Có nhất thiết phải mò đến vùng đất hỗn loạn đầy rẫy khủng bố, bắt cóc tống tiền như thế không nhỉ?
Khi bức ảnh đầu tiên tôi chụp ở Israel - miền đất Trung Đông huyền bí được up lên Facebook, tụi bạn comment liên tục hỏi han. Ai cũng thắc mắc làm thế nào mà tự dưng một cô gái 22 tuổi đùng một cái xách vali đến cái nơi xa lắc xa lơ, chiến tranh bom đạn uỳnh uỳnh. Khỏi phải nói bọn bạn người Hồi giáo của tôi phản đối ra sao, có đứa còn viết trên wallpost “Này, có nhất thiết mày phải đến nơi đó không???”.
Dù anh bạn Israel ra sức can ngăn tôi thăm Bethlehem và dọa rằng “rất có thể mày sẽ bị bắt cóc tống tiền ở cái nơi hỗn loạn đấy”, nhưng cuộc sống là trải nghiệm, càng nơi nào khó khăn, càng kích thích trí tò mò và ham tìm hiểu của tôi hơn. Mà tại sao tôi lại bỏ lỡ một cơ hội trong đời để khoe lên Facebook rằng tôi đã đến cả Israel lẫn Palestine?
Hành trang là chiếc máy ảnh, passport và một chút tiền mặt, tôi khăn gói quả mướp tìm đường từ Jerusalem (Israel) sang Bethlehem (Palestine). Bethlehem - vùng đất hiện nay thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Palestine, cách thành phố Jerusalem về phía Nam khoảng 10 km (Bethlehem có nghĩa đen là "Nhà bánh mì”).
"You are happy, I'm happy"
Anh chủ khách sạn người Ả rập liến thoắng chào mời tour du lịch đi Bethlehem nửa ngày giá 160 shekel (đơn vị tiền tệ của Israel - bằng khoảng 800.000 đồng). Tôi cười thầm với ý nghĩ tinh quái “ngu gì mất tiền cho công ty du lịch với giá đắt như vậy”. Tôi mò ra tuyến xe buýt chất lượng cao từ Jeruselem tới Bethlehem chỉ với 6,5 shekel và hí hửng với số tiền tiết kiệm được.
Toàn cảnh Bethlehem nhìn từ trên cao.
Qua khỏi thành phố Jerusalem tráng lệ và xanh mát cây cối, tôi nhìn thấy những dãy đồi cằn khô, bạc trắng trong nắng của vùng Bờ Tây thuộc Palestine. Vùng đất cẵn cỗi đến mức các cây olive cũng chỉ cố vất vả vươn lên khỏi mặt đất khoảng trên nửa mét.
Xe buýt vừa dừng, anh lái xe taxi người Palestine chạy ào đến và đon đả mời chào. Anh ta nói như súng liên thanh bằng thứ tiếng Anh pha lẫn thổ ngữ: “Lên xe tôi chở đi, giá rẻ thôi, cứ gọi tôi là Ali Jebreen, hãy coi tôi như một người bạn dẫn mọi người thăm quan thành phố xinh đẹp này”.
Sau một hồi mặc cả kịch liệt, tôi trả giá 30 shekel/người. Anh chàng lái xe nói rất khéo: “Phương châm kinh doanh của tôi là You are happy, I’m happy. Nếu sau chuyến đi này, các bạn thấy happy thì nhớ trả 35 shekel/người nhé”. Khách lên xe chưa kịp ấm chỗ, Ali lôi ngay cuốn sách du lịch và bắt đầu “tua băng” về các điểm đến.
Chưa từng thấy lái xe taxi nào nói nhiều và khéo moi tiền khách du lịch như Ali, tôi sốt ruột cắt ngang: “Ok, bọn tôi không có nhiều thời gian, tôi chỉ muốn đến ba điểm nổi tiếng nhất ở Bethlehem là nhà thờ Chúa Giáng sinh, Cánh đồng mục tử và nhà thờ Milk Grotto thôi”.
Nhà thờ trong Cánh đồng mục tử
Hành trình khám khá vùng đất chúa Jesus bắt đầu
Điểm đến đầu tiên là “Cánh đồng mục tử” - nơi các thiên thần bay xuống báo tin cho những người chăn cừu về sự ra đời của chúa Jesus. Trong hang đá có một nguyện đường nhỏ với bàn thờ. Lúc tôi đến, đoàn khách du lịch người Nga theo đạo Thiên Chúa đang hát say sưa các bài Thánh ca.
Điểm đến tiếp theo là nhà thờ Milk Grotto (Hang Sữa), tương truyền là nơi Đức mẹ Maria và ông Josept đi tị nạn sang Ai Cập đã trú chân tại nơi đây. Mẹ Maria cho con là Jesus bú, một giọt sữa rơi xuống tạo nên phép nhiệm màu, toàn bộ tường đá biến thành màu trắng như sữa.
Dọc khắp hành lang được lát bằng thứ đá màu trắng hồng tuyệt đẹp, theo truyền thuyết, đó là những phiến đá được pha từ màu trắng của sữa và màu đỏ của máu.
Đức mẹ Maria đang cho con bú trong hang đá ở nhà thờ Milk Grotto.
Tôi mê mẩn ngắm bức tranh Mẹ Maria với gương mặt nhân từ đang cho con bú và những bức phù điêu tinh xảo. Đây cũng là nơi nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến cầu xin con cái.
Dọc đường đi, tôi tranh thủ hỏi chuyện anh lái xe taxi về đời sống của người Palestine. Ali kể: “Ngày trước, chỉ có bố phải đi làm, tôi và em trai được học đại học. Từ khi Israel xây bức tường ngăn cách và cấm người Palestine đi lại tự do nên đời sống vô cùng khó khăn, tôi phải bỏ học giữa chừng để kiếm sống phụ giúp gia đình. Người Palestine thiếu nước, thức ăn và điện, thu nhập chính từ dịch vụ du lịch.”
Tôi tò mò hỏi về gia đình riêng, giọng Ali đang sôi nổi bỗng trầm xuống: “Tôi năm nay 28 tuổi, có người yêu và rất muốn kết hôn nhưng cuộc sống ở đây khó khăn quá. Theo phong tục, tôi phải có nhà riêng, xe ôtô và một khoản tiền sính lễ mới được lấy vợ. Chắc phải lao động chăm chỉ thêm mấy năm nữa mới đủ tiền làm đám cưới”. Đến lúc này, tôi thấy mủi lòng lắm rồi, quyết định sẽ trả thêm tiền tip để Ali mau chóng được lấy vợ.
Một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Bethlehem
Chúng tôi dừng chân ở hàng bán đồ lưu niệm. Ali tiếp tục chiêu quảng cáo dẻo mỏ: “Bạn của tôi ơi, cứ yên tâm mà mua đồ lưu niệm nhé vì cửa hàng này là của một người họ hàng. Giá ở đây là tốt nhất Bethlehem rồi, discount mạnh”.
Ông chủ liên tục chào mời những món đồ gỗ to uỵch, nhưng tôi thì chỉ muốn mua một thứ đồ be bé, dễ mang lên máy bay. Tôi tăm tia bức tượng Mẹ Maria bồng con bằng gỗ olive và kích thước bé bằng hai ngón tay.
Ông chủ hét giá 50 USD. Tôi lắc đầu ngán ngẩm định bỏ đi thì ông ta gọi với theo: “Này cô gái, vì son môi của cô rất xinh nên tôi sẽ bán với giá 25 USD, ok?”. Cuối cùng tôi vẫn không mua được món đồ ưng ý vì tôi thừa biết rằng bán tượng gỗ bé xíu đó giá thực chỉ khoảng 5 USD thôi.
Tiếp tục đi bộ trên khu phố chính, con đường nhỏ lát bằng những phiến đá xếp khít với nhau có hàng ngàn năm tuổi. Nhà cửa xung quanh cũng xây bằng đá theo lối kiến trúc độc đáo chỉ có ở Bethlehem, cửa hàng souvenir bán những mặt hàng đặc trưng như đồ lưu niệm bằng gỗ olive, trang sức ngọc trai.
Hàng rào kiểm soát giữa Palestine và Israel
Người dân ở đây có vẻ kham khổ, trái ngược hẳn với hình ảnh giàu sang bên thành phố Jerusalem. Bọn trẻ con Palestine thấy tôi đi bộ, liền chạy tới chào rõ to “Ni hảo, ni hảo” rồi cười khúc khích chạy biến đi mất. Ở nơi này, cứ ai da vàng, mũi tẹt, tóc đen thì đều bị cho là người Trung Quốc hết.
Tâm điểm của quảng trường Máng Cỏ là nhà thờ Chúa Giáng Sinh (Church of the Navity) được xây vào năm 336 sau Công nguyên, ngay tại nơi Đức Mẹ Maria đã hạ sinh chúa Jesus. Đây là khu vực nổi tiếng nhất ở Bethlehem, lúc nào cũng đông nghẹt khách tham quan. Nhà thờ từng bị phá hủy, năm 530, Đại đế Justinian cho xây lại trên nền cũ và tồn tại cho đến ngày nay.
Nhà thờ Chúa Giáng Sinh
Nhìn bên ngoài, nhà thờ giống một pháo đài với một lớp tường đá thô sơ, mang nét khắc khổ. Lối vào chính là một cánh cửa nhỏ duy nhất (cao khoảng 1,2 mét) chỉ đủ cho một người. Khi bước chân vào dù không bị choáng ngợp trong ánh sáng và đèn nến như các nhà thờ khác, nhưng lối kiến trúc trang nghiêm, thâm trầm và màu thời gian của nhà thờ khiến du khách cảm thấy kỳ diệu, thiêng liêng.
Điểm đặc biệt của thánh đường chính là hang đá nơi chúa Jesus ra đời. Khi tôi đến đã 3 giờ chiều nhưng hàng đoàn dài du khách xếp hàng nhích từng tí một.
Hang đá có 14 bậc được lát đá hoa cương trắng tinh. Nơi đặt máng cỏ được đánh dấu bằng ngôi sao bạc 14 cánh và dòng chữ La tinh: “Hic de Virgine Maria Jesus Christus natus est” (nghĩa là:“Tại nơi đây, Mẹ Maria Đồng trinh đã hạ sinh Đức Jesu”).
Dù không theo đạo Thiên Chúa, tôi vẫn thấy hạnh phúc và may mắn khi được chạm tay và hôn lên ngôi sao 14 cánh, không quên cầu nguyện cho gia đình những điều tốt lành.
Chuyến đi kết thúc. Ali đứng sẵn mở cửa xe đợi tôi. Anh chở tôi đi dọc “Bức tường ngăn cách Bờ Tây” nổi tiếng. Đặc biệt, khi ở Israel nhìn sang, bức tường khá thấp, tôi có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cảnh ở Palestine.
Bức tường ngăn cách Bờ Tây giữa Palestine và Israel
Tuy nhiên, đứng ở phía Palestine, bức tường cao sừng sững như núi, tầm mắt bị bịt kín, chỉ có thể ngửa cổ ngắm bầu trời. Những bức vẽ graffiti sặc sỡ chạy dài theo dãy tường như cố xoa dịu nỗi đau chia cắt và cuộc sống khổ cực mà người Palestine đang phải hứng chịu.
Ali nói với giọng buồn buồn: “Việt Nam và Palestine đều trải qua chiến tranh. Nhưng giờ đất nước các bạn đã thanh bình, còn người dân Palestine vẫn sống trong nỗi sợ hãi. Tôi chỉ mong chiến tranh mau chấm dứt và cuộc sống lại tốt đẹp như trước”. Trước khi ra về, anh chàng chìa ngay namecard và nói “Nếu còn dịp ghé thăm Bethlehem, tôi mong được gặp lại các bạn. Người Việt Nam rất thân thiện và tốt bụng. Cầu Chúa phù hộ cho những người bạn yêu quý của tôi.”
Một ngày thăm quan ngắn ngủi, nếu ví Bethlehem là ổ bánh mì thì chắc tôi mới chỉ gặm nhấm được vỏ bên ngoài. Tuy nhiên bấy nhiêu đó cũng đủ để tôi có kỷ niệm khó quên về vùng đất mà theo truyền thuyết cách đây hơn 2000 năm chúa Jesus đã ra đời và những người dân Palestine như Ali, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng rất nhiệt tình và yêu công việc.
Theo HHT