Thánh Lễ Cộng Đoàn ngày 01.06.2014 vừa qua có sự hiện diện của bốn linh mục Việt Nam: Cha Giuse Nguyễn Trung Điểm, cựu tuyên úy của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại vùng Bắc Đức và và cũng là người thành lập Cộng Đoàn Hamburg,cha Franz Nguyễn Ngọc Thủy SAC, là tuyên úy cho giáo dân Việt Nam tại TGP Paderborn và GP Essen, cha Giuse Phạm Văn Duy thuộc dòng Đa Minh, đang tu học tại dòng Đa Minh thuộc GP Hamburg và cha Phaolô Phạm Văn Tuấn là tuyên úy của Cộng Đoàn. Ngoài việc mừng trước lễ Bổn Mạng của Ca Đoàn Thánh Linh (vì ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống nhằm vào Đại Hội Công Giáo), Thánh Lễ đồng tế hôm nay mang một sắc thái đặc biệt vì mọi người hướng lòng về quê hương Việt Nam, nơi đang nằm trong một tình trạng vô cùng nguy hiểm.
Trong bài giảng cha Franz Nguyễn Ngọc Thủy đã nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Các Tông Đồ, từ những con người hãi sợ, hèn yếu, bơ vơ hốt hoảng sau khi Chúa Giêsu, người lãnh đạo của họ, đã về trời, họ không dám ra mặt ngoài công chúng, trốn tránh trong những căn nhà đóng kín cửa vì sợ hãi những người chung quanh. Thế nhưng, thần khí của Thiên Chúa đến với họ trong ngày Lễ Ngũ Tuần và biến đổi họ hoàn toàn. Những người đánh cá chân phác, dốt nát, nhút nhát đã trở thành những chứng nhân mạnh mẽ của Thiên Chúa trong lời nói và hành động trong một xã hội đầy thù nghịch, lúc nào cũng sẵn sàng để tiêu diệt họ chỉ vì nghi kỵ, khác quan điểm, hoặc chỉ vì lo lắng quyền lợi bị đụng chạm. Cha cũng chia sẻ một phương cách quan trọng trong đời sống một Kitô hữu: Trước khi làm việc gì, trước khi muốn chửi mắng ai, trước khi có ý định giận dữ với ai, ta hãy dừng lại và cầu nguyện: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần”. Những điều ta định thi hành có phải là ý Chúa, có phải là điều làm sáng sanh Chúa, có phải là hành động của một người theo Chúa không?
Mở đầu nghi thức cầu nguyện cho quê hương Việt Nam ở phần cuối Thánh Lễ, ông Cộng Đoàn Trưởng đã trình bày sơ lược lý do của việc này. Việc Trung Quốc ngày 01.05.2014 ngang nhiên đưa giàn khoan dầu HD-981 vào vùng biển Hoàng Sa, nơi thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Giàn khoa này đã được hộ tống bởi trên 80 tàu lớn nhỏ, trong đó có nhiều tàu chiến của hải quân Trung Quốc. Hành động xấc xược này đã tạo công phẫn về phía Việt Nam. Mặc dù cùng là “đồng chí” cộng sản và có quan hệ bang giao chặt chẽ được tô vẽ qua "16 chữ vàng" và „bốn tốt“ (1), nhưng thái độ của Trung Quốc đã làm người „đồng chí tốt“ Việt Nam như chợt tỉnh giấc sau một cơn mê dài và đến nay cương quyết không nhượng bộ. Trong tình trạng căng thẳng này, chỉ cần một động thái bất cẩn thì một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với những hậu quả không lường trước được.
Cha tuyên úy Phạm Văn Tuấn đã nhắc lại quan điểm của Giáo Hội Việt Nam qua lời tuyên bố của chủ tịch HĐGM Việt Nam, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, và nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng PhaolôVI trong thông điệp ngày thế giới hoà bình năm 1975: "Hoà bình chỉ được thể hiện trong hoà bình. Một nền hòa bình không thể tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, nhưng được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, sự khoan dung, lòng thương xót và tình yêu.“
Ca Đoàn Thánh Linh đã đứng quây quần trên bàn thờ và cùng Cộng Đoàn hát bài „Thánh Tâm Giêsu Vua“. Người Công Giáo Việt Nam đã đặt Thánh Tâm Chúa Giêsu làm vua nước Việt. Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Thánh Tâm Chúa Giêsu là tình yêu bao la của Thiên Chúa Ngôi Hai dành cho con người. Khi xin tình yêu của Chúa làm vua mình, người Công Giáo Việt Nam muốn thể hiện một tâm tình mà chúng ta thường hay lập lại trong một bài hát quen thuộc, còn được gọi là bài Quốc Ca không chính thức: „Tình yêu đây là khí giới, tình thương đem về muôn nơi. Việt Nam, đây tiếng nói đi xây tình người“.
Trong thư chung kêu gọi liên quan đến xung đột trên Biển Đông hiện nay HĐGM Việt Nam cũng khẳng định: „Thực hiện Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, HĐGM Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện đường lối xây dựng hòa bình trong sứ vụ của mình và mong muốn công lý và hoà bình được thực thi trong xung đột hiện nay.“
Trong tinh thần này CĐCG Hamburg đã cùng cất cao lời cầu xin„Đoàn con mong ước tháng năm sống đời an ninh. Chúa ơi, hãy ban xuống cho Việt Nam thanh bình“. Mọi người cùng lần lượt sắp ngọn nến sáng trên tay lên hình bản đồ Việt Nam, biểu tượng cho giang sơn mà tổ tiên đã dày công xây đắp. Mỗi ngọn nến sáng là một tấm lòng hướng về quê hương vẫn còn đang phải chịu đựng cảnh tăm tối của chủ nghĩa sai lầm, của chia rẽ và hận thù vì ý thức hệ, làm suy giảm tiềm lực của đất nước, làm thui chột nhân tâm, sói mòn đạo lý. Các ngọn nến làm bừng sáng biểu tượng chữ S như niềm hy vọng cho quê hương một ngày sẽ rực rỡ sáng tươi.
Cha Giuse Nguyễn Trung Điểm đã dâng lời nguyện cầu lên Thiên Chúa, xin Ngài giáng phước và ban hoà bình xuống cho con cái của Ngài, cho quê hương Việt Nam thân yêu, cho những người đi tìm kiếm nền hòa bình đích thực và vĩnh cửu. Mọi người sau đó đã cùng hướng lòng về Mẹ Maria để cầu xin “Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam...” và xin “Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, đưa Việt Nam qua phút nguy nan”. Lời khẩn cầu tha thiết của những người con của Mẹ sống xa quê hương, hướng lòng về quê Cha đất Tổ để cầu cho giang sơn được an bình, chắc chắn sẽ được Mẹ nhậm lời.
Sau Thánh Lễ mọi người đã vào hội trường để gặp gỡ và trao đổi với nhau. Ca Đoàn Thánh Linh và mọi người đã cùng cất cao bài hát nay đã trở thành quen thuộc: “Trường Sa là máu của ta, Hoàng Sa là thịt của ta. Đất nước ta là xương là máu ông cha để lại...” Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, theo những tài liệu đã minh chứng cho đến nay thì Hoàng Sa chắc chắn là của Việt Nam, đã bị Trung Quốc dùng vũ lực ngang nhiên chiếm vào năm 1974. Quần đảo Trường Sa là vùng còn cần phải phân định rõ rệt chủ quyền giữa các nước Việt Nam, Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Trung Quốc. Trung Quốc cho đến nay vẫn cứ dựa trên cơ sở “đường chín đoạn” hay đường 9 khúc (có hình một cái lưỡi nên còn gọi là Đường lưỡi bò hoặc Đường chữ U) (2) để đòi hỏi chủ quyền của mình trên gần như toàn bộ khu vực biển Đông. Chỉ cần nhìn vào bản đồ khu vực thì ta sẽ thấy rõ sự phi lý của đòi hỏi xấc xược này.
Bản đồ vẽ "đường 9 đọan"
Người Việt Nam yêu chuộng hoà bình. Nhưng hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đã cho thấy điều mà vị danh tướng Lý Thường Kiệt vào thế kỷ thứ 11 trong bài thơ “Nam Quốc sơn hà” đã khẳng định:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
南國山河
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 定 分 在 天 書
如 何 逆 虜 來 侵 犯
汝 等 行 看 取 敗 虛
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
Một nền hòa bình thật sự không thể xây dựng trên nền tảng của sự loại bỏ công lý. Thái độ của Trung Quốc hiện nay thể hiện vóc dáng của một người khổng lồ với ước mơ „đại cường quốc“ nhưng có thái độ của một đứa trẻ háu đói, hung hăng và tham lam, chỉ muốn dành phần tất cả cho mình, hành xử như một thứ bộ lạc thời đồ đá, dùng sức mạnh để tranh giành miếng ăn. Có thể đây là cơ hội tốt để Việt Nam thoát ra khỏi giấc mơ chủ nghĩa cộng sản đại đồng hoang tưởng, thoát khỏi đám mây mù ảo ảnh của chủ nghĩa phản khoa học, phản nhân vị, thoát ra khỏi vòng tay của một đàn anh ấu trĩ, tham lam và tàn nhẫn, ngay cả với chính những người đồng chủng của mình. Những vũng máu của chính người dân Trung Quốc, phần lớn là những sinh viên học sinh trẻ, chỉ có cây bút trên tay và một trái tim nồng nhiệt, đã đổ ra lai láng trên quảng trường Thiên An Môn tại thủ đô Bắc Kinh 25 năm về trước do những viên đạn từ chính quân đội „nhân dân“ Trung Quốc, đến nay vẫn chưa khô.
Biết đâu nhờ vậy mà Chim Lạc sẽ đủ sức để vươn đôi cánh hùng dũng bay lên bầu trời của một Việt Nam - minh châu trời Đông, giang sơn linh thiêng của con cháu Tiên Rồng.
JB Lê Văn Hồng
…………………..
(1) Xuất phát từ quan điểm: “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan” sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa bang giao từ tháng 11 năm 1991, trong Tuyên Bố Chung tháng hai 1999 Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc Giang Trạch Dân và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã thỏa thuận phương châm 16 chữ vàng "Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện". Đến năm 2002 Trung Quốc lại đưa ra một phương châm nữa, gọi là “4 tốt”: "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
(2) Đường chín đoạn được hình thành dựa trên cơ sở "đường mười một đoạn" của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Đường mười một đoạn là đường quốc giới trên biển Đông do mười một đoạn liên tục tạo thành, xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ đồ "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc" do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập vẫn xác định cương vực trên biển Đông theo "đường mười một đoạn" của Trung Hoa Dân Quốc, đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, trở thành "đường chín đoạn".