Trong một quán bar khá sang ở thủ đô Ba Lan, tôi gặp người bạn của mình và hai thanh niên trẻ người Việt. Cả hai thanh niên đều ở độ tuổi sung sức, khuôn mặt sáng sủa của họ cho thấy họ là những người được học hành tốt. Qua vài câu trao đổi tôi thấy họ không những có kiến thức mà còn có cả công việc khá thành đạt.
Họ là những kỹ sư viết những phần mềm làm việc cho công ty nước ngoài tại Việt Nam. Lúc đầu tôi nghĩ họ đến Ba Lan để du lịch. Sau tôi mới biết họ đến đây để làm visa dài hạn ở Ba Lan. Tôi thắc mắc hỏi sao phải làm dài hạn ở đây khi các em còn làm việc ở Việt Nam.
Với vẻ mặt không vui, các chàng trai nói.
- Việt Nam giờ không biết thế nào anh ạ, thôi cứ làm sẵn visa vài năm, lúc nào đi thì đi, bọn em làm dự phòng thôi ấy mà.
Tôi trở về Đức và quên bẵng câu chuyện ấy đi. Nửa tháng sau gặp một chị quen trên tàu điện, nghe chị tâm sự đang tất bật lo cho hai đứa em mình giấy tờ dài hạn bên Ba Lan. Hỏi sao nhà ở phố cổ có cửa hàng, kinh doanh được mà các em chị lại đi. Chị nói giờ bọn nó bảo không thở nổi, tính đi để bọn trẻ con nó được ở bên này cho sạch sẽ.
Nếu bạn có visa du lịch đến khối Schengen, bạn có thể làm visa 2 đến 5 năm ở Ba Lan. Từ Ba Lan bạn có thể tự do đi lại hơn 20 nước ở châu Âu và đặc biệt là đi đến quốc đảo Malta. Quốc đảo mà bà đại biểu quốc hội Nguyệt Hường của Việt Nam có mang quốc tịch. Bà Nguyệt Hường còn là một đại gia, doanh nhân giàu có ở Việt Nam, bà trùm bất động sản VID Group.
Những cái tên ầm ĩ báo chí một thời như Vũ Đình Duy, Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Văn Thảo, Lê Chung Dũng giờ mỗi người một phương, người ở châu Mỹ, người Châu Úc, người Châu Âu với giấy tờ hợp lệ. Mặc dù bị Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế, nhưng không ai trong số họ tị nạn chính trị như nhiều người tưởng vậy. Những nơi họ ở là những cường quốc kinh tế lớn, ở đó không có hiệp ước pháp lý nào về dẫn độ với Việt Nam.
Phải chăng những quốc gia này bao che cho các tội phạm của nhà nước Việt Nam, nhưng không phải vậy. Chính Việt Nam mới là nước bao che. Mặc dù các quốc gia này đã mất tiền ve vãn để mời mọc Việt Nam ký kết hiệp định tương trợ pháp lý dẫn độ người. Nhưng phía Việt Nam từ chối hay tìm cách kéo dài trì hoãn không ký.
Lý do vì sao Việt Nam không ký? Vì chỉ có người Việt Nam ở lậu không giấy tờ, người Việt Nam phạm pháp trên các quốc gia khác như Châu Âu, châu Mỹ rất nhiều. Có mấy người nước ấy đến Việt Nam phạm tội, ngoài mấy nước ở Châu Phi.
Những người nông dân ở miền Trung Việt Nam liên tục đến Nga dễ dàng bằng suất du lịch, từ Nga có đường dây đưa họ trốn lậu vào khối Schengen. Ở quê nhà, có những đường dây ngầm trong ngân hàng làm thủ tục đặt nhà cửa, vườn tược rất dễ dàng cho những nông dân đi như vậy. Mỗi người đi giá dao động từ 10 đến 15 ngàn usd khi đến Đức. Đến được Đức rồi, những người nông dân này phải nỗ lực làm lậu để trả món nợ ở quê nhà đã vay ngân hàng khi đi. Rồi họ tìm cách hợp thức hoá việc ở lại bằng cách kết hôn, nhận con với mức giá dao động từ 15 ngàn euro đến 50 ngàn euro. Quá trình làm việc trả nợ và kiếm tiền hợp thức hoá giấy tờ cũng phải mất tới vài năm. Một số khác vì muốn kiếm tiền nhanh hơn việc làm chui không giấy phép lao động , bằng cách trồng cỏ ( một loại ma tuý).
Việt Nam không dám ký kết hiệp định hỗ trợ pháp lý vì nếu ký họ phải ngay lập tức nhận về hàng đống người nông dân đang nhập cư bất hợp pháp. Nếu để những người nông dân này về sẽ là gánh nặng với quốc gia vì mất đi khoản tiền kiều hối do họ làm gửi về đã đành, mặt khác là với những người đặt nhà cửa, vườn tược cho ngân hàng họ sẽ lấy gì ra trả.
Những người nông dân Việt Nam đi trốn tránh, chui lủi và đầy rủi ro. Nhưng các doanh nhân, quan chức thì dễ dàng hơn. Ngày nay càng nhiều quan chức, doanh nhân phải phòng xa lo cho mình một tấm visa ở các nước tư bản như Mỹ, Âu, Úc như trên. Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra cho ngành tư pháp, công an một khoảng trống kiếm tiền mênh mông. Về mặt chính trị cuộc chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng thất bại khi để Trịnh Xuân Thanh ung dung trốn ra nước ngoài gửi đơn về từ đảng. Nhưng mặt khác nó làm lực lượng công an trung thành hơn với đảng, vì đã tạo cho họ cơ hội để đe doạ, tống tiền các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn liên quan chồng chéo như mạng nhện. Chủ định của ông Trọng diệt nhóm sân sau của các đối thủ chính trị đối nghịch với ông với cái tên là những vụ đại án. Hàng trăm doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa lẽ ra không nằm trong chủ trương của ông Trọng, nhưng nó lại là miếng mồi ngon cho nhiều kẻ khác. Một cuộc săn béo bở nhất mà từ trước đến nay được đủ các tay thợ săn tham gia như ban kiểm tra trung ương , tổ công tác chính phủ, ban phòng chống tham nhũng trung ương, báo chí, viện kiểm sát, tổng cục thuế, hải quan. Những kẻ cơ hội này vừa kích động, tán dương chủ trương của tổng bí thư, vừa tranh thủ như đàn chó sói sục sạo khắp nơi để tìm mồi thịt.
Điển hình như vụ công ty cổ phần ô tô Châu Âu bao nhiêu năm không sao, đến cuối năm 2016 trong đợt cao trào chống tham nhũng đã bị con trai bộ trưởng tài chính , cũng là một cán bộ công an đến nói chuyện tiền hối lộ. Không được như ý, ngay lập tức bộ tài chính có văn bản thanh tra, bộ công an đề nghị khởi tố. Dẫn đến một công ty khác chết lây là công ty Cổ Phần Tập Đoàn Tân Thành Đô cũng kinh doanh ô tô bị kiểm tra truy thu thuế hơn 700 tỷ đồng. Chưa hết Tân Thành Đô còn phải hối lộ đến cả ngàn tỷ để thoát không bị đưa ra khởi tố.
Tình trạng trên thanh trừng, dưới kiếm chác đã tạo thành một làn sóng sợ hãi trong giới doanh nhân Việt Nam ngày nay. Khiến cho tầng lớp doanh nhân phải đứng giữa những lựa chọn không thể chần chừ, đó là tìm kiếm ô dù che đỡ hay tính đến phương án rời bỏ Việt Nam ra nước ngoài sinh sống.
Trên những đường phố đông người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ ngày nay, xuất hiện nhan nhản những tấm biển của những văn phòng tư vấn định cư, thẻ xanh, đầu tư...khách hàng của họ là những doanh nhân Việt Nam, số lượng ngày càng nhiều hơn.
Nực cười là những kẻ bị săn đuổi, bị cướp bóc trốn đi lánh nạn đã đành, những kẻ cướp được cũng tìm cho mình một tấm visa để trốn một đại hoạ khác. Đó là tai hoạ môi trường. Ngày nay nhiều quan chức ngoại giao, nhân viên hãng quốc tế rất e ngại khi phải đến Việt Nam làm việc vì sợ hãi môi trường, giao thông và văn hoá xuống cấp của người Việt.
Những lớp doanh nhân này đi, sẽ có những lớp doanh nhân khác trỗi lên bằng những mối quan hệ với các quan chức lớp mới trong chế độ. Rồi đến hẹn lại lên, sau mỗi nhiệm kỳ 5 năm của quan chức cộng sản đỡ đầu. Lớp doanh nhân mới sau khi tích trữ được một số của cải, lại tìm đường đi để cho lớp mới lên. Cuộc sống ở Việt Nam cứ tuần hoàn như vậy, đất nước như một miếng da lừa, cứ năm sau nợ nần lớn hơn, tài nguyện cạn kiệt hơn, môi trường và đạo đức xã hội băng hoại hơn.
Và lớp người đi cũng nhiều hơn.