"Trung ương tín nhiệm bầu tôi với số phiếu gần như tuyệt đối. Tôi bất ngờ vì tuổi đã cao, sức khỏe có hạn, lo lắng vì gánh trách nhiệm rất lớn", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
9h10 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một số lãnh đạo Đảng bước vào trung tâm báo chí đại hội XII, bắt đầu buổi họp báo quốc tế, dự kiến 30 phút.
- Cảm nghĩ của ông được bầu làm Tổng bí thư?
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tôi không ngờ mình được Đại hội tín nhiệm giới thiệu bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Ban chấp hành họp phiên thứ nhất cũng bầu tôi vào vị trí Tổng bí thư với số phiếu gần như tuyệt đối.
Tôi bất ngờ vì tuổi đã cao, sức khoer có hạn. Tôi cũng đã xin nghỉ rồi nhưng với trách nhiệm của Đảng đã giao thì tôi là đảng viên phải thực hiện trách nhiệm của mình. Giao trách nhiệm cho chúng tôi, chúng tôi rất lo lắng.Bất ngờ, xúc động, lo lắng vì công việc sắp tới còn nặng nề lắm, gánh trách nhiệm rất lớn. Trước tình hình diễn biến trong nước, quốc tế như thế này, thời cơ thuận lợi, nhưng khó khăn thách thức cũng rất nhiều.
- Trung ương khoá XI đã có nhiều đổi mới như lấy phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt... Vậy những điểm mới của Trung ương khoá XII là gì?
- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Câu hỏi của bạn không nằm trong phạm vi đại hội. Đại hội không làm việc ấy vì đây là việc thường xuyên phải làm. Bắt đầu làm từ Hội nghị Trung ương 4 trong công tác cấp bách về xây dựng đảng hiện nay. Có nhiều cái mới, lần đầu tiên đảng ta lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời cũng yêu cầu các cơ quan công quyền... lấy phiếu tín nhiệm.
Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cũng là lần đầu tiên làm tại khoá này. Lần đầu tiên bầu đủ một lần 19 ủy viên Bộ Chính trị. Tất cả chức danh đều có tỉ lệ phiếu rất cao. Cũng tại đại hội, lần đầu tiên bầu 180 đồng chí uỷ viên mà tỉ lệ phiếu rất cao, thấp nhất cũng là 62%.
- Chất vấn trong Đảng là một trong những hoạt động đảm bảo dân chủ, nhưng nhiệm kỳ vừa rồi còn rất ít, sắp tới sẽ thúc đẩy như thế nào?
- Đúng là chất vấn trong Đảng mới thực hiện gần đây, là một hình thức dân chủ trong Đảng, là hình thức giám sát của ủy viên trung ương với các lãnh đạo, có cái làm rõ thêm, có cái để làm rõ trách nhiệm đến đâu. Hội nghị trung ương nào cũng có chủ trương tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội nghị. Tất nhiên chưa được nhiều lắm, vì thời gian có hạn. Bản thân tôi cũng xin được chất vấn, trả lời trực tiếp tại hội nghị trung ương. Chất vấn xong giải đáp được nhiều thắc mắc, giải tỏa nhiều tâm tư, quan hệ giữa các đồng chí lại tốt đẹp hơn.
Sắp tới nhiều việc phải làm, phải kiên trì: quy hoạch cán bộ chiến lược cấp trung ương, nhất là trẻ. Lần này Bộ Chính trị trẻ hóa rất nhiều. 19 Ủy viên Bộ Chính trịcó 7 vị tái đắc cử, còn lại rất trẻ. Người trẻ nhất là đồng chí Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970. Lần này có 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, bình đẳng giới rất rõ. Việc giám sát quyền lực đảm bảo làm sao kiểm soát, hạn chế tham nhũng, lãng phí bằng kiểm soát quyền lực.
- Xin chúc mừng Tổng bí thư. Tổng bí thư vừa nói, ông tuổi cũng cao so với những người trong Bộ Chính trị, Ông cũng nêu về các gương mặt mới, thế hệ trẻ trong Bộ Chính trị. Vậy ông có kế hoạch, lộ trình để tìm kiếm người trẻ, tài đức kế nhiệm; lộ trình đó kéo dài bao lâu?
- Xin cảm ơn bạn đã chúc mừng. Vấn đề bạn vừa nêu lên cũng là một điều tôi lo: làm sao bồi dưỡng được thế hệ trẻ. Đảng cũng nói rồi, làm sao tiếp tục đào tạo được lớp trẻ, cũng như măng có lớp già, lớp bánh tẻ và lớp non. Cũng như bụi tre, phải làm như vậy mới ấm gốc, để phát triển bền vững được chứ đứng đơn độc không vững được.
Lo phát triển cán bộ trẻ cần kế hoạch, chiến lược lâu dài. Vừa qua, chúng ta làm được một ít, nhưng cần cố gắng nhiều hơn. Việc này đòi hỏi có cái tâm, quan tâm đào tạo cán bộ trẻ. Ngay trong Ban chấp hành trung ương mới, tỷ lệ trẻ được đào tạo nhiều, nhân tài không thiếu. Lớp trẻ được tiếp xúc với nhiều thông tin hiện đại, có kiến thức tốt hơn thế hệ chúng tôi.
Tuy nhiên, việc bạn hỏi bao giờ xong, kế hoạch thế nào thì khó trả lời. Phải làm từng bước, bài bản, chứ bây giờ nói 2, 3 hay 5 năm sợ không khả thi và ảo tưởng.
- Kết quả bỏ phiếu tại đại hội có đúng như kế hoạch nhân sự của Ban chấp hành Trung ương khóa XI?
Kết quả bầu cử hoàn toàn đúng với phương hướng nhân sự. Nói về phương hướng nghĩa là tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng, cơ cấu, tỷ lệ trẻ già, nam nữ.
Còn chọn lựa ai, nhân sự nào thì khác. Ngoài danh sách do Ban chấp hành Trung ương giới thiệu, đại hội lại giới thiệu thêm. Dù chỉ 1-2 người giới thiệu cũng đưa vào danh sách. Các cá nhân xin rút và được cho rút thì thôi.
Theo quy chế đại hội đã được thông qua, đoàn chủ tịch xem xét các ý kiến giới thiệu và việc có cho rút hay không thì bày tỏ chính kiến của mình. Đại hội cho rút hay không thì bỏ phiếu kín, công bố tại đại hội. Ngay cả khi số dư trên 30%, đại hội cũng theo quy chế làm việc đã thông qua lấy ý kiến để rút xuống 30% theo sự tín nhiệm thể hiện qua phiếu kín.
Như vậy, đại hội vừa kết hợp ý kiến của Ban chấp hành Trung ương khóa trước, vừa tôn trọng ý kiến của từng đại biểu. Có người do Trung ương giới thiệu ra nhưng không trúng cử. Có người đại biểu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương đã trúng cử.
Có đại biểu nói với tôi, đại hội này dân chủ đến thế là cùng. Đại hội này đã thể hiện tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ.
- Dưới sự lãnh đạo của ông và Bộ Chính trị, ông có nghĩ Việt Nam sẽ trở thành một nước giàu mạnh, dân chủ hơn không?
- Cá nhân tôi là một bộ phận của tập thể, nguyên tắc của đảng là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chứ không chuyên quyền. Đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân chứ không phải làm hay làm tốt thì vơ vào công lao của cá nhân, làm dở thì đổ cho trách nhiệm tập thể.
Đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì làm sao dân chủ. Tôi không tiện nói tên nước nào, nhưng một số nước cứ nói dân chủ mà một cá nhân quyết định hết thì chưa biết ai dân chủ hơn ai.
Câu hỏi của bạn là sắp tới Việt Nam có thực hiện dân chủ hơn, giàu mạnh hơn không? Như Đại hội đã đưa, mục tiêu của chúng ta xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, trước mắt là phấn đấu để nước ta trở thành một nước CNH-HĐH.
Về dân chủ, các bạn biết hơn tôi qua quan sát sinh hoạt của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương. Tuy nhiên, dân chủ vẫn phải có kỷ cương. Dân chủ mà thiếu kỷ cương sẽ rối loạn, không thể ổn định để phát triển được. Dân chủ và kỷ cương phải nhìn biện chứng, đảm bảo cả 2, không thể tuyệt đối hóa mặt nào.
9h40 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc cuộc họp báo và chụp ảnh lưu niệm với báo giới.
Tham dự buổi họp báo sáng nay còn có ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Thuận Hữu, TBT báo Nhân dân, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, ông Mai Văn Chính, Phó ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh văn phòng Trung ương, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao.