Trong vụ giám đốc Trịnh Xuân Thanh tình nghi bị bắt cóc ở Berlin, một nhân viên của Cục Liên bang về Nhập cư và Người Tỵ nạn bị lọt vào tầm ngắm. Người đàn ông này được Hà Nội khen ngợi.
Ronen Steinke / Nhật báo Nam Đức
Sigmar Gabriel? Ông Ngoại trưởng Đức, người mà trước đây một vài ngày đã phản đối chế độ ở Việt Nam kịch liệt cho tới mức ông để cho ném người đại diện của tình báo Việt Nam ra khỏi nước, chỉ là một kẻ chém gió, ông người Việt Ho N. T. nói tếu. Người ta không cần phải lo ngại, ông viết gửi về Hà Nội, “trong tháng mười sẽ có chính phủ mới. Chính phủ mới sẽ quyết định đường lối ngoại giao mới”, và “chậm nhất là vài tuần nữa”, vụ này sẽ bị lãng quên. Sigmar Gabriel, một con vịt què.
Cho tới nay thì đó chỉ là một vụ bắt cóc. Nó xảy ra như sau: vào 23/7, một ngày chủ nhật, một người đã thất sủng của chế độ Việt Nam bị lôi vào ô tô ở tại quận Tiergarten trong thành phố Berlin vào lúc khoảng 10 giờ 40, một người đàn ông tên Trịnh Xuân Thanh, viết tắt là TXT, đang xin tị nạn tại đây. Theo như tất cả các chỉ dấu mà các nhân viên điều tra của Công tố Liên bang thu thập được, thì đó là một hoạt động của nhân viên tình báo Việt Nam. Một sự lăng nhục chủ quyền của nhà nước Đức.
Câu chuyện kỳ lạ này bây giờ cũng mang nét của một vụ hoạt động gián điệp
Nhưng bây giờ thì câu chuyện này cũng mang nét của một vụ hoạt động gián điệp. Có liên quan đến vụ này là Cục Liên bang về Nhập cư và Người Tị nạn (Bamf). Vì vụ tình nghi bắt cóc một người xin tị nạn có thể đã được hỗ trợ bởi một tay trong ở đó, chính là Ho N. T. đó, người giễu cợt Sigmar Gabriel.
Ở Việt Nam ông ta là một tác giả được nhiều người biết đến, người mà từ nhiều năm nay đã nói xấu Phương Tây, đặc biệt là chống lại sự giúp đỡ của nước Đức dành cho những nhà hoạt động vì nhân quyền trong nước. “Ông ta thuộc về thành phần cốt lõi”, một nữ thông dịch viên tiếng Việt ở Berlin nói. Vào ngày 8 tháng 9 năm 2015, trên đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tị nạn, Ho N. T. đăng trên tờ báo đảng Nhân Dân một bài viết về “Nền dân chủ Phương Tây và cuộc khủng hoảng niềm tin”. Ông ta đã nhận được từ Đảng Cộng sản một tờ giấy khen cho bài báo này vì “thành tích đặc biệt trong tuyên truyền nước ngoài”. Mãi qua điều tra của tờ Spiegel mới lộ ra rằng ông làm việc từ 26 năm nay trong Bamf như là người quyết định, Sở 660, văn phòng chi nhánh Jena-Hermsdorf.
Theo thông tin của Nhật báo Nam Đức, đó là một nhóm nhiều người đã được gửi đi từ Việt Nam sang Berlin trong tháng 7 để dùng bạo lực bắt cóc TXT. Chiếc xe dùng để bắt cóc là một ô tô bảy chỗ ngồi, thuê ở Praha. Các nhân viên tình báo đã ngủ trong một khách sạn cách Kaufhaus des Westens không xa, họ muốn biến mất nhanh chóng sau đó. Đã có lệnh truy nã họ khắp Liên minh châu Âu.
Đấu tranh phương hướng ở Hà Nội
Có thể là đã có những chỉ dẫn xuất phát từ Bamf. Ngay từ ngày 21 tháng 10, nhân viên Bamf Ho N. T. đã đưa những suy nghĩ của mình lên trang Facebook của ông ta, sẽ như thế nào nếu như “tên tội phạm” TXT ở Đức. Người Đức có cho dẫn độ hắn về Hà Nội hay không? Vào thời gian này TXT còn chưa ở Đức chính thức, chế độ Hà Nội đang tìm kiếm ông. Các nhà quan sát nói về một cuộc đấu tranh phương hướng ở Hà Nội: những người cứng rắn trung thành với Trung Quốc hoạt động chống lại những người cải cách như TXT. Nhân viên Bamf Ho N. T., như là một tác giả tuyên truyền, là một tên vỗ tay mướn siêng năng của làn sóng thanh trừng này. Tuy đó là điều dễ hiểu, rằng TXT theo phe cải cách có thể đã trốn sang Đức.
Ở đây, trong những năm 1990, ông đã đi lại trong cộng đồng người Việt ở Berlin như là một doanh nhân, trước khi bắt đầu con đường công danh như là sếp của một công ty con thuộc tập đoàn dầu và khí đốt nhà nước. Nhưng Ho N. T. có thể biết nhiều hơn. Ông có thể truy cập vào sổ đăng ký trung tâm của người nước ngoài và vào các hồ sơ của Bamf. Cơ quan này thông báo: “Theo nhận biết hiện nay, không có mối liên quan trực tiếp nào giữa nhân viên này và vụ tình nghi bắt cóc.” Mặc dù vậy, Ho N. T. vẫn bị cho ngưng việc, cho tới khi điều này được làm rõ.
Vụ này đưa ra câu hỏi, Bamf tự bảo vệ mình trước những kẻ phục vụ cho hai chủ cẩn thận cho đến đâu.
Vụ này khiến cho Bamf lúng túng, và nó đưa ra câu hỏi về nguyên tắc, rằng ở đó người ta tự bảo vệ mình trước những kẻ phục vụ cho hai chủ cẩn thận cho đến đâu. Nó khiến cho người ta nhớ đến vụ người Sri Lanka Thiyagaraja P., người mà đã làm việc tại văn phòng trung tâm của Sở Ngoại kiều bang Nordrhein-Westfalen ở Bielefeld. Người này bị bắt vào ngày 17 tháng 2 năm 2016. Toà án Berlin đã kết tội ông vì hoạt động gián điệp tình báo. Ông được cho là đã sử dụng những hiểu biết đặc biệt của mình để tìm những người Sikh muốn ly khai cho tình báo nước ngoài của Ấn Độ.
Nhân viên người Việt Ho N. T. của Bamf tuy không làm việc với người Việt Nam như là người quyết định. Nhưng trên Facebook, ông thích thú phô diễn việc ông có những quan hệ tốt cho tới đâu. Ở đó ông cũng công bố một giấy cảm ơn của nữ cục trưởng Jutta Cordt (“Thưa ông Hồ”), cái mà tất cả các nhân viên đã nhận được cho sự đóng góp của họ sau vụ Franco A. Bên cạnh đó là giấy khen của đảng Cộng sản dành cho ông vì “tuyên truyền nước ngoài”.
Và với uy quyền như thế, ông cũng cất tiếng nói khi TXT bị bắt cóc được đưa ra công khai ở Hà Nội vào ngày 4 tháng 8. Với giọng nói không rõ ràng và gương mặt sưng húp, ông đã tỏ ra hối lỗi ở đó trên truyền hình nhà nước. Lời bình luận của nhân viên Bamf Ho N. T. về việc này, trong một đối thoại Facebook công khai với người sếp của đài phát thanh nhà nước Việt Nam, Nguyễn Cảnh Toàn: “Theo khoản 3, Điều 33 của Bộ luật về thủ tục xét tị nạn, đơn xin được coi là đã rút, nếu người nộp đơn rời lãnh thổ Đức và trở về đất nước mình, do bất cứ lý do nào.” Qua đó sự việc đã kết thúc đối với Berlin.
Phan Ba dịch