài vẫn hằng làm việc hăng say không ngừng nghỉ. Chúa Quan Phòng đã giúp ngài thoát khỏi những hoàn cảnh đầy éo le, nguy biến, Biết bao khó khăn, gian khổ cùng với những thử thách trên bước đường truyền giáo “nằm gai, nếm mật” ngài từng trải qua. Để rồi, nhờ bàn tay của ngài, công trình của Đức Chúa được tỏa sáng, lan rộng khắp nơi. Một đấng thánh đầy trung thành của Thiên Chúa, ngài hưởng 61 tuổi dương gian. Đức cha Valentino Beririochoa Vinh, một nhà truyền giáo cần mẫn, vui tươi, kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh, chấp nhận đau khổ để thực hiện công việc của Chúa, chấp nhận cuộc sống nhục nhã của kiếp người để truyền rao chân lý, ngài hưởng được 34 tuổi xuân. Cha Pedro Almato Bình với tinh thần hăng say dấn thân, không sợ nguy khó, chấp nhận những khó khăn bệnh tật, những thử thách thể xác nhưng bên trong thân xác đó là một chí khí kiên cường trong ơn Chúa, để vun đắp cho cánh đồng tín hữu Việt Nam ngày thêm tươi tốt bằng đời sống đức tin, truyền rao chân lý của ngài và ngài đã làm nhiều việc cho Danh Thánh Đức Chúa trời, ngài hưởng 36 tuổi trên dương thế.
Vì sông hẹp, thuyền to, nước cạn, nhiều gềnh đoàn phải chuyển thuyền để đi tiếp. Chia tay đoàn thuyền của Giáo xứ Nguyệt Đức.
Với chiếc thuyền nhỏ hơn đoàn tiếp tục cuộc hành trình.
Anh Giuse Hoàng Đức Miên cùng tham gia chương trình văn nghệ
Chia tay chiếc thuyền của giáo họ Mai Thương và Đồng Nhân để đi bộ tới giáo xứ Tiểu Lễ.
Dù gian nan, dù vất vả, mặc những trở ngại, nhờ ơn Chúa thương đoàn đã tới Giáo xứ Tiểu Lễ.
Đức Cha gặp gỡ giáo dân giáo xứ Tiểu Lễ.
Đức Cha, Quý Cha cùng cộng đoàn giáo xứ Tiểu Lễ đang đọc kinh chiều và Chầu Thánh Thể tạ ơn Chúa đã thương ban cho những ngày Hành Hương bước theo bước chân của các Nhà Truyền Giáo Bắc Ninh được bình an, đầy ý nghĩa. Đức dâng lời cầu xin Thiên Chúa chúc lành, ban ơn cho tất cả những ân nhân, những ai giúp đỡ, cầu nguyện cho chuyến Hành Hương.
Đoàn chuẩn bị rời Tiểu Lễ chuyển sang xe ôt ô để đi Bến Nầm – Giáo xứ Nội Bài, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội
NGUỒN: GP. Bắc Ninh