Vẫn nằm trong loạt bài đánh giá về nhân vật Ngô Đình Diệm nhân 45 năm ngày xảy ra cuộc đảo chính tháng 11.1963, xin giới thiệu với quý vị bài viết của tiến sĩ Kathryn Statler, Phó Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học San Diego, Hoa Kỳ.
Trong cuốn sách của tôi, Thay thế Pháp: Nguồn gốc của sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tôi đánh giá cách người Mỹ thay Pháp ở miền Nam sau Hội nghị Geneva 1954.
Kathryn C. Statler
Hiệp định Geneva đã tạm tái lập hòa bình giữa lực lượng của Hồ Chí Minh và Pháp, và chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17.
Các lãnh đạo Pháp tin rằng họ sẽ duy trì ảnh hưởng ở Nam Việt Nam, nhưng không được khi người Mỹ bắt đầu chiếm các vị trí trước đây nằm trong tay Pháp.
Khôn hơn người ta tưởng
Có lẽ yếu tố quan trọng nhất định hình sự chuyển đổi ảnh hưởng từ Pháp sang Mỹ chính là Diệm. Sau khi đã loại bỏ được ảnh hưởng của Pháp ở miền Nam, ông lại xoay sang mục tiêu tìm kiếm độc lập trước người Mỹ.
Các quan chức Mỹ ủng hộ Diệm sau Geneva vì họ bị thu hút bởi nhãn hiệu chống tham nhũng, chống cộng, thân phương Tây, Thiên Chúa giáo. Nhưng hóa ra Diệm, một cách có hệ thống, đã phá ngang các yêu cầu của Mỹ ở miền Nam, tuyên bố ông là một lãnh đạo Á châu tự chủ.
Lúc Diệm trở thành Thủ tướng, cả đồng minh lẫn kẻ thù đều nghĩ Diệm là một người có đạo đức, nguyên tắc, trung thực nhưng không khôn lắm về chính trị.
Diệm đã chứng tỏ ông khôn hơn người ta tưởng. Đến giữa tháng Năm 1955, Diệm đã loại hầu hết đối thủ trong nước, đặc biệt các nhóm Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên.
Ông cũng góp vai trò vào công cuộc vận chuyển và tái định cư thành công nhất trong lịch sử hiện đại, khi người tị nạn miền Bắc đổ vào miền Nam sau Hội nghị Geneva 1954.
Diệm cũng phá vỡ kế hoạch bầu cử năm 1956 theo như quy định của Hiệp định Geneva, với lý do Nam Việt Nam đã bị loại trừ khỏi cuộc đàm phán và đã không ký thỏa thuận chung cuộc.
Từ 1954 cho đến khi bị ám sát năm 1963, Diệm hoan nghênh viện trợ của Mỹ nhưng chống lại cố gắng chỉ đạo chính sách của miền Nam.
Bên cạnh đó, Diệm tìm cách có sự tôn trọng và hợp tác của các nước trung lập Thế giới thứ Ba, để không bị xem là con rối của Mỹ.
Diệm mặc đồ như một người phương Tây vì ông nhận thức rằng đó là nơi của trung tâm quyền lực, nhưng ông quyết đi theo con đường riêng ở Đông Nam Á.
Điều thú vị là đến cuối thập niên 1950, từ chỗ cực lực bài Pháp, Diệm bắt đầu nỗ lực hàn gắn quan hệ với Pháp để chứng tỏ mình độc lập trước Washington.
Chính sách ngoại giao
Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Đối ngoại là lĩnh vực Diệm có nhiều thành công nhất. Mục tiêu ngoại giao đầu tiên của ông là nâng vị thế quốc tế của Nam Việt Nam, bằng cách bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác.
Đến tháng 10.1956, Nam Việt Nam có 11 phái bộ tại Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Nhật, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào, Hong Kong, Djakarta và Đài Bắc, và có nhiều nước công nhận hơn miền Bắc (hơn 40 nước vào đầu năm 1958).
Diệm ngày càng lo ngại rằng các nước châu Á xem ông là “người do Tây nhào nặn”. Sau khi đã bảo đảm được sinh mạng chính trị của miền Nam, và của chính ông, ông bớt phụ thuộc hơn vào Mỹ.
Trước thời hạn bầu cử 1956, Diệm dè bỉu các nước “không liên kết”, nhưng sau khi hạn chót đã đi qua, ông thay đổi chính sách: cải thiện quan hệ với các nước châu Á.
Ông Diệm dựa vào Mỹ nhưng cũng muốn độc lập. Tổng thống Eisenhoweer và Ngoại trưởng John Foster Dulles đón tiếp ông Diệm tại phi trường Washington năm 1957.
Trước tiên Diệm ve vãn Ấn Độ, đích thân đi đến New Delhi năm 1957. Một mục tiêu của chuyến thăm là chứng tỏ ông không phải như Lý Thừa Vãn của Nam Hàn, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan – những người mà ông xem là chư hầu của Mỹ.
Diệm cũng bắt đầu tới các nước khác, đón tiếp nhiều lãnh đạo như U Nu của Miến Điện, để tăng vị thế quốc tế của ông.
Ông bay đến Washington, Canberra, Seoul, Bangkok, Delhi, Rangoon, gặp Thủ tướng Nhật, các phái đoàn của Marốc và Iraq. Diệm cũng đạt thỏa thuận đoàn kết chống cộng sản cùng với Úc, Nam Hàn và Thái Lan.
Ông cố gắng phát triển quan hệ với khối trung lập, giao thiệp với các nước Ảrập và thương lượng với Nhật về việc bồi thường chiến tranh.
Diệm cũng đăng ký gia nhập thật nhiều tổ chức quốc tế để quảng bá cho quốc gia miền Nam.
Đến cuối năm 1957, Nam Việt Nam có đại diện ở ít nhất 20 tổ chức liên quan Liên Hiệp Quốc và là thành viên của IMF.
Hành động cân bằng giữa Á châu và Mỹ đưa Diệm đi đến ngã tư đường trong chính sách ngoại giao vào năm 1958.
Theo chuyên gia hàng đầu về Việt Nam khi đó, Bernard Fall, miền Nam có thể cứ nằm trong tay Mỹ để bị gọi là chư hầu. Hoặc Sài Gòn có thể tìm lối đi trung dung, nhưng khi đó lại đối phó với bất ổn chính trị, vấn nạn kinh tế.
Cuối cùng, Diệm và em trai, Ngô Đình Nhu, ủng hộ quan điểm duy trì sự độc lập của miền Nam trong tương quan với Mỹ.
Đến năm 1960, 55 nước đã chính thức công nhận miền Nam – một thành tựu khá lớn khi so với sự cô lập của Cộng hòa Dân chủ Việt Nam.
Thất bại trong nước
Mặc dù khá thành công khi khẳng định sự độc lập về đối ngoại trong giữa thập niên 1950, nhưng đến khi John Kennedy đắc cử, Diệm để mất chủ động trong cả lĩnh vực đối ngoại và đối nội, vì sự can thiệp gia tăng của Mỹ và việc Diệm không thể ứng phó với các vấn đề trong nước.
Những khó khăn của miền Nam một phần có thể quy cho việc Mỹ không hiểu được chủ nghĩa dân tộc của Thế giới thứ Ba và những động cơ của Diệm.
Các viên chức Mỹ ở Sài Gòn tiếp tục ngạc nhiên là dù có viện trợ, Diệm vẫn chống đối cải cách của Mỹ.
Trong khi đó, Diệm cũng bực tức vì sao người Mỹ không hiểu quyết tâm của ông muốn đi theo con đường riêng, bỏ qua cả hệ thống tư bản dân chủ và kinh tế tập trung cộng sản.
Chúng ta sẽ không bao giờ biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Diệm.
Dù có thành công trong ngoại giao, nhưng Diệm khó lòng trở thành lá chắn hiệu quả chống lại quyết tâm thống nhất hai miền của Hà Nội.
Nhưng có lẽ những thành tựu của ông lâu nay đã bị đánh giá thấp.
Đây là người đã loại bỏ phe Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên, buộc Pháp rời bỏ cựu thuộc địa, lấy được viện trợ đáng kể của Mỹ, và buộc cộng đồng quốc tế chấp nhận “sự tan rã của ý tưởng bầu cử toàn quốc 1956”, và buộc họ thừa nhận rằng đất nước không thể được thống nhất chừng nào người cộng sản còn cầm quyền ở miền Bắc.
Diệm cũng lập ra một hiến pháp trao quyền lực tuyệt đối cho hành pháp, lập ra Quốc hội miền Nam, và giúp hàng trăm ngàn người tị nạn miền Bắc hòa nhập cuộc sống.
Diệm cũng có nhiều nhược điểm, như các nhà chỉ trích trước và nay đã chỉ ra. Đặc biệt, chính sách cải cách ruộng đất tai hại, đàn áp chính trị, và chỉ nghe ý kiến của người thân đã làm chính thể bị suy yếu.
Nhưng Diệm không phải là bù nhìn. Sau rốt, chính vì Diệm quyết tâm đi theo con đường riêng mà các tướng lĩnh miền Nam và Hoa Kỳ đã lật đổ ông.
Về tác giả:Bà Kathryn Statler lấy bằng tiến sĩ lịch sử ở Đại học Santa Barbara năm 1999 và dạy ở Đại học San Diego từ 2005. Tác phẩm đầu tay, Replacing France: The Origins of American Intervention in Vietnam, được NXB ĐH Kentucky ấn hành năm 2007.
(Nguồn: Tiến sĩ Kathryn Statler, viết riêng cho BBCVietnamese.com, ngày 21 Tháng 11 2008)
Tiến sĩ Kathryn Statler/ BBCVietnamese
VietCatholic News