Qua chơi bên chỗ nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam
1. Giống Việt Nam ở chỗ du lịch Nga cũng bị nạn Tàu phá hỏng. Thành phố St. Petersburg có khoảng 2 ngàn người Nga làm hướng dẫn viên (hdv) du lịch có bằng cấp, hàng năm họ phải đóng tiền gia hạn bằng. Nhưng "bọn làm lậu người Tàu đông lắm và đang giết chúng tôi từ từ", cô hdv của mình nói.
Khi dẫn đoàn, hdv chính thức thì đeo thẻ có hình, đoàn đông người thì cầm bảng, có số (như số 23 trong chụp tình cờ trong bức Người Con Hoang Đàng). Còn người làm lậu cầm cái dù, cái que cắm hoa lá... Luật không cấm!
- Ô, tui tưởng chỉ bên nước Việt Nam mới bị nạn Tàu giành việc hdv của dân địa phương! Họ còn giảng xứ ta đang đứng là của Tàu, họ xây phố xây nhà và xài tiền China trên đất Việt luôn.
- Tôi biết một đứa người Tàu, nó trẻ lắm, mà dẫn đoàn lậu, tiền nhiều đến nỗi mua được căn hộ riêng ở thành phố này.
- Ủa, Nga cho người Tàu mua nhà mua đất ở đây?
- Có một số luật giới hạn, nhưng nạn tham nhũng cho phép mua giấy tờ giả, lách luật, đứng tên giùm...
Năm 2016 vừa rồi có 8 triệu du khách, thì 5 triệu là người China. Công ty tôi có một bản đánh giá của khách hàng mà tôi không quên được: Hai vị khách Châu Âu khen hết, từ tổ chức tour tới ngôn ngữ tới phong cách... Thế mà họ vẫn đánh dấu "không quay lại", ghi lý do: Quá nhiều Chinese.
- Khách nào cũng là khách. Bà phải mừng chứ, người China họ đến đây cũng tham quan, mua hàng, xài tiền cho thành phố này mà!
- Không đâu, họ đi đoàn rất đông nên giá tour giá vé rất rẻ, họ ăn và ngủ trong hotel nhà hàng chủ là người China, họ chen lấn vào các đoàn khác, họ réo gọi nhau ồn ào...
Đúng là như vậy. Nhà mình có hai đứa nhỏ, sợ chúng mỏi mệt ồn ào nên dù công ty du lịch đã mua vé đi bảo tàng Hermitage cho 4 người, sáng hôm đó đổi kế hoạch, ba cha con đi bảo tàng xe lửa, chỉ có mình đi cùng cô hdv đến Cung điện mùa đông. Lúc ra cửa, bên cánh phải có một đoàn China đã ra trước, bỗng thấy một ông hớt hải quay lại dáo dác, thét vào bên trong "Chẩu lơ chẩu lơ" (?) thêm một tràng dài nữa, và hai bà đang seo-phi te tái chạy ra.
Bên cánh trái cũng y như vậy, la hét gom đoàn cho đủ. Người hdv hài hước: "hai đứa con cô có làm sao mà ồn ào bằng mấy người Tàu này!" Và câu chuyện lại theo hướng nói xấu Tàu, với người Nga, cũng là câu chuyện không có kết thúc.
2. Chuyện về Khu tập thể (kommunal), bất động sản, thu nhập, đảng.
- Khi tôi còn nhỏ sống cùng cha mẹ trong khu tập thể, tôi nhớ một mùa đông bị mất điện kéo dài, St. Petersburg có nhiều người chết. Nhà chúng tôi may mắn là bảy hộ sống chung thương yêu, giúp đỡ nhau. Cô đừng tưởng nhà tập thể toàn dân hạ lưu hay giống kiểu nhà xã hội bên Đức.
- Tui biết mà, bên Việt Nam hồi đó nhiều văn nghệ sĩ, giáo sư, công chức... cũng ở nhà tập thể.
- Cha mẹ tôi làm viện nghiên cứu, những năm 1970 họ được cấp cho cái nhà riêng ở ngoại thành, không to đẹp nhưng được ở riêng, không trả tiền nhà, chỉ trả tiền các chi phí chung, sau 1990 thì hóa giá, mình mua lại từ nhà nước. Khi cha mẹ qua đời, tôi thừa kế cái nhà cũ đó, bán đi và mua một căn hộ chung cư trong nội thành.
- Giá bất động sản ở đây thế nào?
- Nó tùy vào khu vực.
- Nếu một gia đình như nhà tui, hai người đi làm, có con, thì nhà cửa thế nào?
- Bạn tôi cũng hai con, hai vợ chồng đi làm, thuê nhà ở đây, trả một tháng tiền nhà đổi ra khoảng 1000 euro.
- Úi chà, vậy ngang ngửa như Munich rồi!
- Đó là chúng tôi trẻ và may mắn có công ăn việc làm. Bà Iri. mà ngày mai cô làm quen, thì vẫn sống trong nhà kommunal.
Hôm sau bà Iri. làm hdv, cũng rất hài hước, phê phán Putin, mỗi khi nói gì về Putin đều đùa "seine Majestaet" kiểu như "tâu Sa hoàng". Bà đã về hưu, cho tôi coi tin nhắn trong mobile số lương hưu của bà, 7.300 Ruppi, tầm 102 euro một tháng.
- Tôi làm thông dịch viên từ hồi trẻ, giờ lương hưu vậy không sống nổi. Nên tôi vẫn đi làm hdv, đi dịch. Mà thu nhập du lịch của St. Petersburg một phần trùng tu di sản ở đây, một phần phải đổ về Moskva đó.
- Nhà kommunal của bà thế nào?
Bà đã chụp hình tự bao giờ, mở cho coi chi tiết cuộc sống bà, mừng vui vì có người hỏi thăm:
- Nhà tập thể kinh lắm, cái bếp nhỏ xíu mà 10 người chia nhau, bọn nó không quan tâm giữ gìn vệ sinh chung đâu...
- Xin bà hỏi thăm giùm thu nhập của anh tài xế. Nói là chúng tôi muốn biết cuộc sống Nga chung chung chứ không phả tò mò về đời riêng của anh.
- Chúng tôi đã hỏi chuyện nhau rồi. Chia ra trung bình một giờ ảnh kiếm một giờ chưa tới 3 euro.
(Bên Đức sinh viên giúp việc lau nhà, bán hàng tệ tệ kiếm được một giờ 6-8 euro)
- Ô, vậy ảnh và gia đình vất vả không?
- Anh phải làm hai job đó, lái xe chở khách như hôm nay, tối lái xe chở nhân viên công ty Toyo. từ xưởng vô trung tâm thành phố. Ngày mai gia đình cô ra sân bay thì chắc người khái lái xe.
Sáng hôm sau lại thấy anh ấy đón nhà mình ở khách sạn để chở ra sân bay, tầm 30' nếu không kẹt xe. Mắt hơi buồn ngủ nhưng lái xe ngon lành, miệng luôn tươi cười, giúp khách lấy hành lý chu đáo.
Khi bà Iri. dẫn đi xem Peterhof với cung điện Katharina, mình thắc mắc:
- Gia đình các Sa hoàng sống ở Cung điện mùa đông phải không, chỗ tui đã coi Hermitage đó?
- Đúng vậy.
- Thế ở đây sao cũng cung điện, phòng khách, bếp núc?
- Đây là cung điện mùa hè. Ở Nga một năm có vài tháng mùa hè ngắn ngủi. Nhưng vua chúa, hoàng đế thì thế! Nên người Nga dù siêng năng làm lụng, nước Nga khoáng sản tài nguyên giàu có, mà dân chúng vẫn nghèo. Hiện nay cũng vậy.
- Hiện nay khác chứ? Nước Nga của bà đa đảng là ngon hơn China độc đảng cộng sản rồi? Một ông người Nga nói với tui ông phải yêu Putin vì không tìm ra ai tốt hơn.
- Không khác mấy đâu. Cái gì Moskva cũng tốt hơn. Ví dụ tiền ăn cho học sinh ở Moskva được nâng lên 20 đồng còn ở các chỗ khác chỉ có 1 đồng.
Còn không ai khá hơn Putin ư? Nước Nga có người có tài lãnh đạo chứ (bà nêu ra bốn cái tên, mà mình không nhớ) nhưng họ không tiếp cận được với quyền lãnh đạo, vì có một người bằng mọi giá vẫn ngồi đó, seine Majestaet!
3. Nhà tắm Banhia, nhà tù Nga, và cầu tiêu, cầu tõm.
- Banhia khác Sauna. Ở Pskov gia đình mình được tắm Banhia, do một người Nga đã từng tắm banhia lúc 7 ngày tuổi hướng dẫn. Anh ta cũng là người tự xây nhà tắm, tự ráp lò.
Nhà tắm có hai phòng, phòng trong kín, giữ nhiệt tốt, có lò đốt than đá nóng, bình nước nóng, thùng nước lạnh. Nhiệt độ luôn ở tầm 60°C.
Thỉnh thoảng lấy nước nóng tạt vô lò than nóng, hơi bốc ra đã luôn. Có một vài bó lá sồi khô, dùng dập đập lên toàn thân để massage, mùi thơm lá sồi đi cùng hơi nóng ẩm vào mọi ngóc ngách của buồng phổi. Thỉnh thoảng tạt nước lạnh lên mặt, lên người.
Một lúc thấy muốn ra khỏi buồng nóng, thì bước ra phòng ngoài, nhiệt độ bình thường như trong nhà, có chỗ nằm nghỉ, hít thở, ăn nhẹ, uống nước (vì mồ hôi ra rất nhiều).
Xong lại vô phòng nóng. Ai gân guốc thì giữa các lần ra vô nóng lạnh có thể chạy bộ một vòng, mùa đông tuyết nhiều càng đã, các thứ cảm cúm xoàng sẽ không bao giờ rớ tới.
- Mùa hè trong tù ở St. Petersburg giống như nhà tắm Banhia, cô hdv chỉ một dãy các tòa nhà xinh đẹp. Mỗi tù nhân chỉ có 1 mét vuông. Mùa hè trong đó nóng hơn 40 độ C. Năm nào cũng có tù nhân chết mùa hè. Mấy năm trước thủ tướng vô đây thăm nhà tù phải thốt lên 'nhà tù của ta tồi tệ hơn cả nhà tù China'. Nhưng chỉ nói vậy mà không ai làm gì. Tù nhân ở đây mong qua Đức phạm tội để được ở tù Đức"
- Chuyện nhà vệ sinh Nga:
Hơi kỳ cục, như một phòng hai hay nhiều bồn cầu (hình thấy hình nhiều trên internet) sẽ được thấy nhiều nữa, khi Worldcup 2018 bắt đầu.
Nếu sân bay Đức có phòng thay tã, thì chắn chắn trong phòng đó cũng có WC, vì cha mẹ đứa bé cũng cần đi vệ sinh chứ. Sân bay St. Petersburg có phòng thay tã rộng rãi, mình vô thay tã cho con, có bồn rửa tay, có thùng rác, mà sao họ không làm luôn cái WC! Đành dẫn con qua bên WC woman. Giấy đầy sàn nhà, thùng rác đầy nhóc không ai đổ, trông như wc của sinh viên ba tháng không dọn, người xếp hàng dài chờ. Ngao ngán ra cảnh cáo ông xã. Ổng dẫn con trai lớn đi WC. Lâu lắc mới quay lại. Con báo cáo: "Con với ba đi lên tầng hai cho đỡ đông. Mà toi lét dơ quá mẹ! Người nào đó ị lên bờ luôn. Phải đi lên lầu ba, cho nên hơi bị lâu đó mẹ!"
Nhưng thú vị nhất vẫn là "cầu tõm". Trong tiếng Việt, "tõm" là từ tượng thanh, tả âm thanh khi cái cục, khối gì rơi xuống nước, đánh tõm. Ở miền sông nước Việt nam, wc trên hồ nuôi cá, trên sông, được gọi là cầu tõm.
Cấu tạo từ trong tiếng Đức cũng y như vậy, gọi là Plums-Klo. Klo là "wc". Plums là tiếng vật gì rơi xuống nước, giống trong bài hát trẻ con:
Hoppe hoppe Reiter ...
Faelt er in den Sumpf,
macht der Reiter PLUMS
Tạm dịch:
Nhấp nhô ngựa kỵ sỹ phi
rơi xuống sình tiếng chi đánh TÕM
Không biết tiếng Nga gọi cầu tõm là chi, nó tồn tại ở Nga rất nhiều, không phải vì người Nga không có điều kiện mua cái bồn cầu ngồi như bây giờ, mà vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt : mùa đông lạnh đóng băng.
Trong các nhà cao tầng như hotel, chung cư, thì họ làm hầm cầu sâu trong lòng đất, ấm hơn bên trên, và có hệ thống giữ ấm ống nước.
Còn nhà dân quê, ở Việt nam chỉ cần đào hầm, xây bể ngồi trên, gắn hộp chưa nước. Xong. Dân quê Nga khổ hơn, âm 20 độ thì nước đóng băng, cầu nghẹt. Họ dùng loại cầu tiêu như nông thôn nơi chưa có điện chưa có nước: đi vệ sinh xong múc một lon trấu, tro, mùn cưa đổ lên trên.
Hiện đại thì có loại wc bio, khử mùi hôi, khi đầy thùng mang ra vườn đổ rác, nhưng giá cao nên nông dân nghèo không xài.
4. St. Petersburg mỗi năm cũng bị nước lụt.
Năm nay thành phố trẻ này 308 tuổi thì cũng có 308 lần nước lụt. Nằm ngay biển, con sông chính Neva cùng các sông nhỏ và hệ thống kênh đào dẫn nước đi khắp nơi, theo lời hdv "vừa hợp phong thủy, nước rửa sạch dơ bẩn, mang lại sự thịnh vượng, vừa dẫn nước tản đều ra để hạn chế lụt lội. Năm nay họ khánh thành đê chống lụt kiên cố nhất, xây dựng từ những năm 1980, qua bao lần dừng ngưng vì hết tiền.
Sông nước, kênh suối nhiều nên St. Petersburg cũng phát triển du lịch đường thủy. Các tàu máy có thể chở khách chui qua hơn 365 cây cầu. Thành phố này nhiều cầu thứ ba trên thế giới, sau Venedic và Hamburg.
Các cây cầu lớn của sông Neva đều mở vài tiếng ban đêm cho tàu lớn chạy qua. Cô hdv lại xen vào chuyện cười liên quan, rất đặc trưng Nga:
Một ông Nga đi ngoại tình về trễ, vợ nhăn:
- Sao anh đi làm về trễ quá vậy?
- Anh về đúng giờ nhưng tại cây cầu nó kéo cao lên, không đi được nữa.
Rồi cô hdv kết:
- Mà chỉ có đàn ông Nga mới thế, tất cả phụ nữ Nga đều đứng đắn!
:)
3 bình luận
Bình luận
Dieu Van Ho Anh Trầm Hương Thơ ơi em không có hình nhiều nhà thờ đẹp, vì hạn chế thời gian, trời lúc mưa lúc gió, lúc đứng yên bấm máy thì con lại kéo tay, nên anh thông cảm.
Trầm Hương Thơ Cảm ơn em gái Dieu Van Ho, bài viết hay và chi tiết, hình đẹp và những ghi chú thật thích thú. Chúc em và gia đình thật hạnh phúc...du lịch.
Viết trả lời...
Hiep Nguyen Rất chi tiết, hay lắm em! CS đều giống nhau, cho anh share nhé!