Tân Hoa xã đưa tin, một nhóm người cầm dao đã tấn công một đồn cảnh sát và nhiều trụ sở chính quyền ở huyện Toa Xa vào rạng sáng 28/7. Cảnh sát địa phương khẳng định đây là một vụ tấn công khủng bố có chủ đích và được lên kế hoạch từ trước.
Dilxat Raxit, phát ngôn viên của nhóm người Duy Ngô Nhĩ WUC ở ngoài Trung Quốc cho biết với các hãng thông tấn quốc tế rằng hơn 20 người tấn công là người Duy Ngô Nhĩ đã bị giới chức Trung Quốc bắn chết, trong khi phía lực lượng an ninh Trung Quốc có 13 người thiệt mạng và bị thương. Ngoài ra, giới chức trách bắt giữ khoảng 67 người.
Hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Tân Cương hôm 22/5 vừa qua
Làn sóng tấn công nhằm vào cảnh sát, các cơ quan chính phủ và dân thường tại Trung Quốc đang gia tăng về quy mô. Hầu hết các vụ tấn công xảy ra ở Tân Cương và dần mở rộng ra bên ngoài khu tự trị này. Tháng 10/2013, một chiếc xe đã lao vào du khách ở quảng trường Thiên An Môn khiến 5 người chết, hàng chục người bị thương. Phía Cảnh sát Bắc Kinh cho rằng đây là một vụ tấn công khủng bố do những kẻ cực đoan tôn giáo đến từ khu tự trị Tân Cương thực hiện. Truyền thông Trung Quốc thì cho biết những kẻ khủng bố là người trong một gia đình.
Trung Quốc đã gọi vụ tấn công bằng dao điên loạn ở một ga xe lửa tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam làm 29 người chết và hơn 140 người bị thương hồi tháng 3/2014 là thảm họa "11/9 của Trung Quốc".
Các vụ tấn công trên đều gây chấn động mạnh mẽ tại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng bạo loạn sắc tộc đẫm máu tại Tân Cương năm 2009 khiến 197 người chết, trong đó phần lớn là các nạn nhân người Hán, chính là sự kiện có tính bước ngoặt khiến các vụ xung đột với quy mô lớn xảy ra ngày càng nhiều hơn.
Trong các vụ việc trên, giới chức Bắc Kinh đều cho rằng đó là các vụ tấn công khủng bố do những kẻ cực đoan tôn giáo đến từ khu tự trị Tân Cương thực hiện. Các nhóm người Duy Ngô Nhĩ và nhóm nhân quyền lưu vong cho rằng chính các chính sách hà khắc của chính quyền tại Tân Cương, trong đó có việc kiểm soát người Hồi giáo, đã kích động tình trạng bất ổn, nhưng Trung Quốc luôn bác bỏ điều này.
Từ lúc lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng nhiều Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Tân Cương nhiều hơn bất kì một khu vực tiền tiêu nào khác, kể cả Tây Tạng. Không những vậy, ông Tập Cận Bình còn đích thân chủ trì 7 cuộc thảo luận cấp cao, ban hành hơn 30 sắc lệnh về Tân Cương kể từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (10/2012).
Trong chuyến thăm Tân Cương hồi tháng 4/2014, ông Tập mạnh mẽ tuyên bố: "Cuộc chiến chống lại bạo lực và khủng bố không thể xao lãng dù một phút một giây nào và phải có các hành động quyết liệt để kiên quyết trấn áp cơ hội của bọn khủng bố”.
Cuối tháng 5 vừa qua Trung Quốc đã triển khai chiến dịch chống khủng bố kéo dài một năm trên toàn quốc, trong đó Tân Cương là địa bàn trọng yếu. Nhà chức trách tuyên bố sẽ truy bắt và xét xử những kẻ liên quan. Trung Quốc đã tuyên án tử hình hàng chục kẻ đối tượng với tội danh "tấn công khủng bố".
Thống kê nội bộ cho biết, chỉ riêng năm 2013, đã xảy ra 248 vụ việc "bạo lực và khủng bố" tại vùng cực Tây này, chủ yếu là do người Duy Ngô Nhĩ thiểu số tấn công các cơ quan công quyền và cộng đồng người Hán. Và sang năm 2014, với hàng loạt vụ việc chấn động, con số các vụ tấn công cũng không hề nhỏ.
Thực tế cho thấy, việc dùng "nắm đấm" của Trung Quốc đối với khu tự trị Tân Cương tỏ ra chưa hiệu quả khi các vụ tấn công ngày càng xảy ra càng nhiều với quy mô lớn. Chính quyền của ông Tập Cận Bình hẳn sẽ còn rất đau đầu để giải quyết tận gốc rễ bạo lực tại khu vực này.
An Thái