Thường, tôi không quan tâm đến các vụ án kiểu Dương Chí Dũng lắm. Các tác hại nghiêm trọng do Dương Chí Dũng gây ra cho nền kinh tế Việt Nam đã rõ ràng, ai cũng biết. Các quan hệ chằng chịt kiểu mafia chung quanh Dương Chí Dũng kể từ lúc ông còn tại chức đến lúc ông bỏ trốn, thật ra, cũng rất dễ hiểu, không nói, ai cũng biết. Cung cách làm việc của tòa án Việt Nam, kể từ khi khởi tố cho đến lúc tuyên án, vốn từ lâu đã vậy, chẳng làm ai ngạc nhiên.
Điều tôi ngạc nhiên và cảm thấy thú vị là dường như, qua báo chí, từ lề phải đến lề trái, từ những người ủng hộ chính phủ đến những người chống đối chính phủ, hầu như không ai tỏ vẻ gì phẫn nộ trước các việc làm sai trái của ông cũng như không ai tỏ vẻ gì hả hê (hay bất bình) trước cái án tử hình mà ông nhận lãnh.
Người ta bàn nhiều về vụ án, nhưng trong thái độ của họ đối với Dương Chí Dũng, có cái gì như dửng dưng. Về tội trạng của ông? Ừ, thì cũng nghiêm trọng. Chỉ riêng việc mua cái ụ nổi cũ kỹ, mục nát, vô dụng từ Nga đã gây thiệt hại cho công quỹ đến 366 tỉ đồng, chưa nói đến bao nhiêu việc làm sai trái của ông nữa. Về án tử hình dành cho ông? - Ừ, thì cũng đáng thôi. Bao nhiêu người, chỉ phạm tội cướp tài sản vài ba trăm triệu đã có thể bị tử hình, huống gì Dương Chí Dũng, kẻ làm cho cả mấy thế hệ người Việt Nam mang nợ, không biết bao giờ mới trả xong.
Biết vậy, nhưng người ta vẫn có cái gì như dửng dưng. Lạ chứ?
Thật ra, nghĩ cho cùng, cũng không lạ. Lý do là hầu như ai cũng biết một số điều: Một, Dương Chí Dũng có tội và xứng đáng bị xử tội, nhưng, hai, ông không phải là người duy nhất, thậm chí, không phải là người có tội nhất trong việc phá nát nền kinh tế Việt Nam; và ba, quan trọng hơn, vụ án Dương Chí Dũng không phải chỉ thuần túy là một vụ án kinh tế: Nó còn là một vụ án chính trị, trong đó, Dương Chí Dũng chỉ là một con chốt thí.
Người ta dửng dưng trước một con chốt thí vì mọi sự quan tâm thực sự đều được đổ dồn vào hai hướng khác: Một, sự tranh chấp quyền lực đằng sau vụ án Dương Chí Dũng, và hai, bản chất của cái chế độ đã tạo ra và dung dưỡng cho Dương Chí Dũng và đồng bọn.
Hầu như ai cũng biết mọi hoạt động của Dương Chí Dũng đều có liên hệ chặt chẽ đến nhiều thế lực cao nhất trong đảng và trong chính phủ. Trước, mặc dù luôn luôn thất bại, nhúng tay vào đâu cũng đều gây lỗ lã đến đó, Dương Chí Dũng vẫn được cất nhắc lên các chức vụ lớn, càng ngày càng lớn, từ Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) đến Tổng giám đốc công ty Vinalines, rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty này, và cuối cùng, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam. Ai cất nhắc ông? Người đó, không ai khác, chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi vụ vỡ nợ của Vinalines bị bạch hóa và khi tội trạng của Dương Chí Dũng không thể che giấu được nữa, ai mật báo cho ông trốn thoát? – Theo lời khai của ông trước tòa án vào đầu tháng 1 vừa qua, đó chính là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công an, người được Dũng hối lộ nhiều lần, tổng cộng lên đến hơn một triệu Mỹ kim tiền mặt. Còn ai đã đưa Dương Chí Dũng trốn thoát sang Campuchia? Đó chính là các quan chức lớn trong ngành công an, trong đó, có Dương Tự Trọng, em ruột của Dũng, nguyên là đại tá phó giám đốc công an Hải Phòng. Tin đồn ở Việt Nam cho còn biết liên quan đến việc bao che cho Dương Chí Dũng có cả Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và là ủy viên Bộ Chính trị.
Ở đây nổi lên mấy vấn đề chính:
Thứ nhất, những người giúp đưa Dương Chí Dũng trốn qua Campuchia đã bị bắt và đã bị xử tội, nhưng còn những người mật báo cho Dũng trốn thoát (ví dụ, theo lời khai của Dũng, Phạm Quý Ngọ) thì sao?
Thứ hai, Dương Chí Dũng bị buộc tội nhận hối lộ lúc còn tại chức, nhưng còn những người từng được Dũng hối lộ cả hàng triệu Mỹ kim (có khi còn nhiều hơn thế nữa) để bao che và cất nhắc cho Dũng lúc còn tại chức cũng như lúc sắp bị bắt thì sao? Những người đó, ngoài Phạm Quý Ngọ, còn những ai?
Thứ ba, một số bình luận gia lo ngại Dương Chí Dũng có thể bị giết chết trong tù để bịt miệng. Khả năng ấy có thể có. Nhưng còn một khả năng khác, quan trọng hơn: Chắc chắn sẽ có một số thế lực tìm mọi cách để bảo vệ mạng sống của Dương Chí Dũng, ít nhất cho đến ngày án tử hình được thi hành, để làm một bằng chứng chống lại các thế lực đối nghịch trong đảng và trong chính phủ. Trong trường hợp này, Dương Chí Dũng sẽ được sử dụng như một thứ vũ khí trong cuộc đấu đá giữa các phe phái tại Việt Nam. Mạng sống của Dũng được kéo dài bao lâu sẽ tùy thuộc vào tương quan lực lượng trong cuộc đấu đá này. Cũng nên chú ý đến vai trò của Nguyễn Bá Thanh: Đây là cơ hội tốt nhất để ông tự khẳng định với tư cách Trưởng ban Nội chính Trung ương, một chức vụ được mở đầu một cách ầm ĩ nhưng lại kéo dài, cho đến nay, một cách lặng lẽ và không chừng chỉ đầy thất bại.
Bất kỳ ai thắng ai bại, kẻ bại cuối cùng cũng vẫn là đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại sao?
Có hai lý do và cả hai đều rất đơn giản:
Thứ nhất, qua vụ án Dương Chí Dũng, mọi người đều thấy rõ hơn sự thối nát của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Không phải thấy. Mà là thấy rõ hơn. Trước, người ta đã thấy nạn hối lộ của dân chúng với các quan chức và giữa các quan chức với nhau, nhưng người ta có thể không rõ số tiền người ta hối lộ cho nhau là bao nhiêu. Vụ Dương Chí Dũng tiết lộ một con số, chưa chắc đã là cao nhất, nhưng cũng đủ khiến mọi người phải há hốc: hơn một triệu Mỹ kim. Trước, người ta cũng đã thấy sự toa rập giữa các cán bộ với nhau; nay, thấy rõ thêm một điều này nữa: sự toa rập ấy có thể chà đạp lên cả luật pháp.
Thứ hai, việc đưa Dương Chí Dũng ra tòa là một thử thách đối với quyết tâm chống tham nhũng và quyết tâm ngăn chận cung cách làm ăn bất chính, chỉ nhắm đến lợi riêng và bất chấp các thiệt hại nghiêm trọng đối với quốc gia mà đảng và chính phủ lâu nay vẫn hứa hẹn. Bất cứ một thái độ chần chừ nào, ví dụ, bỏ qua lời khai của Dương Chí Dũng đối với Thứ trưởng Bộ công an Phạm Quý Ngọ, chẳng hạn, cũng đều tố giác việc bao che tham nhũng của đảng và chính phủ. Niềm tin của dân chúng đối với chế độ, nếu còn, sẽ nhanh chóng bị sụp đổ vì sự bao che ấy.
Bản án dành cho Dương Chí Dũng, do đó, trở thành bản án dành cho chế độ.
Nói vụ án Dương Chí Dũng là một vụ án chính trị là vì thế.