HÀ NỘI (NV) – Một khu du lịch, nghỉ dưỡng quy mô và sang trọng được xây dựng bên trong “vườn quốc gia Ba Vì” đã hoàn tất, đã quảng cáo câu khách nhưng lại không có giấy phép xây cất.
Trang mạng của khu nghỉ dưỡng “Le Mont Bavi Resort & Spa” gồm cả giới thiệu và hướng dẫn di chuyển, điện thoại, email liên lạc đặt chỗ. (Hình: Người Việt chụp từ Internet)
Vụ việc đang được dư luận chú ý tại Việt Nam nhất là chủ đầu tư của dự án “Le Mont Bavi Resort & Spa” lại là Lương Ngọc Anh, một đại tá tình báo công an CSVN, nhân vật chính nổi tiếng trong vụ ăn hối lộ của nhà thầu Úc in tiền giấy nhựa polymer cho Việt Nam bốn năm trước.
Cũng là công ty TNHH Phát Triển Công Nghệ (CFTD) do ông Lương Ngọc Anh cầm đầu thực thiện dự án nghỉ dưỡng vừa kể nằm trong vườn quốc gia Ba Vì. Vườn quốc gia Ba Vì là một công viên quốc gia nổi tiếng vừa về cảnh trí, vừa về sự đa dạng và đặc thù sinh thái được giao cho một ban quản lý điều hành. Người làm giám đốc hiện nay là ông Nguyễn Phi Truyền.
Theo tài liệu được báo Lao Động nêu ra, “Vườn quốc gia Ba Vì được biết đến như một địa danh thiêng liêng của thủ đô và cả nước, có đền thờ đức Thánh Tản Viên…, được thành lập từ năm 1991 với tên gọi ban đầu là “khu rừng cấm quốc gia Ba Vì.” Hiện nay, tổng diện tích của vườn là 10,814 ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của thành phố Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm thủ đô 50km về phía tây, là nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, có nhiều cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục với nhiều con suối bắt nguồn từ núi rừng Ba Vì quanh năm nước chảy như Thiên Sơn-Suối Ngà, Ao Vua, Khoang Xanh, Hồ Tiên Sa…”
“Vườn bao gồm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên cốt 400, phân khu phục hồi sinh thái dưới cốt 400, phân khu dịch vụ hành chính. Vườn có chức năng trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên vốn vô cùng phong phú, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp với tham quan, học tập và du lịch,” báo Lao Động viết.
Ðại tá tình báo của công an CSVN Lương Ngọc Anh làm tổng giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) bị công tố viên Úc cáo buộc là người trung gian cầm tiền hối lộ cho các sếp lớn. (Hình: Sydney Morning Herald)
|
Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016, nhiều báo ở Việt Nam cho hay bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát đã “yêu cầu Tổng Cục Lâm Nghiệp phối hợp với thanh tra bộ thành lập đoàn thanh tra cụ thể việc tôn tạo, xây dựng các công trình tại khu vực độ cao cốt 600 và toàn bộ hợp đồng liên kết tổ chức du lịch sinh thái trên địa bàn vườn quốc gia Ba Vì. Trên cơ sở đó, bộ mới kết luận rõ đúng, sai và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.”
Đầu tiên ông Bộ Trưởng Phát yêu cầu “Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp quyết định việc tạm đình chỉ công tác điều hành của giám đốc vườn quốc gia Ba Vì và các cán bộ liên quan nếu có dấu hiệu tham nhũng hoặc cản trở công tác thanh tra.”
Trên Internet, người ta thấy quảng cáo trang mạng “Núi Ba Vì” của Le Mont Bavi Resort & Spa có đủ từ giới thiệu khu nghỉ dưỡng, hướng dẫn di chuyển (cách Hà Nội một giờ lái xe) đến số điện thoại, e-mail, tên người cần tiếp xúc để đặt phòng, giữ chỗ. Tức là đã hoàn tất, bắt đầu thu tiền vào khu nghỉ dưỡng “4 sao” gồm khoảng 60 khách sạn bề thế và biệt thự, hồ bơi, du ngoạn, ngắm cảnh trí hùng vĩ, cắm trại.
Những căn biệt thự sang trọng trong khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa xây dựng trong Vườn Quốc gia Ba Vì. (Hình: Lao Động)
Khi bị báo Lao Động khui ra trên số báo ngày 29 tháng 2, 2016, ông Lương Ngọc Anh vội chạy tới báo này giải thích việc làm dự án “âm thầm” nhưng vô cùng quy mô hàng triệu đô la của ông là “còn thiếu một số giấy tờ mới có thể hoàn thiện hồ sơ.”
Theo diễn gỉai của ông ta kể lại trên báo Lao Động, “từ ngày 10 tháng 6, 2008, vườn quốc gia Ba Vì (VQG) có tờ trình gửi Bộ NNPTNT xin chủ trương hợp đồng liên kết khoán quản, hoạt động du lịch sinh thái tại vườn. Đến ngày 1 tháng 7, Bộ NNPTNT có công văn số 1847 giao VQG xây dựng đề án cụ thể.
Ngày 22 tháng 8 cùng năm, bản hợp đồng liên kết đã được ký kết giữa VQG và công ty CFTD, trong đó vườn giao cho CFTD 53 ha diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các công trình hạ tầng ở cốt 600-700 và 3.5ha ở cốt 800…”
“Sau đó, ngày 6 tháng 5, 2010, Bộ NNPTNT có quyết định số 1181 “Phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững vườn quốc gia Ba Vì giai đoạn 2010-2015,” tại điểm c, mục 7 có đoạn: “Các nhà đầu tư xây dựng các đề án thuê môi trường rừng đặc dụng làm du lịch sinh thái,” hay tại mục 8: “Xây dựng nhà nghỉ dưỡng, khôi phục các biệt thự, xây dựng nhà tiếp đón khách… phục vụ du lịch sinh thái.”
Đến ngày 19 tháng 10, 2011, Bộ NNPTNT có quyết định số 2455 phê duyệt nội dung đề cương, dự toán kinh phí lập dự án quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể phân khu hành chính dịch vụ I vườn quốc gia Ba Vì, có nêu: Khu B (cốt 600-700) được “quy hoạch khu bảo tàng, nhà hội thảo, công viên hoa, vườn sưu tập, nhà nghỉ dưỡng và hậu cần…”
Rồi có các văn bản tiếp theo trong các năm 2012 và 2014 mà ông Lương Ngọc Anh căn cứ vào đó để xây dựng, nói rằng Bộ NNPTNT đã có quyết định “phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng tổng thể.” Tuy nhiên mấu chốt của vấn đề là dự án của ông chưa đươc cấp giấy phép đầu tư, chưa có báo cáo nghiên cứu tác động môi trường mà ông đã xây dựng khu nghỉ dưỡng với sự toa rập của ông giám đốc vườn quốc gia Ba Vì.
Một góc khu Le Mont Bavi Resort & Spa được quảng cáo là 4 sao giữa vườn quốc gia Ba Vì. (Hình: Lao Động)
Theo báo Lao Động, ông Lương Ngọc Anh nói việc ông tự động xây dựng Le Mont Bavi Resort & Spa là “do nôn nóng của nhà đầu tư.” Còn ông Nguyễn Phí Truyền, giám đốc vườn quốc gia Ba Vì giải thích cho việc nhắm mắt làm ngơ cho việc xây dựng của ông Lương Ngọc Anh là “do nể nang” mà không ai có thể tin.
Đây có thể là một vụ án tham nhũng lớn, dính tới nhiều ông ở Bộ NNPTNT nên ông thủ tướng đã yêu cầu ông Bộ Trưởng Cao Đức Phát “kiểm tra xử lý vụ resort ở vườn quốc gia Ba Vì.”
Năm 2012, công ty CFTD của ông Lương Ngọc Anh bị báo chí Úc tố cáo đứng làm trung gian cầm tiền hối lộ của một công ty dịch vụ in tiền Securency (mà Ngân Hàng Trung Ương Úc làm chủ 50%) và công ty in tiền Note Printing Australia (chính phủ Úc làm chủ) để cho các công ty này trúng thầu. Vụ việc dính cả tới ông thống đốc ngân hàng nhà nước CSVN thời đó là ông Lê Đức Thúy.
Nhiều viên chức của chính phủ Úc đã bị tòa án trừng phạt khi vụ việc vỡ lở nhưng tại Việt Nam thì tuy báo chí có đăng tải lại các bài báo của báo Úc tường thuật các phiên tòa, nhưng Lương Ngọc Anh và công ty của ông ta vẫn không thấy bị đụng chạm. Công ty CFTD từng quảng cáo trên trang mạng của họ là thầu các dự án cung cấp trang thiết bị cho cả Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng nên nhiều người cho rằng công ty này là “sân sau” của nhiều chức sắc cao cấp của chế độ.
Nay lộ ra vụ xây dựng một khu nghỉ dưỡng bất chấp nguyên tắc, thủ tục, người ta đợi xem ông đại tá tình báo công an Lương Ngọc Anh đối phó ra sao.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên phó trưởng Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa khóa XII nói với Báo Lao Động sáng 29 tháng 2 về việc công ty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) ngang nhiên xây dựng công trình Le Mont Bavi Resort & Spa – resort không phép là “Cần làm rõ nhóm lợi ích đứng đằng sau” dự án này. (TN)