3 giờ trước
Mấy ngày trung tuần tháng 11-2013, thông tin đại chúng – từ báo in tới internet – đều “sốt” với “tin nóng” về một cô bảo mẫu đã làm chết một cháu bé mới 18 tháng tuổi tên Đỗ Nhất Long (con đầu lòng của vợ chồng trẻ người Nghệ An) tại một nhà trẻ ở Thủ Đức. Cô “bảo mẫu” gây án là Hồ Ngọc Nhờ, 18 tuổi, người Cần Thơ.
Bảo mẫu là người giữ trẻ. Bảo mẫu thường là phụ nữ, vì phụ nữ luôn dịu dàng và nhu mì. Hiểu theo nghĩa Hán-Việt thì bảo mẫu là “người mẹ bảo vệ con trẻ”. Một công việc cao quý lắm. Thế nhưng “bảo mẫu” Nhờ đã làm ngược lại với thiên chức cao quý của mình. Nhờ làm bảo mẫu nhưng lại hành xử như dân “bảo kê” côn đồ, tàn ác, kinh hãi hơn là giết người.
Sáng ngày 16-11-2013, khi “bảo mẫu” Nhờ cho bé Long ăn cơm thì bé khóc. Lúc này, Nhờ xách tay chân bé Long lên để dọa, nhưng rồi Nhờ làm bé rơi xuống nền nhà khiến bé khóc thét lên. Tàn nhẫn hơn, Nhờ còn dùng chân đạp mạnh nhiều lần lên ngực và bụng bé Long, rồi bỏ vào nhà vệ sinh, mặc bé Long khóc thét. Khi Nhờ từ nhà vệ sinh đi ra thì thấy cháu Long nằm bất động trên nền nhà nên vội nhờ người dân chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân dân Miền Đông (quận 9) nhưng cháu Long đã tử vong trước đó. Ai biết chuyện này cũng rất căm phẫn “bảo mẫu” Nhờ độc ác như phù thủy!
Về phần Hồ Ngọc Nhờ, người ta cho biết rằng Nhờ còn thường xuyên đánh đập trẻ con, không chỉ đánh bé Long mà còn thường xuyên đánh cả con ruột của mình. Một người hàng xóm cho biết: “Nhờ có đứa con trai 2 tuổi, có những lần đi ngang qua tôi thấy cháu bé khóc nhưng Nhờ không dỗ dành mà đánh thẳng tay, thằng bé khóc ré lên thấy thương lắm”.
Chưa hết, Nhờ còn là người con dâu rất hỗn láo với cha mẹ chồng. Một phụ nữ trong xóm trọ nói về Nhờ: “Nó hay chửi mẹ chửi cha lắm. Không những thế, nó còn sỉ vả họ. Người ta thấy chướng mắt, hỏi nó thì nó bảo nó thích vậy đấy”. Thật là ngang ngược hết sức!
Một đàn ông cho biết: “Tôi rất bức xúc với cô bảo mẫu này, lúc bế cháu Long đi cấp cứu, ai cũng hỏi tại sao lại thế thì nó bảo là cháu Long đánh con nó rồi bị con nó đẩy té ngã xuống nền. Con nít xô nhau gì mà chết luôn!”.
Đã từng xảy ra nhiều vụ về các cô bảo mẫu làm hại con trẻ. Nhưng chuyện xấu này vẫn không giảm. Thật buồn! Phải chăng khi đào tạo các bảo mẫu, người ta không chú trọng đến đạo đức của người muốn làm bảo mẫu? Và phải chăng vì các bảo mẫu thường là những người kém học thức và nhận thức nên chuyện đau lòng cứ tiếp tục xảy ra? Rút kinh nghiệm mãi mà sao chẳng thấy khá hơn?
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Rau nào sâu nấy”. Cái tốt không bao giờ “hòa hợp” với cái xấu, dù người ta có tìm cách giả bộ cách nào thì rồi cũng thể hiện rõ bản chất thật của mình. Chúa Giêsu đã xác định rạch ròi: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây” (Mt 12:33). Cách ví von của Chúa rất đơn giản nhưng vẫn chi tiết và thâm thúy. Ngài đã gọi những người có tâm địa xấu là “loài rắn độc”, và Ngài thẳng thắn nguyền rủa: “Xấu như các người thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12:34-35).
Chúa Giêsu còn “đặt vấn đề” về những người “miệng nam-mô, bụng một bồ dao găm” thế này: “Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!” (Lc 6:44). Một lần nọ, Chúa Giêsu cảm thấy buồn đối với những người có lòng chai dạ đá nên Ngài đã phải thốt lên: “Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mt 17:17).
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài mau ngự đến cứu độ những người bị hại!
TRẦM THIÊN THU