Đức Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập ra Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, sinh vào ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi,
nhằm ngày 15 tháng giêng năm 1920 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang) gần biên giới Việt - Miên.
Ngài là người con trai cả của Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê Thị Nhậm, một hương tộc nổi tiếng và được tôn kính bởi dân chúng khắp vùng .
Sau khi đậu cấp bằng Tiểu học tại Tân Châu, Đức Giáo Chủ vì đau yếu liên miên, đã phải thôi học . Với sự khá giả của gia đình, Ngài có thể có đủ điều kiện học đến cấp cao, nhưng vì sự bệnh hoạn nói trên, khiến ngài không tiếp tục được . Năm 15 tuổi, nhiều cơn sốt rét dữ dội phát sanh, làm cho Đức Giáo Chủ ngày càng gầy yếu, mất ăn mất ngủ . Chứng bịnh nầy còn thỉnh thoảng biến sanh nhiều hiện tượng khác làm cho thân hình Ngài trở nên tiều tụy da dẻ xanh gầy .
Đau lòng vì bịnh của con, Đức Ông và Đức Bà (thân phụ và thân mẫu của Đức Giáo Chủ) hết lòng lo phương cứu chữa . Nhưng bịnh vẫn hoàn bịnh .
Trong mấy năm từ 15 đến 21 tuổi , Đức Giáo Chủ mắc phải chứng bịnh trầm kha mà không một thầy thuốc Đông Y hay Tây Y nào trị được . Thì ra đó là cơ hội mà các đấng Thiêng Liêng dọn sửa phần xác thịt để Đức Giáo Chủ tiếp nhận những điển quang tinh anh mạnh mẽ sau nầy .
Kịp đến ngày 18 tháng 5 năm Kỹ Mão (1939), một ngày dáng ghi nhớ trong lịch sử cách mạng và đạo giáo nước nhà, một cuộc lễ vô cùng tôn nghiêm được cử hành tại Tổ Đình để cho Đức Giáo Chủ "Đền Linh Khứu sơn trung thọ mạng" .
Bấy giờ Đức Giáo Chủ được 21 tuổi . Mặc dù còn bịnh hoạn dây dưa, gương mặt Ngài trông vẫn đẹp đẽ khôi ngô và trí huệ Ngài trở nên dị thường tỏ ngỏ . Bắt đầu từ đó Ngài chữa bịnh thuyết pháp và sáng tác Thi Văn Kệ Giảng .
Từ tháng 5 năm 1936, nhiều bịnh tà, bịnh điên nan y, đã được đưa đến tận làng Hòa Hảo và được chữa khỏi, không khác nào Đức Chúa Giê Su hay Phật Thầy Tây An thuở trước đã chữa khỏi muôn vạn dân lành . Vì vậy mà số người đến xin trị bịnh càng lúc càng đông . Kẻ ở xa xôi tận miền Trung hoặc Sài Gòn, Chợ Lớn, cũng như người ở gần gũi miệt Sa Đéc, Cần Thơ đua nhau đến nhờ Ngài cứu chữa .
Phương pháp của Đức Giáo Chủ rất đơn giản . Tùy theo triệu chứng của bịnh nhân, Ngài khi thì nước lã, giấy vàng, lúc thì đưa bông trang, lá bưởi ....Một điều đáng để ý là mỗi khi trị bịnh cho người nào là Ngài khuyên họ nên niệm Phật tưởng Trời và vái van Thần Thánh bởi vì :
Thành lòng nước lã nên hồ,
Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban.
Số người được cứu sống kể sao cho xiết . Nhờ sự cứu bịnh đó của Ngài, Đức Giáo Chủ trong một thời gian ngắn khoảng một năm (1939-1940), đã thu hút được một số đông quay về ngưỡng mộ .
Thế mới hay Ngài đã thực hành phương pháp dự định trước kia là "dùng huyền diệu của Tiên Gia độ bịnh cho kẻ có căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư Vị với Trăm Quan" . Người ta đã cảm đức và ghi ân, nên đã trùng trùng quy y Phật Pháp .
Sau ngày "chịu lịnh Tây Phương thọ ký", tức 18-5 Kỷ Mão, Đức Giáo Chủ ít trầm mặc và nói nhiều hơn xưa . Gặp ai Ngài nói nấy . Ngài nói về sắc diện, tính tình và tương lai của người đối thoại để gần cuối câu chuyện, Ngài khuyên làm lành, lánh dữ và nên tin Phật, xem Kinh .
Ngài luôn luôn khiêm tốn trong cử chỉ, văn từ và rất mực bình dân, nhũn nhặn với bất cứ người thân sơ, cao thấp . Nhứt là đối với hạng người quyền thế Đức Giáo Chủ không hề có cử chỉ khúm núm hoặc dùng những tiếng "bẩm", tiếng "ngài" như thời lệ .
Biết bao người có khuynh hướng Cộng Sản đến chất vấn Giáo Chủ . Họ lấy làm khâm phục vì đã nói thấu ruột gan, và còn giải thích, biện luận rõ ràng để đánh đổ cái học thuyết Mácxit - Lênin mà người ta đang theo ấy .
Thế là trong số thập phương thiện tín tới viếng Giáo Chủ ngoài những người xin bùa, thỉnh thuốc, từ ấy lại có thêm nhiều người đến để, hoặc nghe Ngài giảng giải giáo lý nhiệm mầu, hoặc đọ sức thử tài xem coi sở kiến của Ngài có áp phục được họ chăng .
Trong số những tay cự phách của làng nho, cùng những tay quyền quý tân học đang làm việc cho Pháp đến với Ngài, ta có thể kể Chủ Quận Tân Châu, Chủ Quận Chợ Mới, y sĩ Nguyễn Kỳ Trân, thi sĩ Huỳnh Hiệp Hòa, Hương cả Đào-thành Đô và nhiều học giả đương thời khác . Những vị nầy sau một lần gặp Đức Giáo Chủ thì đều phục tài kính đức .
Một ký giả ở Sài Gòn, ông Hiên Sĩ, khi viết về Đức Giáo Chủ trong hơn 30 bài báo, có diễn tả tài hùng biện của Ngài bằng câu "thao thao bất tuyệt" và kết luận rằng Ngài đã "chiếm giải quán quân về phương diện diễn thuyết ".
Lại nữa, lời văn của Đức Giáo Chủ có mãnh lực hấp dẫn quần chúng một cách lạ thường nên thính giả nhiều khi mủi lòng rơi lụy, liền phát tâm tu hành theo Đạo .
Ai đã từng dõi gót theo Ngài trong cuộc khuyến nông năm 1945, trong vòng 2 tháng với không biết bao nhiêu lý luận khác nhau, đều phải công nhận Ngài là bậc "mồm sông bút sấm" .
Những cuộc thuyết pháp kể trên, nếu cộng với 107 lần chu du khuyến nông thuyết giáo trên gần khắp miền Nam năm 1945, chúng ta có thể nói Ngài đã trải qua trên một ngàn lần khuyến thuyết quan trọng với hằng ngàn đề tài khác biệt . Và nhờ những cuộc thuyết pháp này mà người mộ đạo quy căn, ngày càng đông thêm không xiết nói.
Nhưng công đức vĩ đại lớn nhất của Đức Huỳnh Giáo Chủ trong việc truyền giáo là việc viết ra Kệ Giảng . Nhờ Kệ Giảng đó mới được phổ truyền một cách sâu rộng chủ trương canh tân Phật Giáo của Ngài và nhờ đó mà hằng triệu người mộ đạo và quay về với chân tính, tự tâm .
Những tác phẩm của Đức Giáo Chủ viết ra, phần nhiều thuộc thể văn vần . Ngài viết, dầu tản văn hay vận văn, điều đáng để ý là khi cầm bút thì cứ viết thẳng một mạch, không dùng giấy nháp . Có thể kể những tác phẩm trường thiên sau đây của Đức Giáo Chủ:
1. Sấm Giảng Khuyên Người Đời Tu Niệm , tức quyển nhứt, văn lục bát, dài 910 câu xuất bản lần đầu năm 1939.
2. Kệ Dân của Người Khùng , tức quyển nhì, văn thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, xuất bản lần đầu năm 1939.
3. Sám Giảng , tức quyển ba, văn lục bát dài 612 câu, xuất bản lần đầu năm 1939.
4. Giác Mê Tâm Kệ , tức quyển thứ tư, văn thất ngôn trường thiên, dài 846 câu, xuất bản lần đầu năm 1939.
5. Khuyến Thiện , tức cuốn thứ năm, đoạn nhứt và đoạn chót viết bằng lối lụt bát, đoạn giữa viết bằng lối thất ngôn, dài 756 câu, xuất bản lần đầu năm 1942.
6. Tôn-Chỉ Hành Đạo. Quyển này viết bằng văn xuôi, xuất bản lần đầu năm 1945 . Tuy văn xuôi, quyển này có một đặc sắc là giản dị mà lưu loát, âm hưởng du dương nhịp nhàng.
Ngoài sáu quyển vừa kể, Đức Giáo Chủ còn viết ra rất nhiều bài thi, bài văn gom góp để in thành một quyển nhan đề "Sưu Tập Thi Văn Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ".
Nhìn qua công đức truyền giáo của Đức Giáo Chủ, ta thấy trong một thời gian tuy không dài nhưng những điều Ngài đã thực hiện, bắt buộc những người dù cho khó tính tới đâu, cũng phải công nhận là vô cùng phong phú và vĩ đại .
Đó là đối với công cuộc truyền giáo . Đối với sự nghiệp Chánh Trị và công cuộc cứu quốc :
Trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1942, vì sự tập hợp của các tín đồ thiện nam tín nữ đến nghe các cuộc thuyết pháp của Ngài và quy y theo đạo ngày càng đông , thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam Đức Giáo Chủ để theo dõi và giám sát ngôn ngữ, hành vi của Ngài . Năm 1942, Ngài được hiến binh Nhật giải thoát và tạm thời được an toàn để tiếp tục công cuộc liên lạc với các nhà ái quốc chân chính .
Năm 1943, Ngài nhận làm cố vấn cho Thanh Niên Ái Quốc Đoàn, sau đổi tên thành Việt Nam Ái Quốc Đảng . Cuối năm 1944, Ngài bí mật chỉ thị cho thanh niên PGHH thành lập Bảo An Đoàn ở một số tỉnh miền Tây . Tháng 3 năm 1945, Ngài thành lập VN Độc Lập Vận Động Hội vì Ngài nhận thấy thái độ chưa dứt khoát của người Nhật về vấn đề độc lập và thống nhất của VN . Tháng 10 năm ấy , Ngài liên kết với các lãnh tụ tôn giáo và đảng phái quốc gia thành lập Mật Trận Quốc Gia Thống Nhất . Mặt trận này quy tụ hầu hết các lực lượng tôn giáo, chánh trị, và trí thức Miền Nam, nên đã bị Trần Văn Giàu, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ cùng đồng bọn Cộng Sản bao vây văn phòng PGHH ở góc đường Miche và Sohier . Tất cả nhân viên tại đây đều bị bắt . Đức Giáo Chủ cùng một số tín đồ thân cận vượt khỏi vòng vây lên xe đi về ngoại ô châu thành Biên Hòa, sau đó đến rừng chồi Long Thành, cuối cùng băng rừng vượt suối đến Cỏ Nay, thuộc tỉnh Bà Rịa , rồi rút sâu vào rừng chà là .
Đến năm 1946, Ngài bí mật trở về ẩn trú tại vùng Chợ Lớn, và sau tết nguyên đán năm Bính Tuất các tín đồ PGHH bắt đầu nối được liên lạc với Ngài . Tháng 4 năm 1946 Mặt trận quốc gia liên hiệp ra đời mà Đức Giáo Chủ là Chủ Tịch , trong đó quy tụ rất đông các lãnh tụ quốc gia .
Nhưng sau đó không lâu, Việt Minh lại dở ngón độc tài hạ lệnh giải tán mặt trận . Ngày 21 tháng 9, năm 1946 Đức Giáo Chủ thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng để có danh nghĩa tranh đấu cứu quốc, đồng thời kết nạp các phần tử quốc gia chân chính .
Tháng 10 năm 1946, sau nhiều lần Phạm Thiều theo chỉ thị Việt Minh, mời Đức Giáo Chủ tham chánh, Ngài đứng ra lãnh nhiệm vụ Ủy Viên Đặc Biệt trong Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ . Điều này chứng tỏ thiện chí của Ngài lúc nào cũng nghĩ tới quyền lợi tối thượng của Tổ quốc mà dẹp bỏ hiềm riêng . Nhưng Việt Minh đã phản bội, cho tái diễn những cuộc xô xát giữa họ và tín đồ PGHH tại miền Tây . Được tin nầy Đức Giáo Chủ đã rời miền Đông về miền Tây dàn xếp .
Ngày 16 tháng 4 năm 1947 (tức ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi), chi đội trưởng Vệ Quốc Quân Bửu Vinh và Thanh Tra Chánh Trị miền Tây Nam Bộ Trần Văn Nguyên, âm mưu mời Ngài đến họp và hãm hại Ngài tại ngọn rạch Đốc Vàng Hạ, nay thuộc xã Tân Phú, tỉnh Đồng Tháp . Trong lúc họp, Bửu Vinh đã cho quân của Việt Minh phục kích và giết các tự vệ quân của Đức Giáo Chủ . Trong lúc rối loạn, Đức Thầy vẫn bình tĩnh , thổi tắt ngọn đèn và ra đi trong đêm tối . Sau biến cố này , không một ai rõ tin về Ngài .
Liền ngày sau, Việt Minh đã phát động một chiến dịch đại quy mô nhằm tiêu diệt tất cả các chức sắc PGHH và cán bộ VN Dân Chủ Xã Hội Đảng .
Kể từ ngày Đức Giáo Chủ ra đi cho đến nay 1947 - 2001 là đã 54 năm tròn, PGHH phải liên tục tự vệ để sống. Đoàn thể PGHH vẫn một lòng tin tưởng rằng Cộng Sản không thể nào hãm hại được Đức Giáo Chủ và Ngài sẽ trở về để hoàn tất sứ mạng thiêng liêng tại Hội Long Hoa đúng như những lời tiên tri trong kinh giảng.
Và với công đức phi thường đó của Đức Giáo Chủ trong công cuộc truyền giáo và cứu quốc, trái tim của người tín đồ PGHH đã và đang luôn hướng về Ngài và sẵn sàng xã thân vì đạo nghĩa.