Theo dõi (trên mạng) toàn bộ những gì vừa xảy ra ở Sài Gòn quanh câu chuyện hiệp sĩ bị cướp giết, hiệp sĩ bị tố đánh người biểu tình rồi hiệp sĩ phản pháo, tôi chỉ càng thấy một điều mà hễ cứ ai nói ra thì y như rằng sẽ bị chỉ trích là "cực đoan, thù hận, thù ghét công an" rồi thì thành "chống cộng" với "ba que". Đó là: Càng nhìn thì càng thấy công an mới là lực lượng mặt dày, bẩn thỉu và khốn nạn nhất trong tất cả những câu chuyện này. Mà điều đó là tất yếu, ở một chế độ độc tài công an trị.
Công an ăn lương nhà nước - chính xác là tiền thuế của nhân dân - nhưng không làm được gì để bảo đảm trật tự trị an cho dân. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, mấy phần trăm trên tổng số những người từng bị móc túi, giật túi, trộm đồ, ăn cắp xe, v.v. đến công an trình báo với hy vọng lấy lại được đồ đạc bị mất? Bao nhiêu người đủ "dở hơi" để làm việc ấy?
Không rõ bây giờ thế nào, nhưng từ khoảng năm 2000 trở về trước, ở rất nhiều vụ dân mất cắp mà may mắn nhờ công an lấy lại được đồ, thật ra nạn nhân phải viết bài đăng báo cảm ơn rối rít, chụp cả hình đồng chí công an đang tươi cười trao trả món đồ bị đánh cắp / cướp cho dân, mới được thực sự nhận lại đồ. (Chuyện này các nhà báo ở một số tờ như Nhân Dân, Hà Nội Mới, An Ninh Thủ Đô… chắc là hiểu cả). Đó mới là bề nổi thôi đấy, còn bề chìm, nạn nhân phải "bồi dưỡng" bao nhiêu tiền cho anh em công an, gọi là "cảm ơn các anh", thì chỉ hai bên biết với nhau. Và công an cũng đủ mặt dày để nhận hết những thứ tiền ấy, thành tích ấy, công trạng ấy.
Công an không làm được gì để bảo đảm trật tự trị an cho dân, thế nên các "hiệp sĩ đường phố" mới tự phát xuất hiện. Công an lại cũng đủ mặt dày để khuyến khích các hiệp sĩ cứ tự nhiên.
Rồi hiệp sĩ bị đám cướp manh động tấn công lại, sát hại. Thay vì cúi mặt đến dự đám tang họ, hỗ trợ cho gia đình họ và nhất là tự ý thức được họ đã chết thay cho mình, thì công an lại cũng đủ mặt dày, rất là dày, để tiếp tục hoan nghênh, ngợi ca các hiệp sĩ, khuyến khích hiệp sĩ cứ tiếp tục dấn thân, tự nhiên đi, dũng cảm lên.
Dân đi biểu tình bảo vệ môi trường, công an đàn áp tàn bạo như đánh kẻ thù. Hai ngày chủ nhật 8/5 và 15/5/2016 đã trở thành hai chủ nhật đẫm máu ở Sài Gòn và Hà Nội khi hàng trăm người dân thường, tay không tấc sắt, bị bóp cổ, đấm đá, bắt cóc về đồn công an, về trại cải tạo… để công an lột đồ, còng tay, hành hung bằng dùi cui điện, giày dép và các dụng cụ khác có sẵn.
Khi có "hiệp sĩ" bị tố đánh người biểu tình, nếu là những kẻ còn chút liêm sỉ, công an lẽ ra nên… đứng ra nhận trách nhiệm - ít nhất là trách nhiệm điều tra xem kẻ nào đã đánh người biểu tình, mà can đảm nhất là thừa nhận luôn rằng chúng là thủ phạm của những hành vi ấy. Giả sử rằng hiệp sĩ bị nghi oan, rõ ràng mối oan đó sẽ được giải quyết nhanh chóng nếu thủ phạm đích thực của vụ việc đứng ra nhận tội.
Nhưng đó là chuyện lý tưởng tới mức không tưởng, bởi công an đâu có liêm sỉ. Chúng có thể đánh đập người biểu tình một cách tàn bạo nhất, không tiếc tay, rồi thản nhiên phủ nhận tất cả. Thậm chí ngay cả khi Cao uỷ Nhân quyền LHQ lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam đàn áp người biểu tình ôn hoà, nhà nước công an trị còn phản đối ráo hoảnh, coi như không hề có chuyện đó. Và bây giờ thì chúng tỉnh bơ xem dân cãi nhau về chuyện có phải hiệp sĩ đường phố đánh người biểu tình không. Có khi hiệp sĩ bị nghi oan, chúng cũng bỏ mặc, mà chúng còn khoái trá lắm cũng nên - tự nhiên lại có đứa gánh nạn hộ mình.
Trong đời, tôi dị ứng nhất với sự hèn hạ, bẩn thỉu. Tôi quan niệm người ta có thể nhát gan (ai mà chẳng có nỗi sợ nào đó), điều ấy không đáng trách, nhưng hèn thì luôn hàm nghĩa có sự bẩn thỉu, đê tiện, tiểu nhân trong đó, và hèn là một thói xấu đáng khinh. Khi hèn trở thành đặc tính của cả một lực lượng đại diện cho nhà nước, thì nó trở thành điều đáng kinh tởm.
Được gọi là lực lượng bảo vệ chế độ, mà hèn, bẩn đến mức như thế, bảo sao công an không bị dân căm ghét (tuy vẫn sợ). Riêng tôi thì tôi không thể nào không chửi những kẻ hèn hạ và bạo tàn mà lại may mắn được trao quyền lực nắm đầu dân chúng, cai trị xã hội. Cứ gọi tôi là "cực đoan, thù hận" cũng được.
Nguồn: Pham Doan Trang